Ngày 17-8-2017, Hội Đông y tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức hội nghị giao ban cụm XI. Cử nhân lương y Nguyễn Thị Sách - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Đông y Việt Nam đến dự cùng đại diện lãnh đạo Hội Đông y các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, các lương y, lương dược trong Ban chấp hành Hội Đông Tiền Giang, Hội Đông y các huyện, thành, thị và đại diện các sở, ngành tỉnh. | |
Cử nhân lương y Nguyễn Thị Sách phát biểu tại Hội nghị giao ban Cụm XI. |
Thời gian qua, Hội Đông y trong Cụm đã chỉ đạo các cấp hội nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước, tăng cường công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân nhân, kế thừa những bài thuốc hay, bài thuốc gia truyền. Đặc biệt, Hội Đông y trong cụm đã thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X về “Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” và Thông báo Kết luận số 154/TB-TW ngày 20/02/2014 của Ban Bí thư Trung ương về “5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW” nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về vị trí, vai trò, hiệu quả của việc chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền trong điều trị bệnh.
Hàng năm, trong cụm các cấp Hội đều tổ chức tốt kỷ niệm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” 27/2; tuyên truyền học tập về y đức và các quy định của Bộ Y tế đến hội viên. Công tác phát triển hội viên ngày càng được chú trọng. Đến nay, tổ chức hội đã phát triển một cách sâu rộng từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, chi hội phu phố, ấp, cơ quan, với 6.292 hội viên (trong đó, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I: 81 người: Tiền Giang có 72 người, Long An có 01 người, Trà Vinh có 08 người).
Công tác kế thừa, bồi dưỡng chuyên môn nhằm phát triển nền Đông y cũng luôn được chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm, Hội Đông y trong Cụm đã phối hợp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức đông y, sinh hoạt câu lạc bộ kế thừa đông y, tuyên truyển các chủ trương chính sách mới về đông y đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho đội ngũ làm công tác y học cổ truyền.
Công tác dược, xây dựng vườn thuốc mẫu và sản xuất, chế biến thuốc luôn được thực hiện theo chỉ thị của Bộ Y tế. Hội Đông y trong cụm đã vận động lương y, hội viên và nhân dân biết trồng và sử dụng thuốc nam tại nhà và cộng đồng để điều trị một số bệnh thông thường, hiện có 1.145 vườn thuốc mẫu. Về sản xuất thuốc thành phẩm, Tiền Giang có 5 cơ sở sản xuất 38 mặt hàng thuốc thành phẩm đông y và 9 thực phẩm chức năng được phép lưu hành toàn quốc và 28 mặt hàng thuốc thành phẩm tự sản tự tiêu lưu hành trong tỉnh.
Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được chú trọng, Hội Đông y cấp tỉnh và huyện đều có phòng chẩn trị, đều có trang thiết bị, cán bộ chuyên môn để khám, chữa bệnh. Song song đó, phòng chẩn trị tư nhân của hội viên, phòng chẩn trị, điều trị miễn phí của các chùa, tịnh độ cũng tham gia khám và trị bệnh, đem lại lòng tin của nhân dân trong khu vực. Qua 6 tháng đầu năm 2017, có 1.548 cơ sở hành nghề đông y, đã khám, điều trị cho 2.697.366 lượt người với 8.825.237 thang thuốc.
Nhìn chung, hoạt động các cấp hội Đông y trong Cụm thời gian qua đã có bước phát triển về chất, đem lại hiệu quả trong khám và điều trị bằng y học cổ truyền, tạo được niềm tin trong nhân dân nhất là trong điều trị kết hợp Đông, Tây y, tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong xã hội thể hiện sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các cấp trong việc thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TW về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”./.
Lãnh đạo Hội Đông y Cụm XI chụp hình lưu niệm cùng Cử nhân lương y Nguyễn Thị Sách – Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Đông y Việt Nam.