Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nông dân Gò Công Tây tự sản xuất nấm xanh Ometar trừ rầy nâu
(Ngày đăng: 23/08/2017)

Trong những năm gần đây, rầy nâu có mật số khá cao và gây hại trên trà lúa. Lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá nhiều để phòng trừ rầy nâu, đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới hệ sinh thái, môi trường và sức khỏe con người. Hơn nữa, việc phun thuốc hóa học ở giai đoạn lúa trổ đã làm lúa bị lép nhiều và giảm năng suất.
Nấm xanh Ometar

 

Trước tình hình đó, Viện lúa Ô Môn - Cần Thơ kết hợp với Trạm Bảo vệ thực vật Gò Công Tây thực hiện mô hình nhân nuôi nấm xanh (Metarhizium anisopliae) hay nấm xanh Ometar tại nông hộ, triển khai tại xã Bình Nhì với diện tích 10 ha, ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Trị với diện tích 20 ha trên giống lúa VD20 và có 25 hộ tham gia.

 

Qua đó, nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về quy trình sản xuất nấm xanh Ometar tại nhà với dụng cụ thực hiện do trạm hỗ trợ gồm: Nồi hấp, tủ cấy thanh trùng, cồn 90°, đèn cồn, đèn cực tím (UV) bước sóng 750µm, vải đen che phủ tủ cấy thanh trùng.

 

Nguyên liệu để cấy nấm: Gạo Triều Châu (khi nấu thành cơm gạo sẽ cứng)ống nước Ø 30 dài 3cmống nghiệm chứa meo gốcbọc kính chịu nhiệt.

 

Quy trình:

 

- Cho 300g gạo và 150 - 180ml nước vào bọc kính chịu nhiệt, dùng bông gòn bịt kín và bọc lại bằng giấy báo. Sau đó đem hấp trong nồi 2 giờ, khi cơm chín để ra cho nguội.

 

- Dùng vải đen che tủ thanh trùng và bật đèn UV trong tủ thanh trùng 2 giờ. Sau đó dùng cồn 90° để lau chùi tủ (trong tủ có đốt đèn cồn) và tiến hành cấy nấm trong tủ.

 

- Cấy nấm cho bọc cơm: dùng đũa cứng gõ nhẹ cho meo rớt vào bọc cơm với lượng thích hợp theo kinh nghiệm của người cấy. Rồi đem bọc cơm đã được cấy nấm ra ngoài tạo điều kiện cho nấm phát triển.

 

Khoảng 11 ngày khi bọc nấm đã lên xanh thì có thể phun diệt rầy, cách phun tùy theo diễn biến phát triển của rầy.

 

* Mật độ 1-3 con/tép, tiến hành xử lý 2 đợt.

 

Đợt 1: phun lần 1 để tạo nguồn nấm vào lúc 15-25 ngày sau sạ.

 

Đợt 2: phun lần 2 vào lúc 45-50 ngày sau sạ.

 

* Nếu lúa sau khi sạ có rầy di trú vào ruộng sẽ phun 3 đợt.

 

Đợt 1: lúc rầy nở rộ.

 

Đợt 2: cách đợt 1 khoảng10 ngày nếu rầy còn có chiều hướng tăng mật số.

 

Đợt 3: phun nếu mật số rầy tăng cao (5.000 con/m2).

 

* Mật độ rầy cao >5.000 con/m2, thời gian rầy di trú dài, rầy có nhiều lứa và môi trường không thuận lợi cho nấm phát triển thì có thể áp dụng 1 lần thuốc hoá học có chọn lọc để hạ nhanh mật số rầy nâu, sau đó phun lại nấm xanh từ 1 đến 2 lần. Liều lượng: pha 1 bọc cho 4 bình 16 lít (lược bỏ cặn), mỗi bình cho thêm 5cc chất bám dính, phun 2 bình 16 lít cho 1000m2 (4 bọc/ha). Cách phun: phun ướt đều 2 mặt lá vào lúc chiều mát.

 

Khi phun nấm xanh thì cần cách ly với các loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất trừ nấm trước hoặc sau khi phun 3 ngày.

 

Sử dụng chế phẩm Ometar nông dân tự sản xuất chỉ tốn 60.000 đồng/ha cho 1 lần phun trong khi nếu sử dụng thuốc hóa học để trừ rầy nâu thì phải tốn gấp nhiều lần.

 

Theo anh Huỳnh Văn Triều ngụ tại ấp Thạnh Phú, là tổ trưởng mô hình: Với 2 ha lúa sản xuất trong vụ Hè Thu năm nay anh chỉ tốn 160 ngàn đồng để sản xuất chế phẩm Ometar, trong khi đó nếu sử dụng thuốc hóa học phải tốn không dưới 6-7 trăm ngàn đồng. Ngoài ra, chất lượng lúa được thương lái ưa chuộng, hạt lúa vàng không bị nám.

Tại xã Bình Nhì vừa tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng chế phẩm nấm xanh Ometar ở qui mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa do TS. Nguyễn Thị Lộc, Viện Lúa ĐBSCL làm chủ nhiệm đề tài “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa”. 

Kết quả đã tổ chức 2 đợt tập huấn kỹ thuật sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân tham gia triển khai các mô hình thực nghiệm, mô hình nhân rộng. Qua triển khai các mô hình cho thấy, nấm xanh Ometar đã phòng trị được rầy nâu hại lúa một cách hiệu quả, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất trung bình là 700.000 đ/ha. Sau khi phun bảy ngày, hiệu lực diệt trừ các loài rầy hại lúa đạt từ 73,5 tới 91,5% và hiệu lực trừ bọ xít hại lúa là 73-88% (tùy theo điều kiện nhiệt, ẩm độ của từng vụ, từng vùng và trên từng cây trồng khác nhau). Hiện nay, các câu lạc bộ tiếp tục triển khai mô hình và một số nông dân trong vùng triển khai ứng dụng.

 

TS. Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, sau khi phun thuốc sinh học xong người đi phun thuốc vẫn khỏe mạnh bình thường. Trong khi những nông dân phun thuốc trừ sâu thì cảm thấy rất mệt mỏi sau mỗi lần đi phun thuốc về. Có thể thấy, với quy trình sản xuất đơn giản nông dân có thể chủ động nhân nuôi nấm xanh cho từng vụ để quản lý rầy nâu và bọ xít hại lúa, đồng thời chế phẩm Ometar nông dân tự sản xuất an toàn trực tiếp cho người sản xuất lúa, người tiêu thụ sản phẩm gạo. Đặc biệt, không gây ảnh hưởng tới thiên địch của sâu hại, hệ sinh thái, con người và môi trường. Vì vậy, chế phẩm vi nấm này rất phù hợp với các mô hình lúa hữu cơ, mô hình lúa-cá và mô hình lúa-tôm./.

 

 

Bào tử nấm xanh (Metarhizium anisopliae) dưới kính hiển vi. Ảnh: sưu tầm.

 

 

Kiều Tước Nguyên
Tin liên quan