Nhu cầu về vật liệu xây dựng (VLXD) ở nước ta tăng rất nhanh, bình quân 5 năm trở lại đây từ 10 -12%. Theo Quy họach tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến nắm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây vào các năm 2015; 2020 tương ứng khỏang 32; 42 tỷ viên gạch quy chuẩn; Trong đó tỷ lệ vật liệu xây không nung (VLXKN) vào các năm tương ứng là 15-20%, 30 - 40%. | |
Với vật liệu nung, để sản xuất một tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khỏang 1,5 tỷ m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khỏang 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Năm 2020 nhu cầu VLXD khỏang 42 tỷ viên gạch quy chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu nầy hòan tòan bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khỏang 60 - 64 triệu m3 đất sét, tương đương với 3.000 - 3.200 ha đất nông nghiệp; sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn 6 - 6,4 tiệu tấn than, thải ra 23 - 24 triệu tấn khí CO2 tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu VLXD tăng khỏang 10 - 12%/năm sẽ tiêu tốn hàng ngàn ha đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm. Ngòai ra, sử dụng gạch đất sét nung còn khó có điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng.
Việc từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hạn chế được các tác động bất lợi trên. Ngòai ra, còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành khác, như: nhiệt điện, luyện kim, khai khóang...; góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải. Theo quy họach phát triển ngành điện và luyện kim thì lượng tro, xỉ khỏang 45 triệu tấn sẽ mất khỏang 1.100 ha mặt bằng chứa phế thải. Việc sử dụng VLXKN lọai nhẹ còn giảm tải trọng công trình xây dựng, do đó tiết kiệm vật liệm làm móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Nhờ những ưu điểm trên, sử dụng VLXKN đã trở thành xu thế chung của các nước trên thế giới. Ví dụ: ở Trung Quốc, kế họach đến năm 2015 vật liệu xây dựng kiểu mới phải chiếm tỷ lệ trên 55%, trong đó gạch bê tông khí chưng áp chiếm tỷ lệ 8%; Ở Anh, VLXKN đang chiếm 60%, trong đó gạch bê tông khí chưng áp chiếm tỷ lệ 18%...
Ở nước ta VLXKN chỉ đạt 8 - 8,5% trên tổng số vật liệu xây. Qua đó cho thấy, việc sản xuất và sử dụng VLXKN những năm qua chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trong Quy họach tổng thể phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt theo lộ trình tỷ lệ VLXKN trên tổng số vật liệu xây vào các năm 2015; 2020 tương ứng là 20 - 25%; 30 - 40%.
Vật liệu xây không nung có nhiều ưu điểm nổi trội
- VLXKN không sử dụng đất sét ruộng mà sử dụng các phế thải công nghiệp như tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, xỉ của các nhà máy luyện kim, mạt đá trong công nghiệp khai thác chế biến đá xây dựng, bùn đỏ chất thải của công nghiệp chế biến bauxit. Theo ước tính từ 2015-2020 ở nước ta thải ra từ 50 - 60 triệu tấn các lọai phế thải trên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái rất nghiêm trọng. Với lượng phế thải đó đủ để sản xuất 40 tỷ viên gạch không nung mỗi năm mà không cần đất sét ruộng.
- Sản xuất VLXKN giảm tiêu tốn năng lượng 70 - 80% so với sản xuất gạch đất sét nung; không đốt than, củi, không thải khí CO2, SO2 giảm ô nhiễm môi trường…
Qua phân tích, so sánh tính ưu việt của VLXKN so với gạch đất sét nung cho thấy việc phát triển đầu tư sản xuất và sử dụng VLXKN là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam hiện đại và bền vững.
Để thực hiện tốt Quy họach tổng thể phát triển VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 về lộ trình tỷ lệ VLXKN trên tổng số vật liệu xây, Hội vật liệu xây dựng Việt Nam đề xuất thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:
1. Thực hiện mục tiêu đạt 40% VLXKN đến 2020 bằng 16,8 tỷ viên gạch quy chuẩn, trung bình mỗi năm đầu tư 1,6 tỷ viên. Căn cứ vào nguồn nguyên liệu của từng vùng, nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để đầu tư các cơ sở sản xuất VLXKN thích hợp.
- Phát triển sản xuất VLXKN cốt liệu xi măng, cát, tro xỉ, mạt đá trên các dây chuyền 3 triệu, 7 triệu, 15 - 40 triệu viên/năm ở các vùng nông thôn, miền núi, các khu đô thị, khu công nghiệp, trước tiên thay thế các lò gạch thủ công. Lọai vật liệu nầy chiếm 60 - 70% vào năm 2020.
- Đầu tư sản xuất đá chẻ, đá ong, VLXKN từ đất đồi, từ phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp với các dây chuyền sản xuất trên 8 triệu viên - 20 triệu viênTC/năm, chiếm khỏang 5% VLXKN.
- Tập trung đầu tư phát triển VLXKN mới bê tông nhẹ chiếm tỷ lệ 25 - 35%, tương đương 6,5 - 6,8 triệu m3 vào năm 2020.Trong đó: Bê tông khí chưng áp AAC có chất lượng cao, kích thước lớn, phù hợp với việc xây nhà cao tầng, công trình quy mô lớn ở các khu đô thị, cần được đầu tư sản xuất trên các dây chuyền hiện đại, có công suất từ 100.000 - 400.000m3/năm là hướng phát triển tất yếu; Bê tông bọt có chất lượng thấp hơn, kích thước nhỏ hơn, quy mô công suất hợp lý từ 10.000 - 30.000m3/năm theo công nghiệp cơ giới hóa và một phần tự động hóa, thiết bị chế tạo trong nước với vốn đầu tư thấp sẽ được đầu tư ở những vùng có nhu cầu ít, đến năm 2020 sản lượng bê tông bọt chiếm khỏang 5% VLXKN.
2. Các giải pháp khuyến khích đầu tư phát triển VLXKN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất VLXDKN hoặc chế tạo thiết bị cho sản xuất VLXKN được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo điều 14 của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005, được miễn tiền sử dụng đất theo Nghị định số 44/2008/NĐ-CP ngày 04/04/2008.
- Ưu đãi về thuế nhập khẩu theo Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 được miễn thuế nhập khẩu cho sản xuất. Nguyên liệu, vật liệu trong nước không sản xuất được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể rừ khi cơ sở đi vào sản xuất.
- Thuế giá trị gia tăng được áp dụng thuế suất 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi theo chương III luật thuế TNDN số 14/2008/QH12.
- Ưu đãi vay vốn: được vay vốn tín dụng ưu đãi, được ưu tiên vay lại nguồn vốn của các tổ chức quốc tế do Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi. Được hỗ trợ 50% vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để chuyển giao công nghệ, đào tạo, hướng dẫn vận hành.
3. Chính sách khuyến khích sử dụng VLXKN và công trình.
Đối với công trình cao tầng từ 8 tầng trở lên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước ở các đô thị phải sử dụng ít nhất 50% VLXKN loại nhẹ. Đối với công trình xây dựng từ nguồn vốn khác phải sử dụng ít nhất 30% VLXKN lọai nhẹ.
Các công trình xây dựng khác khuyến khích sử dụng VLXKN lọai nhẹ có độ rỗng lớn hơn 30%.
4. Các địa phương cần xây dựng và công bố quy họach sử dụng đất để sản xuất gạch đất sét nung, không sử dụng đất nông nghiệp. Ban hành các chính sách tăng trưởng tỷ lệ gạch rỗng đất sét nung lên 80% vào năm 2020. Tăng thuế tài nguyên đất làm vật liệu xây dựng.
5. Hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN, nghiên cứu sử dụng tất cả các nguồn phế thải công nghiệp. Nghiên cứu sản xuất phụ gia, chất tạo bọt và bột nhôm kỹ thuật chế tạo vữa xây, trát VLXKN.
6. Để đưa VLXKN vào cuộc sống cần phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể trong họat động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN; đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN.
Ở Tiền Giang nguồn mỏ đất sét vùng Tân Phước có chất lượng rất tốt, nếu sử dụng làm gạch, ngói đất sét nung sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do đó, địa phương cần nghiên cứu sử dụng đất sét sản xuất gốm sứ cao cấp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều, chẳng những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn có nhiều triển vọng xuất khẩu ra nước ngòai. Vì vậy, các ngành chức năng cần có kế họach phát triển và sử dụng VLXKN theo đúng tinh thần Quy họach đến năm 2020 của Chính phủ và những giải pháp đề xuất của Hội Xây dựng Việt Nam. Có như vậy mới phát huy hiệu quả của nguồn mỏ sét hiện có mà còn góp phần phát triển ngành VLXD nước ta theo hướng hiện đại và bền vững trong tương lai.