Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những lợi ích trong hình thức nuôi ếch Thái Lan kết hợp với nuôi cá
(Ngày đăng: 17/10/2017)

Sau thời gian du nhập vào Việt Nam, ếch Thái Lan được nhiều người quan tâm (một phần do báo chí và các trang mạng thông tin khá rầm rộ). Tuy nhiên, sau đó thực tế cho thấy việc nuôi ếch Thái không dễ dàng, bởi lẽ giá ếch thương phẩm thường xuyên biến động, trong khi hiệu quả về mặt kỹ thuật nuôi (hệ số thức ăn, tỉ lệ sống) không cao và thiếu ổn định. Qua các giai đoạn thăng trầm, hiện ếch Thái vẫn còn một số ít hộ chọn nuôi, trong đó hình thức nuôi trên vèo kết hợp với nuôi cá trong ao được ưa chuộng hơn.
Nuôi ếch trong vèo kết hợp với nuôi cá trong ao .

  

Cách thứ nhất: Nuôi ếch bằng lồng lưới, nếu có ao, hồ tự nhiên, tận dụng mặt nước để nuôi ếch. Dưới lồng ếch vẫn nuôi cá bình thường mà lại không tốn nhiều thức ăn cho cá. Các loại cá thích hợp cho môi trường này là: trê phi, rô phi, rô đồng và cá lóc (cá tràu). Các loại cá này thích nghi được nhiều môi trường, hơn nữa lại tạp ăn và kháng bệnh cao.

Hồ nuôi ếch nên phát quang xung quanh bờ để hạn chế lá cây rụng xuống nhiều làm đục nước và gây hôi, thối. Sau đó đặt lồng lưới xuống ao kéo cho vuông vắn và cho tấm xốp nổi trong lồng lấy nơi cho ếch nằm và để thức ăn. Cách cấu tạo lồng lưới như sau: dùng lưới nilon tự nhiên đan thành từng lồng riêng lẻ, sao cho chiều rộng khoảng 1,5m, chiều dài 3,0m, chiều cao 2,0m nhằm tiện chăm sóc, kiểm tra khi cần thiết. Tấm dưới cùng nên dùng loại lưới thưa hơn để khi ếch ăn không hết, thức ăn sẽ rơi xuống cho cá ăn. 

Cách thứ hai: Nuôi ếch bằng bể xi măng, cách này có thể tận dụng những mảnh đất dư thừa trong vườn để xây bể hoặc chuồng nuôi lợn đã bỏ để nuôi ếch. Kích thước của bể không phụ thuộc vào độ lớn nhỏ nhưng phải đảm bảo độ cao để ếch không nhảy được ra ngoài cũng như để tránh kẻ thù xâm nhập như: rắn, mèo, chuột, chim cú. Xung quanh thành bể phải giăng lưới để tránh xây xát, gây thương tích cho ếch khi bám vào tường xi măng; dưới đáy phải có ống thoát nước để tiện cho việc thay nước. Đồng thời xây xung quanh phía trong của bể khoảng 20 cm sao cho cao hơn mặt nước khoảng 5 - 10 cm để lấy nơi cho ếch nằm trên cạn khi cần thiết.

 

So với một hình thức nuôi ếch tương đối phổ biến khác là nuôi trên bể đất lót bạt, thì chi phí đầu tư ban đầu giữa 2 hình thức này xấp xỉ như nhau (bạt/ vèo và lưới thái làm mái che). Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì hình thức nuôi ếch trên vèo đặt trong ao có nhiều ưu điểm như sau:

- Các yếu tố môi trường nuôi như nhiệt độ, pH… ổn định và ít biến động, thuận lợi cho ếch sinh trưởng và phát triển hơn. Ngoài ra, môi trường nuôi cũng yên tĩnh và thoáng mát hơn.

- Ít tốn công thay nước. Chỉ cần cải tạo ao 1 lần sau khi thả ếch và cá, sau đó thay nước định kỳ 1 – 2 tuần/lần khi nước dơ (chứ không thay nước mỗi ngày 1-2 lần như nuôi trên bể đất lót bạt).

- Tận dụng thức ăn thừa và chất thải của ếch làm thức ăn cho cá, nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá nuôi.

- Ếch ít bị bệnh hơn so với nuôi trên bể đất lót bạt và thường có tỉ lệ sống cao hơn.

Qua thực tế so sánh cho thấy, ếch nuôi trên vèo có hệ số chuyển đổi thức ăn tốt hơn, và ít rủi ro hơn nên có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, nhờ chi phí nuôi cá thấp (chủ yếu là con giống và tận dụng các phụ phế phẩm sẵn có tại nông hộ) nên lợi nhuận thêm từ cá cũng khá đáng kể (đủ để “xí xóa” phần lỗ từ ếch nếu chẳng may ếch có giá thấp, hoặc có thể lời thêm nếu ếch bán được giá cao).

So với hình thức nuôi trong bể đất lót bạt, thì nuôi ếch trên  vèo chỉ có một nhược điểm đó là việc trị bệnh cho ếch nuôi trên vèo khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không quá đáng ngại, vì thực tế cho thấy ếch nuôi trên vèo ít bị bệnh hơn.

Cho nên, có thể nói nuôi ếch Thái trên vèo kết hợp với nuôi cá trong ao là phương thức nuôi kết hợp có nhiều ưu điểm và quan trọng là đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và cao hơn các hình thức nuôi ếch khác.

Các vấn đề cần lưu ý trong mô hình nuôi ếch kết hợp với cá:

- Cá chỉ là đối tượng nuôi phụ, chỉ cần thả với mật độ thưa, chủ yếu để tận dụng thức ăn thừa, chất thải từ ếch và các phụ phẩm sẵn có tại nông hộ. Nếu thả cá nhiều thì cần phải cho ăn thêm nhiều, khi đó môi trường dễ bị ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe ếch.

- Ao phải có nguồn nước tốt, có thể thay nước chủ động.

- Ngoài các giá thể là bè tre, tấm nhựa… nên sử dụng thêm giá thể là các loại cây cỏ thủy sinh như lục bình, rau muống… sẽ giúp môi trường nuôi tốt và thuận lợi hơn cho ếch. Đối với ếch Thái Lan, ngoài việc hiểu biết về kỹ thuật nuôi thì kinh nghiệm nuôi là cũng là yếu tố rất quan trọng. Nên nếu là người mới nuôi lần đầu, bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ./.

  

KS. Ngô Lập Đức – Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang
Tin liên quan