Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học là hoạt động giáo dục mà cả người dạy và người học cần hiểu rõ bản chất, nội dung của vấn đề. Trên cơ sở đó người dạy vận dụng tốt phương pháp, kỹ thuật dạy học và đưa ra những chỉ dẫn, định hướng đến người học. Người học nhận biết, hiểu rõ những chỉ dẫn giáo dục từ người dạy, tích cực học tập, tự học, rèn luyện và trải nghiệm để hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho mình. | |
Ảnh: Internet |
Bài viết này phân tích nội dung dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học và nêu những vận dụng trong thực tiễn nhằm góp phần làm phong phú và sáng tỏ thêm vấn đề dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học trong lthực hiện đổi mới căn bàn, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
1. Đặt vấn đề:
Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học là nội dung, là yêu cầu quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó còn là vấn đề then chốt trong đổi mới mục tiêu, phương pháp dạy học của thầy, cô giáo.
2. Về nhận thức:
2.1. Khái niệm về phẩm chất, năng lực.
Phẩm chất: Một cách khái quát: Phẩm chất là cái làm nên giá trị của người hay vật. [4]. Riêng đối với người, phẩm chất là những yếu tố đạo đức, hành vi ứng xử, niềm tin, tình cảm, giá trị cuộc sống; ý thức pháp luật của con người được hình thành sau một quá trình giáo dục. Đó là phẩm chất chung, cơ bản của con người là một hệ chuẩn mực, là thước đo được xã hội nhìn nhận để đánh giá phẩm chất con người và cũng để từng cá nhân hướng vào mà phát triển phẩm chất cho riêng mình.
Trong thực tế có nhiều dạng phẩm chất có “kích thước” khác nhau, có những phẩm chất nhỏ hơn phẩm chất chung được coi như phẩm chất thành phần, phẩm chất bộ phận. Đó là những phẩm chất con của phẩm chất chung như: Phẩm chất đạo đức, phẩm chất trí tuệ, phẩm chất nghề nghiệp, phẩm chất chính trị…
Tổ hợp khác nhau các phẩm chất thành phần sẽ tạo ra các phẩm chất chung khác nhau. Do vậy, trong các giai đoạn và thời đại lịch sử khác nhau xã hội sẽ cần có những phẩm chất chung khác nhau.
Năng lực: Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. [4], cụ thể hơn: Năng lực là khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định.
Năng lực gồm có năng lực chung và năng lực đặc thù. Năng lực chung là năng lực cơ bản cần thiết mà bất cứ người nào cũng cần phải có để sống và học tập, làm việc. Năng lực đặc thù là năng lực có tính chuyên biệt thể hiện trên từng lĩnh vực khác nhau như năng lực môn học là năng lực được hình thành và phát triển do đặc điểm của môn học đó tạo nên, năng lực nghề là năng lực hình thành và phát triển do tính chất, đặc điểm của một nghề cụ thể.
Tổ hợp một số năng lực đặc thù, chuyên biệt lại với nhau sẽ tạo ra một nhóm năng lực chung cho một yêu cầu về việc hình thành, phát triển một loại năng lực nào đó. Thí dụ năng lực giao tiếp và năng lực hợp tác hợp thành nhóm năng lực quan hệ xã hội.
Ngoài ra sự tiến bộ của khoa học công nghệ có thể sản sinh ra những năng lực mới mà con người cần có thí dụ năng lực công nghệ thông tin và truyền thông là năng lực mới phát sinh trong vài thập niên gần đây ở Việt Nam, trước đó không có yêu cầu về năng lực này.
Trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn giáo dục (hội thảo, báo chí, tạp chí khoa học,…) chúng ta thường gặp các thuật ngữ như: Dạy học định hướng năng lực; Dạy học hình thành phẩm chất, phát triển năng lực; Dạy học bồi dưỡng phẩm chất, năng lực; Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học… Tuy nhiên, đó là các cụm từ và thuật ngữ tương đồng nhau về ý nghĩa. Trong đó chủ đạo là dạy học phát triển-phát triển cả phẩm chất và năng lực người học, không coi nhẹ mặt nào.
2.2. Bản chất của dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học:
Dạy học phát triển phát triển phẩm chất và năng lực người học tuy có kế thừa cach thức dạy học truyền thống nhưng nó khác nhau về bản chất so với dạy học cung cấp kiến thức cho người học. Đó là cách thức người thầy đưa ra những chỉ dẫn, định hướng phát triển đến người học. Người học hiểu rõ những chỉ bảo, định hướng đó và tự mình xây dựng động cơ, tinh thần, ý chí, thái độ học tập tích cực để phát triển phẩm chất năng lực của bản thân.
Những chỉ dẫn, định hướng của người thầy đến người học phải phù hợp và khoa học. Phù hợp là phù hợp với đối tượng người học về lứa tuổi, tâm lý, kiến thức nền tảng, kỹ năng, kinh nghiệm của người học. Khoa học là theo đúng chương trình, sách giáo khoa được chọn, sử dụng hiệu quả các phương pháp và kỹ thuật dạy học kích thích phát triển tư duy, phát huy trí tuệ và sáng tạo của người học.
Người học hiểu rõ những chỉ bảo, định hướng của người dạy là hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích của những chỉ bảo, biết các thao tác, kỹ năng, hành vi nên làm, không nên làm để thực hiện chiếm lĩnh tri thức, để có thói quen hành vi tốt và có ý thức luôn phát triển nó một cách tích cực sáng tạo.
2.3. Định hướng phương pháp dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học:
Không có phương pháp vạn năng, vấn đề là cần có phương pháp phù hợp. Tuy vậy, định hướng chung về phương pháp dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học là cách thức lựa chọn, sử dụng kết hợp phương pháp dạy học với kỹ thuật dạy học có hiệu quả nhằm làm cho người học tích tụ được dần dần những yếu tố của những phẩm chất và năng lực đơn lẽ để phát triển chúng thành những phẩm chất và năng lực chung theo mục tiêu của giáo dục và đào tạo. Đó là những phẩm chất, năng lực người học phải đạt được qua từng môn học, lớp học, cấp học và nhân cách con người mà xã hội và thời đại yêu cầu.
Do vậy, có thể nói phương pháp dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học là cách thức dạy học để người học tích tụ được nhiều phẩm chất và năng lực nhỏ thành phẩm chất năng lực lớn hơn, tích tụ những phẩm chất, năng lực đơn thành phẩm chất , năng lực chung.
2.4. Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học là một quá trình liên tục:
Phẩm chất, năng lực con người có tính tương đối nhất là phẩm chất. Ngoài ra, đối với người chưa qua nhiều trải nghiệm, thử thách thì phẩm chất, năng lực cũng chưa thể ổn định, bền vững. Dạy học phát triển phấm chất, năng lực phải là một quá trình liên tục. Phẩm chất năng lực của con người cũng phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Do vậy, dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cần được lập đi, lập lại nhất là phát triển phẩm chất không phải một lần là đủ. Dĩ nhiên là mỗi lần lập lại cần có một tình huống mới, một trải nghiệm mới và với một mức độ mới, nếu được.
Thí dụ năng lực giao tiếp ngoại ngữ của một người nếu không được lập lại thường xuyên có thể dẫn đến suy giảm năng lực đó. Phẩm chất của người cũng vậy. Thí dụ một học sinh chấp hành luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông gặp tín hiệu đèn đỏ thì dừng lại nhưng nếu không được củng cố, nâng lên thì một lúc nào đó học sinh này sẽ làm theo quán tính, bắt chước những người không chấp hành khác khi thấy tín hiệu đèn đỏ nhưng đường vắng, cứ chạy. Như vậy, phẩm chất tôn trọng pháp luật của học sinh bị suy giảm dần.
Việc phát triển thành công, bền vững phẩm chất của người học phải được lập lại đủ ngưỡng để người học có được tình cảm, niềm tin, giá trị với hành vi đó, phẩm chất đó.
2.5. Tương ứng với một năng lực sẽ có một dạng phẩm chất và ngược lại.
Về mối tương quan giữa phẩm chất và năng lực, trong thực tế khi có một năng lực được định danh, định nghĩa thì cũng có một dạng phẩm chất tương ứng song hành. Ngược lại, khi có một phẩm chất được gọi tên thì nó cũng biểu hiện, gắn kết với một dạng năng lực nào đó đang tồn tại. Thí dụ khi có năng lực chuyên môn thì tương ứng ta có phẩm chất nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, thì tương ứng là năng lực ứng xử, năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực công nghệ thông tin tương ứng là phẩm chất trí tuệ…
3. Vận dụng trong thực tiễn:
3.1. Mô hình ba phẩm chất tám năng lực của Việt Nam.
Trong dự thảo về chương trình sách giáo khoa sau năm 2015. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một chương trình tổng thể gồm ba phẩm chất và tám năng lực như sau. (Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 05/8/2015).
Ba phẩm chất là: Sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm.
- Sống yêu thương gồm: Yêu tổ quốc, giữ gìn phát huy truyền thống, di sản quê hương đất nước, tôn trọng các nền văn hóa trên thế giới, nhân ái, khoan dung, yêu thiên nhiên.
- Sống tự chủ gồm: Sống trung thực; tự trọng; tự lực; chăm chỉ; vượt khó; tự hoàn thiện.
- Sống trách nhiệm gồm: Tự nguyện; chấp hành kỷ luật; tuân thủ pháp luật; bảo vệ nội quy, pháp luật.
Mỗi phẩm chất sẽ được Bộ nêu rõ những tiêu chí cụ thể hơn, cụ thể hóa trong chương trình theo từng cấp học.
Tám năng lực:
Gồm có năng lực tự học, năng lực tự gỉai quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Tám năng lực đơn được tập hợp lại thành bốn nhóm năng lực như sau:
Sơ đồ: Sơ đồ các năng lực chung
3.2. Mỗi thầy cô giáo/mỗi môn học đếu có vai trò và trách nhiệm trong dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Thật vậy, mỗi thầy cô giáo đều có vai trò nhất định trong dạy học phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, sinh viên. Vai trò đó tùy theo môn học và tùy theo từng phẩm chất và năng lực chung mà người học cần có theo mục tiêu giáo dục và đào tạo. Với một môn học cụ thể và một phẩm chất hay một năng lực nhất định cần phát triển thì môn học đó sẽ có một vai trò chủ yếu hay thứ yếu theo các mức độ A,B,C của khung chương trình. Trong thực tế, với phương pháp lồng ghép, tích hợp trong dạy học, thầy, cô giáo có thể vận dụng để chỉ bảo, định hướng cho học sinh, sinh viên phát triển nhiều phẩm chất, năng lực với các mức độ khác nhau. Điều đó là khả thi.
Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực người học là trách nhiệm của mỗi thầy, cô giáo theo vai trò môn học, không nên phân biệt môn chính, môn phụ trong dạy học phát triển phẩm chất, năng lực.
Bảng tóm tắt vai trò của các môn học trong hình thành năng lực học sinh
(theo nguồn Bộ GD ĐT) [5]
Vai trò của các môn học đối với việc phát triển |
||||||||
Tên môn học, nhóm môn học | Các năng lực chung | |||||||
Tự học | Giải quyết vấn đề và sáng tạo | Thẩm mỹ | Thể chất | Giao tiếp | Hợp tác | Tính toán | CNTT và Truyền thông | |
01. Tiếng Việt, Ngữ văn | A | A | A | C | A | B | C | C |
02. Ngoại ngữ | A | A | A | C | A | B | C | B |
03. Tiếng dân tộc | B | B | A | C | B | B | C | C |
04. Toán | A | A | B | C | B | B | A | A |
05. GD lối sống, GDCD, CD với TQ | A | A | A | B | A | A | C | C |
06. Thể dục-thể thao, Thể dục, Thể thao | A | A | B | A | B | B | C | C |
07. Âm nhạc-Mỹ thuật, Âm nhạc | A | A | A | C | B | B | C | B |
08. Mỹ thuật | A | A | A | C | B | B | C | C |
09. Tìm hiểu XH, LS, ĐL, KHXH | A | A | B | C | B | B | C | C |
10. Cuộc sống quanh ta, tìm hiể TN, VL,HH,SH KTNN | A | A | B | A | B | B | B | B |
11. Công nghệ | A | A | B | C | B | B | A | A |
12. Kỹ thuật- tin học, Tin học | A | A | A | B | A | A | A | A |
13. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo | A | A | A | A | A | A | A | A |
14. Nghiên cứu KHKT | A | A | B | B | B | B | B | B |
15. Chuyên đề học tập | A | A | B | B | B | B | B | B |
Ghi chú:
+ Mức độ A: Môn học đóng vai trò chủ yếu đối với sự phát triển năng lực chủ yếu.
+ Mức độ B: Môn học góp phần phát triển năng lực tương ứng.
+ Mức độ C: Môn học tạo cơ hội phát triển năng lực tương đương.
3.3. Trong bất kỳ tiết học nào, thầy, cô giáo cũng có thể định hướng được dạy học phát triển phẩm chất năng lực của học sinh, sinh viên:
Vận dụng sáng tạo tinh thần, nội dung của môn học, tiết học, theo quan điểm dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học, thầy cô giáo hoàn toàn có thể chỉ bảo, định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, sinh viên kể cả trong tiết kiểm tra, bài tập. Thí dụ lồng ghép trong tiết kiểm tra, làm bài tập có thể chỉ dẫn, định hướng phát triển phẩm chất trung thực qua việc tự trọng không cho bạn xem bài của mình và mình không xem bài của bạn. Hoặc định hướng học sinh phát triển năng lực vận dụng tư duy độc lập, sáng tạo để tự làm bài tập của mình không trao đổi với bạn.
4. Kết luận:
Đây là lần đầu tiên, ngành giáo dục tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện trên nhiều lĩnh vực cùng một lúc : Đổi mới công tác quản lý, đổi mới mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, môn học, phương pháp đạy học, đánh giá giá dục… Quá trình thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc, cản ngại do tính mới mẻ của vấn đề, do thói quen và sức ỳ tâm lý trong chuyển đổi. Vì vậy, việc nghiên cứu lý luận, đúc kết thực tiễn, tiến hành thí điểm, thực nghiệm, học tập kinh nghiệm và sơ, tổng kết về vấn đề này cần được quan tâm thực hiện trong ngành. Riêng đối với vấn đề dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học thầy, cô giáo cần nghiên cứu, vận dụng góp phần thực hiện tốt, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Minh Hạc (2010). Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI, NXB Giáo dục. Việt Nam
2. Nguyễn Văn Hộ - Hà Thị Đức (2002), Giáo dục học đại cương tập1, NXB Giáo dục. Việt Nam
3. Phạm Văn Khanh, (2015) Dạy học phát triển phẩm chất năng lực người học trong mối quan hệ với phát triển nhân cách. Sách Hội thảo khoa học toàn quốc Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm. Hà Nội.
4. Hoàng Phê (Chủ biên) (1994), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội- Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Việt Nam.
5. Wikipedia.org, Ba phẩm chất và tám năng lực