Ngày 09/01/2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp Hội) tổ chức họp Hội đồng phản biện đề án “Tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do UBND tỉnh Tiền Giang giao Liên hiệp Hội phản biện. TS Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội, Chủ tịch Hội đồng phản biện chủ trì cuộc họp. | |
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (trái) phát biểu |
Tham gia Hội đồng phản biện còn có PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Lê Bảo Lâm, Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Đại học Cần Thơ và các chuyên gia phản biện trong tỉnh.
TS Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng phản biện phát biểu kết luận cuộc họp
Đề án do Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) tư vấn. Mục đích của tái cấu trúc ngành công nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, như quy mô sản xuất, năng lực cạnh tranh thương hiệu trên thương trường trong nước và quốc tế, việc tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu nông sản và nguồn nhân lực trong tỉnh. Tái cấu trúc ngành công nghiệp của tỉnh sẽ giúp khai thác những lợi thế tiềm năng để phát triển đúng hướng ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như đa dạng hóa sản phẩm, phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tập trung vào một số ngành gồm công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp cơ khí, sản phẩm kim loại và điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ…
Các chuyên gia phản biện, đóng góp nhiều ý kiến về nội dung đề án để xây dựng đề án được hoàn chỉnh, mang tính khả thi cao, trong đó đề án cần trình bày nội hàm "Tái cấu trúc kinh tế" nói chung và "Tái cấu trúc công nghiệp" nói riêng, vận dụng vào trường hợp Tiền Giang trong bối cảnh cả nước, của vùng để xác định rõ đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu. Đánh giá thực trạng ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2015, chưa đánh giá hết những hạn chế trong quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh và những nguyên nhân của hạn chế, đặc biệt là các nguyên nhân về tầm nhìn và thể chế, thì nguyên nhân nào thuộc tầng "Trung ương", nguyên nhân nào thuộc tầng "địa phương", nguyên nhân nào thuộc "cơ sở - doanh nghiệp". Phần dự báo chú ý đến việc hội nhập theo các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; việc dịch chuyển cấu trúc kinh tế của Trung Quốc, tác động dịch chuyển cơ cấu từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến lựa chọn của Việt Nam, có tác động đến Tiền Giang. Định hướng tái cấu trúc nên có mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường. Tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thủy, bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xác định ngành công nghiệp chủ lực và tiềm năng, phân vùng để phát triển công nghiệp chủ lực và tiềm năng; xác định sản phẩm công nghiệp chủ yếu và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên đầu tư phát triển. Các giải pháp, chính sách thực hiện tái cấu trúc ngành công nghiệp phải cụ thể, có tính đột phá, chú ý phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông nghiệp và thủy sản, phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh; có giải pháp gắn với việc tạo chuỗi liên kết ngành theo Vùng - Ngành, định hướng thu hút nhà đầu tư; chú ý đến triển vọng phát triển các ngành - sản phẩm công nghiệp gắn với phát triển du lịch, với sự dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu; giải pháp về thể chế cần có các giải pháp cải cách hướng tới Nhà nước kiến tạo, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, gắn với việc tháo gỡ ràng buộc, hạn chế về cơ chế, chính sách ở từng cấp cụ thể - cấp Trung ương, cấp Vùng, cấp Tỉnh.