Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Một số giải pháp cần quan tâm trong mô hình chăn nuôi gà thông minh đạt hiệu quả cao
(Ngày đăng: 17/12/2017)

Chương trình “Khởi nghiệp cùng chuyên gia” do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động trên phạm vi cả nước đã giới thiệu những mô hình được gầy dựng theo tiêu chí thông minh, tiện lợi cho chính người khởi nghiệp đề xuất và làm chủ. Mô hình nuôi gà thông minh ở khu vực phía Bắc được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Cụ thể một số giải pháp đã được áp dụng có hiệu quả:
Nuôi gà theo tiêu chí thông minh

 

1. Vị trí: trại nuôi gà ở xa khu dân cư, trên một khu đất cao ráo, xung quanh có trồng chuối, cau, mãng cầu tạo ra tiểu vùng không khí thoáng mát và phù hợp cho chăn nuôi. Sau khi quan sát, chuyên gia nhận xét, đánh giá vị trí địa lý khu chăn nuôi rất thuận lợi. Tuy nhiên, chuyên gia đưa ra gợi ý cần phải có giấy phép xây dựng trang trại nuôi gà, đây là yêu cầu mới của cơ quan quản lý mà nhiều người chưa biết khi sản xuất gà thương phẩm.

 

2. Chuồng trại: chủ trang trại phải đầu tư rất kỹ theo hướng chăn nuôi lâu dài. Công trình được xây dựng kiên cố tường gạch, nền xi măng, mái lợp bằng tấm fibro, chắn nắng bằng hệ thống bạt, chống nóng mùa hè, chống lạnh mùa đông. Xung quanh chuồng có hệ thống rào lưới chắc chắn. Mỗi ô chuồng rộng khoảng 150 m2, thoáng và giấu phần lớn cột. Lối vào có hố vôi hoặc thuốc sát trùng. Hệ thống máng ăn treo chỉ cần 01 người vận hành có thể nâng lên rất cao cho thoáng sau giờ gà ăn và hạ xuống  khi đến bữa ăn của 1.000 con gà mỗi ô, bằng hệ thống ròng rọc với tay quay kiểu tay lái tàu. Đến giờ cho ăn thì tất cả bầy gà tập trung ăn đồng loạt, ăn xong treo máng lên trần, không để thức ăn lẫn chất thải rơi vãi, tránh nguy cơ bệnh đường tiêu hoá. “Điểm này là rất sáng tạo”, chuyên gia đánh giá rất cao. Hệ thống máng cho gà uống gồm hai dãy ống tuýp cố định, chạy dọc sàn giữa chuồng, một đầu nối với hệ thống cấp nước, đầu còn lại thoát ra hố phân huỷ. Bố trí khoảng 30 thau uống /ô chồi lên với chiều cao bằng ức gà và tất cả bằng nhau. Phía trên có chụp then sắt, gà chỉ có thể đưa đầu vào uống, chụp nhọn ngăn không cho gà đậu lên. Nước sạch được đưa vào các thau nước cho gà uống thường xuyên, mỗi buổi thay nước. Khi cho gà uống thuốc, đậy nắp ở trong đáy chậu, cho vào thau nước lượng thuốc vừa phải để gà uống hết, sẽ không lãng phí hay tồn dư thuốc ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.

 

3. Con giống: cần tìm nơi cung cấp giống gà có uy tín và có chứng nhận sản xuất giống. Đến nay, ở khu vực phía Bắc có giống gà ta lai Lượng Huệ. Giống gà này có đặc điểm thân mình to, khối lượng 1,8-2,1 kg/con (100-120 ngày tuổi), hệ cơ bắp phát triển, chân cao, lông dầy, màu lông đa dạng, chỉ số tiêu thụ thức ăn (FCR) khoảng 2,7 kg thức ăn/kg tăng trọng, thương lái rất ưa chuộng vì rất phù hợp với thị  hiếu của người tiêu dùng. Ở Tiền Giang, giống gà ta Gò Công cũng có nhiều đặc điểm nổi trội và cũng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là ở thị trường TP. Hồ Chí Minh.

 

4. Nhân lực: Với mô hình trang trại nuôi 5.000 đầu gà mỗi lứa chỉ cần 2 lao động chính trong gia đình và 5 lao động hỗ trợ thường xuyên là có thể đảm đương được toàn bộ công việc trong trại. Khi hốt gà con, vào tháng đầu cần thêm vài người giúp làm vaccin, phụ chăm sóc. Với nguồn nhân lực như trên, chuyên gia cho là hợp lý về tiêu chí nhân lực.

 

5. Nguồn vốn:  Khoản vốn xây dựng chuồng trại và vốn lưu động gồm các chi tiết như: giống, thức ăn, thuốc thú y, điện, nước, khấu hao chuồng trại, thiết bị chăn nuôi và chi trả nhân công. Tất cả các khoản kinh phí trên được chuyên gia giúp tính toán cụ thể và ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi miễn là có phương án khả thi.

 

Với trang trại gà 5.000-10.000 con, hàng năm xuất chuồng 3 lứa với khối lượng gà thương phẩm 30-60 tấn/năm người chăn nuôi có thể thu được khoảng lợi nhuận 100-200 triệu đồng/năm là việc bình thường, nếu chăm sóc tốt có khi còn đạt hiệu quả cao hơn nhiều.

 

Hy vọng Chương trình “Khởi nghiệp nông nghiệp cùng chuyên gia” với “Mô hình nuôi gà thông minh” sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân, nhất là trong giai đoạn ngành nông nghiệp đang từng bước thích ứng với “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0” trên phạm vi cả nước.

 

 

Nuôi gà với hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động và đảm bảo vệ sinh.

 

Nguyễn Văn Re
Tin liên quan