Dù bước sang tuổi 80 nhưng ông Lê Văn Đua xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang vẫn cháy bổng bầu nhiệt huyết, tinh thần “thép”, không ngừng ra sức chiến đấu trên mặt trận mới, vượt qua khó khăn, nỗ lực làm giàu bằng chính sức cần lao của mình. | |
Ông Đua đang chăm sóc heo |
Một thời trai trẻ, sống, cống hiến cho cách mạng, ngày xuất ngũ trở về địa phương với tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, ông Đua luôn trăn trở và suy nghĩ mình phải làm như thế nào để xứng đáng với tấm Huân chương cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, đặc biệt phải làm như thế nào để xứng đáng với sự hi sinh của những anh em đồng chí, đồng đội khác.
Với suy nghĩ đó, ông Đua ra sức phát triển kinh tế gia đình, chọn cây lúa và con heo để gắn bó. Trải qua nhiều thăng trầm, giá heo có nhiều biến động nhưng với kinh nghiệm tích luỹ từ việc nuôi heo cũng như trồng lúa phần nào giúp gia đình ông trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và nuôi các con khôn lớn nên người. Ông Đua chia sẻ: “Giá heo nhiều lúc lên rất cao, nhưng có lúc giảm rất nhiều, tốt nhất người nuôi nên duy trì đừng tăng đột ngột số đàn khi giá heo tăng hay bỏ chuồng khi giá heo giảm, làm như thế rất dễ bị phá sản khi giá heo dao động. Nếu biết cách chăn nuôi và đoán đầu thị trường thì người nuôi heo rất dễ làm giàu”.
Gắn bó với cây lúa, khi thu hoạch từ việc đập lúa bằng sức người, chuyển dần lên máy suốt, mất nhiều thời gian và cần nhiều nhân công nhưng hiệu quả không cao. Trước thực tế đó, ông Đua bàn với gia đình đầu tư mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) về tân trang lại để phù hợp với địa hình của từng vùng. Bước đầu ông chỉ gặt cho gia đình và bà con nhân dân trong vùng. Thấy có hiệu quả kinh tế và nhu cầu gặt lúa vào mùa thu hoạch nhiều, gia đình ông Đua phát triển thêm máy gặt, từ 1 cái ban đầu đến nay gia đình ông Đua đã có 4 máy GĐLH phục vụ nhu cầu gặt lúa cho bà con nhân dân.
Tiếng lành đồn xa, cứ đến mùa thu hoạch lúa, gia đình ông Đua cùng vận chuyển 4 máy đi gặt không chỉ trong tỉnh mà còn sang các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, Long An….Bình quân mỗi máy GĐLH được gia đình ông Đua mua với giá từ 500 đến 900 triệu đồng và gặt thuê với giá 200.000 đồng/công lúa. Nếu đất bằng phẳng, địa hình thuận lợi thì mỗi máy có thể gặt được khoảng 10 héc ta lúa/ngày. Sau khi trừ các chi phí, mang về cho gia đình ông Đua nguồn thu đáng kể. Chỉ vào máy GĐLH mới toan để trước sân, chuẩn bị đi gặt cho vụ này, ông Đua nói: “Đó là cả gia tài của gia đình tôi, nhiều năm quần quật dưới ruộng sâu và đắn đo lắm tôi mới bỏ tiền mua máy GĐLH hiện đại này về. Lúc mới mua sợ gặt không được, tiền đâu ra mà trả nợ nhưng giờ tôi đã biết mình đang đi đúng hướng”.
Ông Đua phấn khởi chia sẻ thêm: “Nhờ gắn bó với máy gặt đầu tiên, nhiều mối quen biết, giá gặt thuê cũng hợp lý nên cứ đến mùa thu hoạch lúa là các máy của gia đình tôi đi khắp nơi để gặt cho bà con nhân dân. Mỗi năm gặt 3 vụ lúa, với công suất và giá cả như thế thì không bao lâu sẽ thu hồi lại tiền vốn mua máy GĐLH và bắt đầu phát sinh lợi nhuận ròng trong nhiều năm tiếp theo”.
Theo ông Đua, việc điều khiển máy gặt này không khó, tuy nhiên cần phải cẩn thận trong từng công đoạn vì đường ruộng không bằng phẳng nên rất khó để điều khiển máy đi đúng hướng. Mặc dù chưa trải qua lớp học nào đào tạo kiến thức về cơ khí hay sửa chữa máy móc, thế nhưng bằng sự quyết tâm của mình, không chỉ ông Đua thành thạo mà ông còn hướng dẫn, truyền kinh nghiệm lại cho các con trong gia đình và trở thành “địa chỉ” tin cậy mỗi khi người dân cần bảo dưỡng máy GĐLH.
Nhận xét về người nông dân, cựu chiến binh nhiệt huyết, không ngại khó khăn, vất vả vươn lên làm giàu chính đáng Lê Văn Đua, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh cho biết: “Hội viên Lê Văn Đua đã đạt thành thích nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đây là một trong những nông dân tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao”./.
Ông Đua bên cỗ máy gặt đập liên hợp của mình.