Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đi đôi với phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ”; đến Đại hội X (2015-2020) tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trên, đồng thời đẩy mạnh “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. | |
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Tiền Giang đã quyết tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) từ nay đến hết năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong từng lĩnh vực: cây lúa, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản, trong đó công nghệ sinh học được quan tâm hàng đầu.
Trong những năm qua, họat động ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp luôn năng động, bám sát yêu cầu thực tế nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và chú trọng đến phát triển nền nông nghiệp theo hướng CNC và bền vững. Ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, triển khai nhiều đề tài, dự án KHCN để chọn ra các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh.
Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ:“Đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng CNC, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, các khu nông nghiệp ứng dụng CNC và các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC. Phấn đấu có 5 - 7 doanh nghiệp, 3 - 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản, xây dựng 01 khu nông nghiệp ứng dụng CNC”.
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang xây dựng và phát huy hiệu quả các “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” và “Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Nhà nước đang có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiệu quả và an toàn này. Sản phẩm sản xuất ra từ các loại hình sản xuất trên đang được xã hội chấp nhận, dần dần có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Mục đích của bài viết là mong muốn cung cấp thông tin đến các nhà sản xuất và bà con nông dân những tiêu chí để được Nhà nước công nhận “Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, một loại hình sản xuất nông nghiệp có khả năng thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp giá thành hạ, chất lượng cao, an toàn với sức khỏe con người và môi trường sinh thái xung quanh chúng ta.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận “Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
- Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hoá có lợi thế của vùng đảm bảo đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.
- Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng các tiêu chí:
1. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng;
2. Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hoá có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm: giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội; sản phẩm nông lâm thuỷ sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế (VietGAP);
3. Công nghệ ứng dụng là công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hoá, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động;
4. Vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thuỷ lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hoá, phù hợp với quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương;
5. Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng, với thuỷ sản: sản xuất giống diện tích tối thiểu là 20 ha; nuôi thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha.
Thời gian qua, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp năm 2016 chưa đầy 2%, chủ yếu là quy mô nhỏ. Song song đó, vấn đề liên kết cũng rất lỏng lẻo, nhất là liên kết “4 nhà”. Đây là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất cao, khả năng tranh chấp thấp. Đến nay, cả nước chỉ khoảng 50 doanh nghiệp (trên tổng số hơn 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) ứng dụng CNC được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Việc chậm trễ ứng dụng CNC, nhất là công nghệ bảo quản đang gây thiệt hại cho nông dân, suy giảm động lực phát triển nông nghiệp và cả nền kinh tế. Đây là vấn đề chúng ta ai cũng biết, chỉ có điều thực thi là rất khó./.