Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Nhóm tỉnh có chỉ số phát triển con người tăng nhanh
(Ngày đăng: 17/01/2018)

Theo cách tiếp cận mới, có hệ thống trong xã hội hiện nay “phát triển con người là sự mở rộng phạm vi lựa chọn của con người để đạt tới một cuộc sống ấm no, khỏe mạnh, trường thọ, an toàn có ý nghĩa xứng đáng với con người”. Quan niệm này thể hiện hai khía cạnh.

 

Thứ nhất, mở rộng cơ hội con người lựa chọn thu nhập, cơ hội được học tập, tiếp cận dịch vụ y tế, việc làm, nhà ở, tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng và sống trong một xã hội an toàn.

Thứ hai, nâng cao năng lực con người, thể hiện qua trao đổi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, thường xuyên sử dụng có hiệu quả để tăng cường năng lực một cách bền vững.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quan điểm phát triển con người trong mục tiêu của chiến lược mà Việt Nam theo đuổi vì con người, vì hạnh phúc của tất cả mọi người được thể hiện ngay trong Bản Tuyên ngôn độc lập, văn kiện khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02 tháng 9 năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định các mục tiêu phát triển tối cao mà Việt Nam hướng tới là đảm bảo các quyền con người: quyền được sống tự do, độc lập, quyền được đảm bảo các điều kiện sống trong bình đẳng, quyền được mưu cầu hưởng hạnh phúc.

Mục tiêu phát triển con người cũng được khẳng định xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là: Phát triển con người nhằm nâng cao điều kiện sống và phát triển năng lực con người trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội; tính bình đẳng trong phát triển con người luôn được nhấn mạnh, lợi ích phát triển phải dành cho tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác; con người vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực của sự phát triển.

Theo quan điểm của Liên hiệp quốc (UNDP: United Nation Development Programme) về phát triển con người được đánh giá thông qua chỉ số phát triển con người (HDI: Human Development Index). Chỉ số HDI là giá trị trung bình của 03 chỉ số thành phần:

- Chỉ số về mức sống của con người, được đo bằng giá trị thu nhập bình quân đầu người thực tế theo sức mua tương đương (PPP: Purchasing Power Parity)

- Chỉ số giáo dục được tính theo tỉ lệ biết chữ của người lớn và tỉ lệ đi học chung ở các bậc học.

- Chỉ số tuổi thọ, được đo bằng tuổi thọ bình quân của con người từ khi mới sinh ra.

Qua nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, theo quan điểm phát triển con người hiện hành có thể đưa ra một số nhận xét ban đầu về tình hình phát triển con người ở tỉnh Tiền Giang.

Thứ nhất, trong thời kỳ đổi mới, mở rộng kinh tế quốc tế đã có những tác động lớn làm chuyển biến cơ bản các mặt đời sống của con người theo hướng tích cực là chủ yếu: giải phóng tiềm năng con người, tạo điều kiện cho con người có cơ hội lựa chọn thu nhập, có điều kiện được học tập, tiếp cận các dịch vụ y tế, có việc làm ý nghĩa hơn, được tham gia cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Nói chung, con người năng động hơn thông qua việc nâng cao năng lực của mình một cách bền vững hơn.

Thứ hai, đây cũng là giai đoạn có nhiều tiêu cực đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hạn chế sự phát triển con người trong tỉnh.

Năm 2005, chỉ số HDI Tiền Giang xếp nhóm trung bình, thứ hạng 19/64(*). Năm 2015, chỉ số HDI tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bình Phước, Thái Nguyên, Phú Yên được đánh giá là “các ngôi sao đang lên” có chỉ số phát triển vượt bậc (**).

Viên Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố báo cáo phát triển con người Việt Nam trong báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2017, Tiền Giang là một trong số tỉnh từ năm 2011 – 2015, chỉ số phát triển con người (HDI) có phát triển nhanh thể hiện ở 3 chỉ số: thu nhập bình quân đầu người, giáo dục và tuổi thọ trung bình.

 

(*) Theo Báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang năm 2006.

(**) Theo báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố báo cáo ngày 5/2/2017.

 

Nguyễn Ngọc Ánh
Tin liên quan