Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ : Nghiên cứu truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến lạm phát tại Việt Nam
(Ngày đăng: 18/07/2017)

Sáng ngày 29/6/2017, trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Trần Văn Hùng (Phó Giám đốc – Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang) với đề tài “Nghiên cứu truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến lạm phát tại Việt Nam”. Chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng.

 

Trên thế giới có nhiều nghiên cứu về truyền dẫn tỷ giá phi tuyến, nhưng tại Việt Nam hiện nay số lượng nghiên cứu truyền dẫn tỷ giá phi tuyến là rất hạn chế. Trong luận án, tác giả đề cập 2 vấn đề khác biệt so với các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam:

Thứ nhất, môi trường lạm phát có tác động đến phản ứng của các tác nhân kinh tế đối với một cú sốc tỷ giá.

Thứ hai, mối quan hệ giữa thay đổi tỷ giá và truyền dẫn tỷ giá phản ánh sự đánh đổi trong chiến lược chính yếu của nhà xuất khẩu để ổn định khối lượng xuất khẩu hay lợi nhuận biên.

Do đó, tác giả nhận thấy sự cần thiết để nghiên cứu truyền dẫn tỷ giá đến lạm phát tại Việt Nam bằng phương pháp kinh tế lượng phi tuyến TVAR với ngưỡng lạm phát và ngưỡng thay đổi trong tỷ giá. Mục tiêu nghiên cứu chính là: xác định mức độ truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến lạm phát tại Việt Nam bằng việc vận dụng mô hình phi tuyến TVAR.

Tác giả sử dụng 2 biến ngưỡng trong mô hình nghiên cứu, bao gồm ngưỡng lạm phát và ngưỡng thay đổi trong tỷ giá. Sử dụng ngưỡng lạm phát trong nghiên cứu này là dựa trên khung lý thuyết bao gồm mô hình định giá so le theo sức mạnh thị trường và mô hình Mark up, cũng như các nghiên cứu thực nghiệm trước đây về mối quan hệ phi tuyến giữa truyền dẫn tỷ giá và lạm phát. Sử dụng ngưỡng thay đổi tỷ giá là dựa trên những lập luận khi xem xét mối quan hệ giữa thay đổi tỷ giá và truyền dẫn tỷ giá cũng như dựa trên các bằng chứng thực nghiệm trước đây. Ngưỡng lạm phát được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu phi tuyến về truyền dẫn tỷ giá, trong khi đó ngưỡng thay đổi tỷ giá thì ít được sử dụng hơn.

Kết quả nghiên cứu xem xét truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến lạm phát tại Việt Nam bằng việc sử dụng hình phi tuyến vectơ tự hồi quy ngưỡng (TVAR) ngưỡng lạm phát và ngưỡng thay đổi tỷ giá, với dữ liệu hàng tháng từ tháng 01/2002 đến tháng 12/2015, đạt được như sau: Nghiên cứu chỉ ra 2 giá trị ngưỡng lạm phát là 0.0765%/tháng và 0.4004%/tháng; kết quả nghiên cứu với ngưỡng lạm phát chỉ ra truyền dẫn tỷ giá đến lạm phát có ý nghĩa thống kê khi lạm phát vượt trên mức 0.4004%/tháng. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra 2 giá trị ngưỡng thay đổi tỷ giá là -0.1657%/tháng và 0.8162%/tháng; kết quả nghiên cứu với ngưỡng thay đổi tỷ giá chỉ ra truyền dẫn tỷ giá đến lạm phát có ý nghĩa thống kê khi thay đổi tỷ giá dưới mức -0.1657%/tháng và khi thay đổi tỷ giá vượt trên mức 0.8162%/tháng. Điều này hàm ý rằng tồn tại mối quan hệ phi tuyến trong truyền dẫn tỷ giá đến lạm phát khi nghiên cứu tại Việt Nam; những nhà xuất khẩu muốn ổn định biên lợi nhuận hơn là nắm giữ thị phần khi có sự thay đổi trong tỷ giá.

Luận án bổ sung thêm bằng chứng thực nghiệm về tính phi tuyến trong truyền dẫn tỷ giá hối đoái đến lạm phát tại Việt Nam, trong khi các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam chỉ tập trung vào việc xem xét truyền dẫn tỷ giá tuyến tính. Tác giả sử dụng mô hình phi tuyến TVAR và mô hình này có điểm thuận lợi hơn so với các mô hình phi tuyến khác và cụ thể là so với nhóm mô hình tự hồi quy ngưỡng (TAR, ESTAR, LSTAR, DLSTAR).

Luận án tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Trần Văn Hùng được Hội đồng đánh giá cao, bỏ phiếu biểu quyết thông qua 7/7 phiếu (đạt 100%)./.

 

  NCS Trần Văn Hùng báo cáo tóm tắt Luận án tiến sĩ trước Hội đồng.

 

 Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tặng hoa

Chúc mừng tân Tiến sĩ kinh tế Trần Văn Hùng.

 

Việt Hồng
Tin liên quan