Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước với khởi đầu hết sức khó khăn. Đặc biệt là giai đoạn 1976-1980, cả tỉnh vừa lao động, sản xuất để sớm hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa góp sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đỡ nước bạn Campuchia, mặt khác phải đối phó với thiên tai lũ lụt, hạn hán triền miên và sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch trên thế giới. | |
Ngành Nông nghiệp Tiền Giang gặt hái nhiều thành tựu nổi bật qua 40 năm hình thành và phát triển (ảnh chụp tại Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè, Tiền Giang) |
Để điều hành hoạt động của Ngành Nông nghiệp tỉnh, năm 1976, Ty Nông nghiệp Tiền Giang được thành lập và đến năm 1983 đổi tên là Sở Nông nghiệp Tiền Giang, đến năm 1986 sáp nhập Sở Lâm nghiệp vào Sở Nông nghiệp Tiền Giang; Đến năm 1987, sáp nhập Sở Lương thực vào Sở Nông nghiệp Tiền Giang thành Sở Nông nghiệp và Lương thực Tiền Giang; Đến năm 1990 sáp nhập Sở Thủy sản thành Sở Nông – Lâm – Ngư nghiệp Tiền Giang; Năm 1996 sáp nhập Sở Thủy lợi vào Sở Nông – Lâm – Ngư nghiệp Tiền Giang; Năm 1998 tách Sở Nông – Lâm – Ngư nghiệp Tiền Giang thành 02 Sở là Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Thủy sản; Và đến tháng 4/2008 hợp nhất Sở Nông nghiệp và PTNT với Sở Thủy sản thành Sở Nông nghiệp và PTNT ngày nay.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, cùng với sự phát triển của đất nước, với sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh qua các nhiệm kỳ cùng sự lãnh đạo điều hành năng động của Lãnh đạo Ngành Nông nghiệp và PTNT, sự đoàn kết nhất trí trong cán bộ, công chức, viên chức; sự đồng thuận của nông, ngư dân, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, dịch hại và đã có những bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Nổi bậc là công cuộc khai hoang phục hóa dẫn nước ngọt về tưới tiêu đồng ruộng của 2 thập kỷ 70, 80 với Chương trình ngọt hóa Gò Công và khai hoang vùng Đồng Tháp Mười đã biến những vùng chua phèn, nhiễm mặn, cằn cổi hoang sơ thành những vùng đất hồi sinh với những thảm lúa xanh bạc ngàn, đồng khóm quanh năm. Điển hình là sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP của tỉnh nhà, vượt qua thời kỳ thiếu đói cuối những năm 70, khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008 – 2013); từng bước xóa đói, giảm nghèo tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp nông thôn, là nguồn lực rất quan trọng để giải quyết an sinh xã hội.
Sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh như: vùng lúa thơm đặc sản, vùng thanh long Chợ Gạo, vùng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, vùng sầu riêng Ngũ Hiệp, vùng chuyên canh khóm Tân Phước, vùng nuôi cá tra thâm canh, nuôi nghêu hàng hóa.… Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã và đang được đầu tư tiếp tục phát huy tác dụng, nhất là hệ thống thuỷ lợi, ô bao ngăn lũ bảo vệ vườn cây ăn trái, đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, các dự án nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê sông, đê biển, chương trình bố trí dân cư, trồng rừng, nước sinh hoạt nông thôn,.... đã đem lại hiệu quả đáng kể góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà.
Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm ngư nghiệp của tỉnh là 4%/năm; Diện tích gieo trồng lúa: 216.429 ha (đạt 107,2% KH) với sản lượng 1,27 triệu tấn lúa (đạt 106,3% KH); Diện tích vườn cây lâu năm 72.795 ha đạt sản lượng 1,332 triệu tấn (đạt 100,8% KH). Tổng đàn heo 604.668 con (tăng 0,3% so với cùng kỳ), đàn bò 89.077 con (tăng 0,9% so với cùng kỳ), đàn gia cầm 10,05 triệu con (tăng 12,8% so với cùng kỳ). Diện tích nuôi trồng thủy sản 15.393 ha (đạt 98,1% KH). Sản lượng nuôi và khai thác là 244.380 tấn (đạt 100,9% KH). Xây dựng 8 xã đạt các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của cả đất nước nói chung và Tiền Giang nói riêng, Ngành Nông nghiệp và PTNT xác định đẩy nhanh tiến trình Tái cơ cấu lại nông nghiệp Tiền Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chất lượng và an toàn, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà thời kỳ hội nhập. Phấn đấu năm 2017, tốc độ tăng GDP toàn ngành nông lâm ngư nghiệp là 3 - 4%/năm; Diện tích gieo trồng lúa: 207.428 ha với sản lượng 1,2 triệu tấn lúa; Diện tích vườn cây ăn trái 73.576 ha đạt sản lượng 1,33 triệu tấn. Tổng đàn heo 612.730 con, đàn bò 90.100 con, đàn gia cầm 10 triệu con; Diện tích nuôi trồng thủy sản 15.400 ha; Tổng sản lượng 245.000 tấn. Xây dựng thêm 16 xã đạt các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo đăng ký của các địa phương.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, toàn Ngành Nông nghiệp và PTNT phát huy truyền thống của Ngành, nổ lực vươn lên khắc phục các khó khăn; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất để làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh phát triển thủy lợi và hạ tầng nông thôn làm nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng trí thức trong tất cả hoạt động của Ngành để tiếp tục thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời đại mới.
Ngay sau khi nước nhà tuyên bố độc lập 72 ngày, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao và ngay ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh Nông và cử ông Cù Huy Cận giữ chức Bộ trưởng, có nhiệm vụ giải quyết nạn đói và soạn thảo một Chương trình kiến thiết về kinh tế nông nghiệp. Bộ Canh nông ngày ấy chính là tiền thân của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày nay.
Ngày 18/6/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QD-TTg về việc lấy ngày 14/11 hàng năm là “Ngày Truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam”. Đây là dấu mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động nhiều thế hệ đã góp sức xây dựng và phát triển Ngành; đồng thời khuyến khích, động viên và tạo phong trào thi đua thường xuyên trong toàn Ngành để thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế, chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Việc lấy ngày 14/11 là Ngày Truyền thống của Ngành là dựa trên cơ sở ngày 14/11/1945 là ngày thành lập Bộ Canh Nông. Năm 2016 là năm kỷ niệm lần thứ 71 ngày thành lập Bộ Canh Nông và cũng là 71 năm ngày Truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam