Trong khuôn khổ đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng phía Đông tỉnh Tiền Giang”, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh huy động các nguồn vốn, đầu tư trên 1.384 tỉ đồng nhằm chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu tai các huyện thị nằm về duyên hải Gò Công. | |
Thi công cống Nguyễn Văn Côn. |
Sẽ có trên 30.000 ha đất canh tác tại 38 xã, 3 phường, 4 thị trấn thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông được hưởng lợi mà mục tiêu nhằm cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm tránh nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống. Mặt khác, xác định lại cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp gắn với áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh để đạt hiệu quả kinh tế cao, chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản cho vùng Gò Công, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dưng nông thôn mới.
Mục tiêu cụ thể là cắt không sản xuất lúa trong vụ Hè Thu thay bằng các cây trồng phù hợp khác, giảm dần diện tích sản xuất 3 vụ lúa/ năm, tăng diện tích trồng lúa 2 vụ/ năm hoặc luân canh lúa + màu trên chân ruộng. Riêng đối với vùng đặc biệt khó khăn, ven sông, ven biển nguy cơ xâm nhập mặn cao chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao,...Đến năm 2025 toàn vùng không sản xuất lúa 3 vụ/ năm đồng thời tập trung thâm canh, áp dụng hiệu quả các hệ thống canh tác để cho ra những sản phẩm trồng trọt an toàn vừa phát triển bền vững.
Trong tổng kinh phí đầu tư cho mục tiêu chuyển đổi mùa vụ, thích ứng biến đổi khí hậu kể trên, Tiền Giang tập trung các nội dung: hỗ trợ cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa thu hoạch và sau thu hoạch, tổ chức lại sản xuất cũng như chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại,…Đồng thời, để chủ trương sớm đi vào đời sống, Tiền Giang triển khai đồng thời nhiều đề tài trong giai đoạn 2016 – 2020: Đề tài gói kỹ thuật sản xuất lúa, cây ăn quả và rau màu vùng ảnh hưởng hạn mặn; Đề tài đánh giá tính thích nghi 3 nhóm cây trồng gồm lúa, cây ăn quả và cây rau màu đối với vùng ngọt hóa Gò Công; Đề tải nghiên cứu mô hình tưới tiết kiệm nước trên lúa, cây ăn quả và cây rau màu thích ứng biến đổi khí hậu; Đề tải khảo nghiệm, chọn lọc giống lúa chất lượng cao thích nghi với điều kiện hạn mặn.
Việc chuyển đổi sản xuất đối với vùng duyên hải Gò Công hết sức quan trọng, giúp nhân dân vùng đất khó ổn định sản xuất và đời sống theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đáp ứng được các mục tiêu: bền vững về sinh thái, lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Hiện trong khu vực có các hệ thống canh tác đang được đánh giá cao: lúa + cá, lúa + màu, chuyên màu, trồng cây ăn quả đặc sản… là động lực thúc đẩy đề án chuyển đổi sản xuất theo hướng cắt vụ Hè Thu thay thế bằng các cây trồng phù hợp, chuyển đổi mùa vụ đạt nhiều kết quả trong tương lai.
Thi công cống Nguyễn Văn Côn
Nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, huyện ven biển Gò Công Đông thời gian qua đã triển khai các giải pháp hợp lý cho sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ven biển Gò Công. Đó là hoàn thiện mạng lưới thủy lợi nội đồng để chủ động nguồn nước tưới tiêu phục vụ tiêu úng, chống hạn và xâm nhập mặn, khuyến khích nông dân chuyển từ độc canh cây lúa sang đưa cây màu xuống chân ruộng và nhân rộng những mô hình canh tác tiết kiệm nước,…
Hàng năm, địa phương đã đưa cây màu xuống trồng trên chân ruộng với diện tích từ 450 đến 500 ha cho thu nhập cao hơn trồng lúa độc canh 3 vụ/ năm từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/ ha. Địa phương đã định hình được những vùng trồng rau màu thực phẩm ở các xã Bình Nghị, Tân Tây, Tân Đông; vùng trồng hành tím ở xã ven biển Tân Điền, vùng trồng dưa hấu ở xã Tân Thành thuộc ven biển Gò Công…
Hiện nay, ước tính, chỉ riêng trong khu vực các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, diện tích trồng rau màu các loại đã lên đến trên 13.000 ha cho sản lượng mỗi năm hàng trăm ngàn tấn rau màu các loại cung ứng thị trường trong ngoài tỉnh.
Vừa qua, để phục vụ mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng cắt vụ, chuyển đổi cây trồng và mùa vụ, tỉnh cũng đã đầu tư gần 50 tỉ đồng nạo vét và nâng cấp kênh 14 là kênh trục chính đưa nước ngọt từ cống Xuấn Hòa trên sông Tiền thuộc địa bàn huyện Chợ Gao về phục vụ sản xuất các xã vùng ven biển thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Ngoài ra, Tiền Giang cũng đang đầu tư xây dựng 3 cống đập ngăn mặn trữ ngọt, phục vụ sản xuất vùng duyên hải Gò Công: cống Sơn Qui, cống Sa – li – set – ti, cống Nguyễn Văn Côn có tổng vốn đầu tư lên đến 89 tỉ đồng./.