Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Cơ sở xác định nguồn gốc hình thành nghề thủ công truyền thống đươn đệm huyện Tân Phước
(Ngày đăng: 02/09/2017)

Việc xác định nguồn gốc hình thành nghề thủ công truyền thống đươn đệm có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn và phát triển nghề trên địa bàn huyện Tân Phước. Cụ thể, chúng ta có cơ sở để khẳng định được bề dày lịch sử nghề; nhận thức được vai trò của nghề trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội huyện Tân Phước; truy tìm cột mốc xuất hiện nghề giúp cho công tác công nhận các thế hệ nghệ nhân được thuận lợi; đồng thời phát huy truyền thống nghề cho các thế hệ mai sau… Để việc xác định nguồn gốc nghề chính xác, qua kết quả nghiên cứu của đề tài “Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống Đươn đệm huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang”, chúng tôi xin nêu một vài cơ sở nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn như sau:

 

Khi nhắc đến nguồn gốc của nghề thủ công đươn đệm huyện Tân Phước, nhiều học giả căn cứ vào các nguồn tư liệu viết về vùng Đồng Tháp Mười xưa. Bởi lẽ, địa giới huyện Tân Phước ngày nay vốn dĩ nằm trong tiểu vùng đất phèn, có tên gọi là Đồng Tháp Mười.

 

Trong lịch sử, vùng Đồng Tháp Mười có nguồn gốc từ phế tích Gò Tháp. Khi thực dân Pháp vào xâm lược nước ta, thực hiện ý đồ khai thác triệt để đất đai sản vật ở các nước thuộc địa, chúng đã chú ý đến vùng đất nhiễm phèn này. Thực dân Pháp cho rằng, Đồng Tháp Mười là vùng đất đầy tiềm năng về kinh tế. Để khắc phục được sự nhiễm mặn, chúng chỉ việc đào kênh tháo nước và dẫn nước là có thể biến vùng đất rốn phèn, rốn lũ này thành vùng đất phì nhiêu, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Vì vậy, trước khi khai thác, thực dân đã tìm hiểu kỹ và đưa ra nhận định sơ bộ về đặc điểm đất đai thổ nhưỡng của vùng đất này và phác họa chúng qua bản đồ Đồng Tháp Mười (do Pháp xuất bản năm 1862). Theo đó, Đồng Tháp Mười được ghi dưới tên gọi là Plaine inondée couverte d’herbe (dịch là Cánh đồng ngập nước đầy cỏ). Sau đó, người Pháp gọi lại là Plaine des Joncs. Về sau, các học giả người Việt nghiên cứu về Đồng Tháp Mười dịch Plaine des Joncs là “Đồng cỏ lát” hay “Đồng Cói”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, việc dịch chữ “Jonc” là cói hay lát thì không sai, nhưng dịch cho đúng sự thực địa lý đương thời thì nên dịch là “Đồng cỏ bàng”. Điều đó được người Pháp chứng minh trong tác phẩm Annuaire général de L’ Indochine (năm 1910)... Qua nhận định của người Pháp về Đồng Tháp Mười xưa, chúng ta có thể thấy  cây cỏ bàng là một trong những loài thảo mộc mọc phổ biến nhất ở vùng đất này. Chính đặc điểm tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có huyện Tân Phước đã tạo nên nguồn nguyên liệu bàng dồi dào, là cơ sở hình thành nên nghề đươn đệm. 

 

            Hiện nay, Đồng Tháp Mười bao gồm 3 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang (huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước). Trong các bộ sách ghi chép về Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước chính là đơn vị có địa giới hành chính nằm ở trung tâm của vùng. Cụ thể, tổng Hưng Nhơn là một trong những tổng xưa thuộc huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường, hồi đầu thế kỷ là một trong 15 tổng của tỉnh Mỹ Tho. Quá trình lập làng lập ấp trên địa bàn Đồng Tháp Mười diễn ra khá muộn, khoảng những năm cuối thế kỷ XIX. Căn cứ vào thời điểm lập làng của tổng Hưng Nhơn, một số nhận định cho rằng nghề thủ công đươn đệm xuất hiện trên địa bàn huyện Tân Phước vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Đi kèm với giả thuyết trên là một số dẫn chứng được ghi chép lại từ các nguồn sử liệu như đến năm 1881, công cuộc khẩn hoang của cư dân miền Nam chỉ thật sự tiến tới những vùng ven Đồng Tháp Mười. Khu vực này vào thời điểm đó vẫn còn là một bưng lớn, nhiễm phèn, chưa canh tác. Theo Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902 ghi chép lại, lúc bấy giờ, một số làng thuộc vùng ven Đồng Tháp Mười vẫn còn xuất hiện các con thú dữ như heo rừng, voi... Chính vì thế, khi thực dân Pháp quyết định tháo mặn và dẫn nước để khai thác triệt để nguồn lợi ở Nam Kỳ thì Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ mới bắt đầu được khai hoang.

  

Tiếp tục dựa vào các tài liệu ra đời dưới triều Nguyễn, điển hình là sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi chép về cây cỏ bàng sống trên vùng đất này là một loài thảo mộc đặc trưng của địa phương. Chúng ta có thể giả định rằng nghề thủ công đươn đệm đã xuất hiện trên vùng Đồng Tháp Mười mà cụ thể là ở khu vực Tiền Giang, cư dân ở đây đã dùng cây cỏ bàng để đươn các sản phẩm là bao đựng lúa gạo, chiếc đệm, chiếc nóp, bườm hay bao cà ròn. Dựa vào những nhận định của sử gia Trịnh Hoài Đức, ta có thể phỏng đoán rằng nghề xuất hiện trước năm 1820, tức trước năm ông viết tác phẩm này. Tuy nhiên, khi xem xét lại quá trình lập làng lập ấp ở tổng Hưng Nhơn, chúng ta nhận thấy rằng có một số xã ở huyện Tân Phước đã xuất hiện trước năm 1820, đó là vào năm 1808, chúng thuộc địa giới hành chính ở tổng khác. Điều này cho phép ta dời cột mốc xuất hiện nghề thủ công truyền thống đươn đệm huyện Tân Phước đến năm 1808 (minh chứng của nó được thể hiện theo diễn biến tên làng từ năm 1808 đến năm 1902).

         

          Trên thực tế, các nhà khoa học không dừng lại ở kết luận trên. Căn cứ vào nguồn gốc tên gọi các sản phẩm nghề, họ khẳng định thời điểm ra đời của nghề. Cơ sở để luận giải điều này là khi dùng tiếng địa phương bao cà ròn, một số nhà khoa học đi đến kết luận nghề thủ công Đươn đệm có nguồn gốc từ người Khmer sinh sống ở vùng Đồng Tháp Mười từ rất lâu đời. Bởi tiếng “cà ròn” vốn là ngôn ngữ của người Khmer. “Cà ròn” theo cụ Vương Hồng Sển giải thích vốn tiếng Khmer “là cái túi, cái bao trộng trộng dùng đựng đồ lụn vụn của người nghèo vùng Hậu Giang, đan bằng cỏ bàng”.

 

Để luận cứ này có tính thuyết phục, chúng ta phải tiếp tục minh chứng được thời điểm ra đời của tên gọi “bao cà ròn”. Tuy nhiên, cơ sở của chúng lại không mấy vững chắc. Bởi vì, ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX, người Khmer gọi tên cái bao đựng lúa gạo của người Việt là bao cà ròn. Người Việt lúc bấy giờ lại gọi theo cách của người Khmer là một việc rất dễ nhận thấy trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người cùng sống trên một địa bàn. Hơn nữa, chúng ta cũng không thể khẳng định được rằng Đồng Tháp Mười là nơi xuất hiện tên gọi bao cà ròn để chỉ sản phẩm của nghề đươn đệm trong khi ở phía vùng Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… người dân vẫn gọi như thế.

 

Từ những dữ liệu nói trên, chúng ta nhận thấy thời điểm nghề xuất hiện có thể nhận biết ở những năm đầu thế kỷ XIX. Xét trong lịch sử khẩn hoang của huyện Tân Phước, thì cột mốc nói trên vẫn chưa được thuyết phục, vì vậy, điều đó cho phép chúng ta dời thời điểm hình thành nghề xa hơn vài thế kỷ.

 

Nhiều sử gia ghi chép lại, vào năm 1679, đoàn người Minh Hương phục Minh bao gồm Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên bất mãn với triều đình Mãn Thanh vào xin Chúa Nguyễn để khai phá vùng đất Nam Bộ. Họ đã được Chúa Nguyễn Phúc Tần đồng ý cho đến các vùng đất ven sông Tiền khai khẩn. Dần dần, họ đã tiến sâu vào địa bàn huyện Tân Phước (nơi các xã có địa hình cao ráo, thuận tiện cho quá trình canh tác như xã Tân Hòa Thành, Phú Mỹ, Hưng Thạnh). Hiện nay, dấu vết đó được chứng minh qua sự hiện hữu của đình Dương Hòa ở xã Tân Hòa Thành, đây vốn là ngôi đình của dòng họ Dương tồn tại trên bốn trăm năm nay. Tuy nhiên, luận cứ này chưa có sự liên kết với nghề. Chúng ta phải tiếp tục tra cứu thêm thành phần tộc người khai hoang trên địa bàn huyện.

 

Các học giả nhận định, trong bối cảnh khai hoang vùng đất phía Nam của tổ quốc, ngoài thành phần người Minh Hương còn có cư dân di cư từ miền Trung vào. Họ là những cư dân nghèo khổ, xiêu tán do thiên tai, mất mùa, nội chiến liên tục nên đã rời bỏ làng quê ra đi. Họ thường chọn định cư ở những vùng đất tốt, dễ canh tác, chủ yếu tập trung đầu tiên ở vùng đất Mỗi Xuy (Mô Xoài) (tức Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay). Với đặc trưng là vùng đất trũng, nhiễm phèn, Đồng Tháp Mười chắc hẳn không được người dân đương thời lưu tâm đến. Bởi vì về cơ bản, đất đai ở Nam Bộ thời kỳ này còn hoang vu, mà theo Lê Quý Đôn nhận định là “rừng rậm hàng ngàn dặm”. Tuy vậy, nếu đi sâu vào phân tích bối cảnh khẩn hoang, ta sẽ nhận thấy rõ trong những năm đầu thế kỷ XVII (khoảng năm 1620), di dân miền Trung chia làm hai nhóm di cư: bằng đường bộ và đường thủy. Đối với những di dân đường bộ, họ chỉ đến được các tỉnh miền Đông Nam Bộ (lúc bấy giờ do hệ thống đường bộ bị hạn chế). Đối với những di dân đường thủy, họ không xác định được vị trí địa lý nào để dừng lại, họ chỉ biết xuôi thuyền đến nơi nào dễ sinh sống. Họ đi lẻ tẻ hoặc theo đoàn và vùng Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một trong những lựa chọn của họ. Chúng tôi xác định một trong những thành phần di cư đó có cư dân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Lý do là qua so sánh với các tỉnh có nghề đươn đệm tồn tại lâu đời, chúng tôi nhận thấy tỉnh Thừa Thiên Huế có làng nghề đệm bàng Phò Trạch với lịch sử hình thành trên năm trăm năm nay... Tra cứu lại cuộc di dân lẻ tẻ vào Tiền Giang, ta có thể nhận định rằng, do có cùng môi trường sống nhiều cây cỏ bàng nên họ chọn vùng đất Tân Phước để tiếp tục làm nghề đươn đệm tìm kế sinh nhai trên vùng đất mới. Thực tế, huyện Tân Phước ngày nay vẫn còn tồn tại một số phong tục tập quán có nguồn gốc gắn với cư dân miền Trung như tục cúng Việc lề (giỗ họ) hàng năm ở nhiều gia đình… tại các xã Phú Mỹ, Hưng Thạnh, Tân Hòa Thành và tồn tại địa danh xóm Huế - vốn là nơi ghi dấu nguồn gốc cư dân miền Trung đến tỉnh ta khai phá hồi đầu thế kỷ... Như vậy, nghề thủ công truyền thống đươn đệm ra đời trên địa bàn huyện Tân Phước gần bốn trăm năm nay do cư dân miền Trung di cư (tiêu biểu là người Huế) vào tỉnh Tiền Giang đã mang theo những tri thức nghề của quê hương đến vùng đất này.

 

Có thể nói, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề thủ công đươn đệm ở huyện Tân Phước là một trong những vấn đề mang tính cấp thiết. Chúng vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vừa định hướng cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện. Qua các dẫn luận nói trên, chúng tôi đã từng bước đưa ra các cơ sở khoa học hỗ trợ địa phương thực hiện thao tác loại suy các dữ liệu chưa có minh chứng rõ ràng nhằm tiến tới xác lập nguồn gốc hình thành nghề theo đúng định hướng./.

 

 

ThS Ngô Thị Thanh
Tin liên quan