Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Một số giải pháp môi trường về thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(Ngày đăng: 17/01/2018)

Trong những năm đầu của Thế kỷ thứ 21, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã biểu hiện ngày càng rõ nét, như: Hạn hán, nắng nóng bất thường và kéo dài, bão, lũ diễn ra với cường độ mạnh hơn, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng đối với Tiền Giang, tác động của BĐKH đã và đang diễn ra khá rõ rệt, cụ thể:
Ngập lũ ở Đồng bằng sông cửu Long

 

- Thay đổi về thời tiết và lượng mưa: theo kết quả thống kê quan trắc nhiệt độ cho thấy trong 3 thập niên gần đây tại Tiền Giang nhiệt độ trung bình/năm tăng 0,1 oC; lượng mưa trong các thập niên xu hướng ngày càng có cường độ lớn hơn và tần suất xuất hiện nhiều hơn (tại Mỹ Tho thời kỳ 1978-1991 lượng mưa trung bình là 1.238 mm, 2002-2011 lượng mưa trung bình 1.441 mm).

- Xâm nhập mặn: Biểu hiện xâm nhập mặn tại tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2002-2013 được đo tại trạm Vàm Kênh, Hòa Bình trên sông Cửa Tiểu, trạm Cầu Nổi trên sông Vàm Cỏ cho thấy tình hình xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch và đi sâu vào nội đồng (độ mặn  4‰ xâm nhập mạnh vào các cửa sông Vàm Cỏ và sông Tiền và đạt mức cao nhất năm 2011, 2012, 2013).

Đến năm 2020,2030 xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào phường Tân Long, TP. Mỹ Tho; xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo và tất cả các xã, phường của thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông.

Từ năm 2040 đến năm 2100, xâm nhập mặn sẽ đi sâu vào đất liền trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các sông chính đều bị nhiễm mặn và mức độ mặn trong khoảng 1-10‰.

Theo kịch bản năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đến năm 2100 có khoảng 88% diện tích đất của tỉnh Tiền Giang sẽ bị nhấn chìm, nhiễm mặn phèn, sạt lở, xâm thực và sụt lún.

- Lũ lụt: Ở Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung lũ lụt hình thành chủ yếu do nước từ thượng nguồn đổ về, đồng thời mưa tại chỗ và triều cường ngoài sông làm tăng thêm mức độ trầm trọng của lũ. Thống kê trong 80 năm (1926-2008) tại ĐBSCL có 28 lần lũ lớn (mức nước tại Tân Châu lớn hơn 4,5 m). Như vậy bình quân cứ 3 năm xảy ra lũ lớn một lần. Tuy nhiên, trên thực tế có lúc 7-8 năm mới có một lần lũ lớn như năm 1984, 1991 hoặc 3 năm liên tục có lũ lớn như vào các năm 2000, 2001, 2002. Mức ngập của các huyện phía Tây nằm trong khoảng 0,45-0,89 m…

 

           Bảng diện tích ngập theo kịch bản nước biển dâng của Bộ TN&MT

 

 

Như vậy, độ sâu ngập trung bình của các kịch bản ở năm 2020 khoảng 30-40 cm, ở năm 2050 độ sâu ngập từ 30-50 cm, riêng khu vực phía Bắc Tp. Mỹ Tho ngập cao hơn khoảng 50-60 cm. Tiền Giang có cao trình tương đối thấp, toàn vùng không có hướng dốc rõ ràng, tuy nhiên có những khu vực có tiểu địa hình thấp trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung như khu vực đất cao ven sông Tiền; khu vực Gò Công giới hạn từ phía Đông kênh Chợ Gạo đến biển Đông có cao độ phổ biến từ 0,8 m và thấp dần theo hướng Đông Nam;…do đó mức độ ngập của khu vực nội đồng cao hơn các khu vực ven biển Đông và sông Tiền.

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Tiền Giang bước đầu khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đã đánh giá được những tác động của BĐKH đến môi trường tự nhiên và xã hội; đề ra và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp ứng phó và giảm thiểu tác động sâu do BĐKH gây ra.

Đề xuất một số giải pháp để ứng phó BĐKH tại tỉnh Tiền Giang:

 

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy:

- Thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nhiệm vụ ứng phó với BĐKH.

- Phối hợp phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành trong phối hợp quản lý, thực hiện các hoạt động có liên quan đến việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn quản lý.

 

2. Giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách:

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH để triển khai thi hành nghiêm các văn bản về ứng phó với BĐKH của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Xây dựng và ban hành bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh Tiền Giang cho nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, chú trọng đến các lĩnh vực: truyền thông, tuyên truyền; giáo dục và đào tạo; tài chính…

- Xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp trong các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH có tính chất liên huyện, liên tỉnh trong vùng ĐBSCL.

- Có chính sách thu hút, ưu đãi các dự án đầu tư trọng điểm về ứng phó với BĐKH của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

 

3. Giải pháp về nâng cao nhận thức ứng phó với BĐKH:

- Tuyên truyền giáo dục về nâng cao nhận thức ứng phó với BĐKH cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

- Triển khai các chương trình liên tịch về ứng phó với BĐKH giữa các sở, ban, ngành với Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng như: Hội liên hiệp phụ nữ, Liên hiệp các Hội KH&KT, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…

- Hàng năm, triển khai các hoạt động truyền thông về ứng phó với BĐKH qua các tuần lễ: Nước sạch và vệ sinh môi trường quốc gia 22/4; Đa dạng sinh học 22/5; Ngày môi trường thế giới 05/6; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

- Thường xuyên cung cấp, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về ứng phó với BĐKH đến các tổ chức, cá nhân thông qua biên soạn tài liệu, phát hành bản tin và cung cấp thông tin trên Website của tỉnh.

 

4. Giải pháp tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH:

- Tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH giữa các sở, ban, ngành của tỉnh Tiền Giang với các cơ quan ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL và trung ương về các Chương trình ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

- Tăng cường hoạt động hợp tác với các trường, viện, trung tâm nghiên cứu trong nước để thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ về ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tư vấn trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế để được hỗ trợ các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH.

 

- Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, nhất là thu hút kỹ thuật, công nghệ cao phục vụ hiệu quả cho việc ứng phó với BĐKH./.

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan