Huyện Gò Công Tây nằm trong vùng duyên hải phía Đông, là một trong những địa bàn khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, bị xâm nhập mặn và hạn hán gây nhiều thiệt hại. Từ khi hệ thống thủy lợi ngọt hóa Gò Công hoàn thiện và đi vào vận hành khoảng thập niên 90 của Thế kỷ XX, Gò Công Tây đã tích cực phát huy hiệu quả các công trình ngăn mặn, lấy nước tưới tiêu để tăng mùa, chuyển vụ, đưa 100% diện tích từ canh tác 1 vụ bấp bênh lên 3 vụ ăn chắc. | |
Chăm sóc màu ở nội đồng vùng ngọt hóa Gò Công |
Gần đây, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng đất khó theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, một lần nữa, nông dân Gò Công Tây lại đi đầu trong việc phát huy tiềm năng đất đai để đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp và giảm nhẹ được nguy cơ thiên tai gây hại. Bên cạnh nghề trồng lúa truyền thống, bà con quan tâm đến các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng kinh tế hàng hóa lớn: rau màu, cây ăn quả, mở mang chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Đưa cây màu xuống chân ruộng, xây dựng cơ cấu sản xuất hiệu quả
Từ khi có nguồn nước ngọt từ mạng lưới kênh mương trong dự án ngọt hóa Gò Công đưa về, cùng với thâm canh lúa năng suất cao, nông dân Gò Công Tây tích cực mở rộng diện tích trồng rau màu thực phẩm có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, Gò Công Tây trồng 4.500 ha rau màu thực phẩm với nhiều chủng loại: rau ăn lá, bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo,…mùa nào thức nấy. Sản lượng thu hoạch trên 77.000 tấn cung ứng thị trường. Đáng chú ý, trong đó, bà con đã mở rộng diện tích rau màu chuyên canh hoặc luân canh trên nền đất lúa theo cơ cấu hai vụ lúa + một vụ màu, hai vụ màu + một vụ lúa…lên trên 1.300 ha.
Trong sản xuất rau màu, được sự chuyển giao của ngành chức năng và cán bộ khuyến nông, nông dân đã biết áp dụng đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật thâm canh: Sử dụng giống mới chất lượng tốt, năng suất cao; ứng dụng màng phủ nông nghiệp trong sản xuất, trồng rau màu theo ngưởng an toan, trồng theo hướng GAP nhằm tạo nguồn nông sản an toàn cho người và môi trường…
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nông dân ấp Thanh Hiệp, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây có 5.000 m2 đất lúa. Trước đây, trồng lúa 3 vụ/ năm, thu nhập không cao. Do nằm trong vùng trũng nên thường bị ngập úng trong vụ Hè Thu mưa nhiều, chi phí sản xuất cao. Nhận thấy cơ hội từ chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp mang lại, bà Hạnh chuyển từ trồng lúa sang chuyên canh rau màu. Tùy theo nhu cầu thị trường, bà trồng bầu, bí, mướp, dưa leo,…luân vụ quanh năm. Thu nhập rất khá, Bà Hạnh cho biết, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi ròng gần 100 triệu đồng từ mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng.
Tương tự, ông Trần Văn Nhịn, sinh năm 1963, cư ngụ tại ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn (Gò Công Tây) đã chuyển 8.000 m2 đất trước đây trồng lúa 3 vụ/ năm sang áp dụng mô hình luân canh lúa + rau màu. Ông Nhịn hạch toán, với mô hình trên, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi ròng trên 90 triệu đồng/ năm, cao gấp đôi trồng độc canh cây lúa 3 vụ/ năm.
Gò Công Tây đánh giá cao mô hình chuyển đổi theo hướng tái cơ cấu sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và ông Trần Văn Nhịn, những nông dân đi tiên phong trên lĩnh vực này mà vượt khó, thoát nghèo và dựng nên cơ nghiệp bền vững từ mô hình mới, hiệu quả. Áp dụng theo cách làm của bà Hạnh và ông Nhịn rất nhiều hộ nông dân thành công tương tự. Điển hình như các ông: Trần Ngọc Châu, Trần Văn Lãnh (thị trấn Vĩnh Bình); Nguyễn Ngọc Chánh, Huỳnh Thanh Tuấn (xã Yên Luông); Trần Văn Phước, Võ Văn Khen, Nguyễn Hoài Long (xã Bình Nhì),…
Lập vườn cây ăn quả đặc sản ở địa bàn khó khăn
Gò Công Tây trong quá khứ là vùng đất nhiễm mặn. Vườn cây ở đây chỉ có thể trồng dừa – cây trồng chịu mặn và chịu hạn. Với gần 2.100 ha dừa chuyên canh, Gò Công Tây là một trong những địa phương có diện tích dừa lớn nhất ở tỉnh Tiền Giang. Nhận thấy đây là thế mạnh kinh tế huyện miền biển, Gò Công Tây chủ trương áp dụng các biện pháp thâm canh cây dừa đồng thời với khuyến khích xen canh các cây trồng thích hợp dưới tán dừa nhằm tăng thêm thu nhập, chủ lực là cây ca cao. Hiện nay, diện tích dừa + ca cao xen canh đã lên đến gần 240 ha, mỗi năm cho sản lượng gần 820 tấn ca cao quả. Ước tính, mô hình dừa + ca cao xen canh cho nông dân nguồn thu nhập gấp đôi vườn dừa độc canh.
Đối với những địa bàn canh tác khó khăn, trồng lúa thường bị ảnh hưởng thiên tai hạn mặn, nông dân Gò Công Tây hưởng ứng chuyển đổi sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang: thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm, bưởi da xanh,…
Đi tiên phong có nông dân Nguyễn Văn Tư, cư ngụ tại ấp Vĩnh Quới, xã Long Vĩnh (Gò Công Tây). Ban đầu, ông thử nghiệm chuyển 800 m2 đất lúa sang lên liếp trồng 52 cây mãng cầu xiêm. Sau ba năm tuổi, mãng cầu xiêm cho năng suất ổn định, ông bán thu được 3.750 kg, bán giá bình quân 17.000 đ/kg, thu gần 64 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 31 triệu đồng, gấp hàng chục lần trồng lúa độc canh. Thấy hiệu quả cao, ông đã chuyển 2.000 m2 đất lúa còn lại sang lập vườn trồng chuyên canh mãng cầu xiêm.
Làm giàu từ chuyển đổi sang lập vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản như ông Tư còn có ông Phạm Văn Phú, cư ngụ tại khu phố 4, thị trấn Vĩnh Bình. Ông chuyển đổi 3.500 m2 đất lúa sang lập vườn trồng bưởi da xanh. Thời gian bưởi còn nhỏ, chưa khép tán ông trồng thêm rau màu dưới tán bưởi để lấy ngắn nuôi dài. Sau 4 năm tuổi, bưởi da xanh cho thu hoạch. Sản lượng mỗi năm 3.750 kg quả, bán giá bình quân 40.000 đ/kg, ông Phú thu khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 66 triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây, hiện nay, ngoài cây dừa thì diện tích vườn cây ăn quả đặc sản của địa phương mở rộng lên gần 1.000 ha trong đó chủ lực gồm: mãng cầu xiêm, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ…Những hộ nông dân đi tiên phong chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ăn quả đặc sản đều khấm khá hẳn lên, trở thành triệu phú nông thôn như: Trần Công Luận, Lê Bá Thời (thị trấn Vĩnh Bình); Lê Chí Hiếu, Nguyễn Hữu Phước, Đặng Thanh Hồng (Vĩnh Hựu)…
Tiền Giang đã triển khai Đề án tái cơ cấu cây trồng trong nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công mà Gò Công Tây là một trong những địa bàn hưởng lợi, có nhiều nông dân tiên phong trong thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng những mô hình canh tác mới với những cây trồng mới hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Hóa, những vùng ngoài đê bao, vùng trũng, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm cần thiết phải tái cơ cấu sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giúp đảm bảo an sinh xã hội và ổn định cuộc sống nhân dân.
Theo Hội Nông dân huyện Gò Công Tây, trong năm vừa qua, huyện bình chọn được 14.828 nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi ba cấp trong đó có 903 nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 10 nông dân đạt cấp Trung ương. Đó chính là những hạt nhân nòng cốt thúc đẩy vùng ngọt hóa Gò Công Tây chuyển mình đi lên, phát huy tiềm năng đất đai, lao động vì quê hương đổi mới và đẹp giàu.
Hiện nay, Gò Công Tây đã nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 75 triệu đồng/ ha/ năm. Địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh giá trị kinh tế cao: lúa thơm, rau màu, vùng chuyên canh dừa xen canh ca cao, trồng cây ăn quả đặc sản,…Trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa quan trọng ở duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang./.