Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Áp dụng kỹ thuật trồng xen canh sen - lúa mang lại hiệu quả kinh tế
(Ngày đăng: 15/02/2017)

Trong những năm qua, mô hình trồng sen xen canh với cây lúa tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Toàn xã có 3 ấp (Hoà Xuân, Hoà Đông, Hoà Thuận) có trên 40 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích khoảng 72ha. Nhiều hộ trở lên khá giả nhờ áp dụng kỹ thuật trồng xen canh 2 vụ sen - 1 vụ lúa, hoặc 1 vụ sen - 2 vụ lúa trong khi một số ít hộ trồng sen chuyên canh.

 

        Chị Trịnh Thị Châu, Trưởng ấp Hòa Xuân cho biết, ấp của chị có khoảng 12 hộ trồng sen (lấy ngó) xen canh với cây lúa với diện tích trên 14 ha. Hiện tại, diện tích trồng sen chỉ còn hơn 2 ha do nông dân đang chuyển sang canh tác vụ lúa đông xuân. Thời điểm trồng sen xen canh (2 vụ sen – 1 vụ lúa) bắt đầu vào tháng 2 âl (sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân). Trước khi trồng sen, cần cày, trục đất cho nhuyễn, bơm nước ngập mặt ruộng từ 5-10 cm để không cho cỏ mọc (khi sen lớn giữ nước ở mức 20cm so với mặt ruộng). Mỗi công đất trồng khoảng 25 gốc sen (moi đất, lấp gốc như trồng khoai lang). Sau khi trồng 3 ngày tiến hành bón lân trộn urê (bón ngay gốc), sau đó, cứ 10 ngày bón phân một lần (3-5 kg urê trộn với DAP). Khi sen giáp tàn thì tăng lượng phân bón lên (khoảng 5 kg urê trộn với 5 kg DAP, bón bun đều như bón lúa). Sau 2 tháng sen cho ngó và tiến hành thu hoạch. 1 ha có thể cho thu hoạch 50-60 kg ngó/ngày.
 
                 

 

Thu hoạch ngó sen tại ấp Hoà Xuân, xã Thạnh Hoà (Tân Phước, Tiền Giang)

 

        Theo chị Châu, giá ngó năm nay cao điểm có lúc lên đến 28 ngàn đồng/kg (hiện tại giá giảm còn 15-16 ngàn đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, mỗi hecta trồng sen cho thu nhập ròng trên 50 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với trồng lúa (ngay cả vụ lúa đông xuân, mỗi hecta chỉ cho lãi khoảng 20 triệu đồng). Mức lợi nhuận trên theo chị Châu đã giảm so với trước đây do cây sen hiện mắc chứng bệnh chết dây làm giảm đáng kể năng suất ngó thu hoạch. Việc trồng xen canh 2 vụ sen với 1 vụ lúa sẽ cho hiệu quả kép, do canh tác 2 vụ sen (từ tháng 2 đến tháng 9 âl) cho thu nhập khá cao, đất lại tơi xốp, giàu hữu cơ nên khi chuyển sang canh tác vụ lúa đông xuân (tháng 10 âl bắt đầu gieo sạ), chi phí phân bón giảm trong khi năng suất lại cao nên nông dân được vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, việc trồng sen đòi hỏi tốn nhiều nhân công, nhất là ở công đoạn thu hoạch ngó. Vì vậy, những hộ không có lợi thế công nhà sẽ chọn hình thức xen canh 1 vụ sen - 2 vụ lúa, chỉ một số ít hộ ở địa phương khác đến đây thuê đất thường trồng sen theo hướng chuyên canh để khai thác tối đa thu nhập.

 
        Anh Nguyễn Văn Bình (quê An Giang) thuê 18 công đất ở ấp Hoà Đông để trồng sen chuyên canh. Theo anh Bình, nghề trồng sen cho thu nhập cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa. Tuy nhiên, để trồng sen đạt hiệu quả, người trồng phải chịu cực và chú ý kỹ thuật chăm sóc (bón phân, thay nước...), phòng trị bệnh cho sen. 
 
        Để khắc phục bệnh chết dây của sen, một số hộ trồng sen có kinh nghiệm cho biết trước khi trồng cần bón lân kết hợp bón vôi để phòng tránh ngộ độc hữu cơ, giúp sen không bị chạy dây, thúi ngó. Ngoài ra, việc tràn nước bùn từ các ruộng giáp ranh (làm đất chuẩn bị sạ) vào ruộng sen cũng làm sen quéo lá, chết dây, khi đó cần bơm hết nước cũ ra và kịp thời thay nước mới cho ruộng sen.  
 
 
 
 
      Chị Trịnh Thị Châu chia sẻ:“Do nhận thấy hiệu quả từ việc trồng sen (lấy ngó) mang lại, mấy năm nay tôi thuê 12 ha đất để trồng sen xen canh với lúa (2 vụ sen - 1 vụ lúa), riêng 2,4 công đất nhà tôi chuyển sang trồng chuyên canh cây lúa để tiện việc chăm sóc. Nghề trồng sen lấy ngó mỗi năm cho tôi nguồn thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng”.
        Ông Lưu Quốc Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Thạnh Hoà cho biết: Mô hình trồng sen xen canh với cây lúa hiện đang giúp nhiều nông dân trở nên khấm khá. Ở 3 ấp của xã hiện có trên 40 hộ trồng sen xen canh với cây lúa (2 vụ sen - 1 vụ lúa, 1 vụ sen – 2 vụ lúa hoặc trồng chuyên canh sen) với tổng diện tích khoảng 72 ha (vụ hè thu và thu đông). Đến vụ đông xuân, nông dân chuyển sang trồng lúa nên diện tích sen giảm xuống chỉ còn chưa đầy 1/3. 
 
 
Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan