Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
“Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 22/11/2016)

Nhằm nâng cao hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, trong 3 vụ Hè Thu 2014, 2015, 2016 được sự hỗ trợ kinh phí của TT Khuyến nông Quốc Gia, TT Khuyến nông Tiền Giang triển khai thực hiện dự án “Áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI”.
Mô hình lúa 3 giảm, 3 tăng

 

       - Năm 2014 thực hiện tại ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, Gò Công Đông, quy mô 60ha/100 hộ tham gia.


       - Năm 2015 tại ấp Thạnh Hiệp và Thạnh Hòa Đông, huyện Gò Công Tây, quy mô 90 ha/155 hộ tham gia.


       - Năm 2016 tại ấp Tân Xuân, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, quy mô 90 ha/150 hộ tham gia.

 

 

Lớp đào tạo áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng


       Nội dung dự án được thực hiện gồm các biện pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, áp dụng biện pháp sạ thưa (100kg/ha), sạ hàng, quản lý nước theo ngập khô xen kẻ, giải pháp hạn chế thiệt hại của hạn mặn, phòng trừ dịch hại theo IPM, công nghệ sinh thái, các giải pháp trong canh tác lúa bền vững để giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp giảm nhẹ thiệt hại của biến đổi khí hậu, hướng dẫn và thực hành ghi chép sổ tay trong sản xuất lúa… Giống lúa được sử dụng là Nàng Hoa 9, với định mức hỗ trợ cho nông dân là 100kg/ha cùng với 30% vật tư.


       Công thức phân bón được sử dụng là 90N - 60P - (50-60)K.


       Nông dân tham gia dự án được tập huấn 3 lần/ điểm theo từng giai đọan sinh trưởng của lúa; tổ chức 3 cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ cho 300 nông dân ở các xã trồng lúa của huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Chợ Gạo và Thị xã Gò Công đến tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.


       Ngoài ra TT Khuyến nông Tiền Giang còn tổ chức 3 lớp đào tạo 3 ngày/lớp cho 118 nông dân ngoài mô hình ở các xã lân cận tham gia; tổ chức 1 cuộc tọa đàm trên đài truyền hình Tiền Giang; viết bài tuyên truyền đăng 2 bài trên cổng Thông tin điện tử TT Khuyến nông Quốc gia, 1 bài trên trang web của Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang năm, 1 bài trên tờ tin Khuyến nông tỉnh Tiền Giang về nội dung và kết quả thực hiện của dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI.


       Kết quả thực hiện


       Nông dân nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đã được tập huấn vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao như:


       - Giảm trên 50% lượng giống gieo sạ, giảm sâu bệnh, lá lúa không bị che sáng lẫn nhau, giảm phát thải CO2.


       - Ứng dụng đúng qui trình bón phân, đặc biệt không bón thừa đạm (giảm 50kg urê/ha/vụ) để lúa cứng cây, ít đỗ ngã, hạn chế bệnh và giảm phát thải khí nhà kính.


       - Áp dụng biện pháp trừ dịch hại IPM, giảm 2 lần thuốc trừ sâu rầy so với ngoài mô hình. Nông dân biết cân nhắc khi quyết định phun thuốc trừ sâu, đảm bảo không phun thuốc trừ sâu giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ để bảo vệ thiên địch.


       - Áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẻ, giảm chi phí bơm tát (2 lần/vụ), giúp lúa khỏe, rễ lúa ăn sâu, chống đỗ ngả, giảm phát sinh khí CH4.


       - Năng suất đạt trung bình 6 tấn/ha, cao hơn so với bên ngoài 0,5 tấn/ha.


       - 10% nông dân trong mô hình không đốt đồng sau thu hoạch.


       Qua 3 năm thực hiện, cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình “Áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI” cao hơn so với ngoài mô hình từ 7 – 7,5 triệu đồng/
ha/vụ.


       * Về xã hội: Mô hình đã hướng dẫn nông dân sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tăng cường sự liên kết của các hộ sản xuất từng bước tiến tới hợp tác sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường. Giúp cho người nông dân an tâm sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường đặc biệt là ành hưởng của hạn, mặn.


       Nâng cao được nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đã làm thay đổi được một số thói quen canh tác cũ như sạ dày trừ hao lúa chết, ốc ăn… Đa số các nông hộ sản xuất đều nhận định và tin tưởng tuyệt đối vào định hướng sản xuất lúa theo chương trình 3 giảm 3 tăng; và đây chính là giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng đồng thời làm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.


       Khả năng mở rộng của mô hình:


       * Trong vụ Thu đông 2014 có khoảng 240 ha áp dụng sạ thưa 100 kg/ha (các xã Thạnh Trị, Tăng Hòa, Gia Thuận, Phước Trung; 300 ha sử dụng lượng giống 120 kg/ha tại Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Tân Phước, Tân Tây, Kiểng Phước, Vàm Láng, Tăng Hòa, Phước Trung); 800 ha sử dụng lượng giống 150kg/ ha (Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Tân Phước, Tân Tây, Kiểng Phước, Vàm Láng, Tăng Hòa, Phước Trung).


       * Trong vụ Thu Đông năm 2015 có khoảng 370 ha áp dụng sạ thưa 100 kg/ha (các xã Thạnh Trị, Tăng Hòa); 1.550 ha sử dụng lượng giống 150 kg/ha (Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Bình Nhì, Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Tân Phước, Tân Tây, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Phước Trung, Bình Nghị); 720ha sử dụng lượng giống 120 kg/ha (Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Tân Phước, Bình Nhì, Tân Tây, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Phước Trung, Gia Thuận, Bình Nghị, Tân Đông).


       * Trong vụ Thu Đông năm 2016 có khoảng 605 ha được mở rộng áp dụng sạ thưa 100 kg/ha (các xã Thạnh Trị, Thạnh Nhựt, Bình Nhì, long Vĩnh,Tăng Hòa, Tân Phước, Kiểng Phước, Vàm Láng, Phước Trung, Tân tây, Gia Thuận). 1.940 ha sử dụng lượng giống 150 kg/ha (Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Bình Nhì, Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Yên Luông, Bình Tân, Long Bình, Tân Phước, Tân Tây, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Phước Trung, Bình Nghị, Tân Điền); 880 ha sử dụng lượng giống 120 kg/ha (Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Tân Phước, Bình Nhì, Vĩnh Hựu, Tân Tây, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Phước Trung, Gia Thuận, Bình Nghị, Tân Đông)


       Dự kiến từ năm 2017 diện tích gieo sạ giống 100kg/ha sẽ được tiếp tục mở rộng thêm hàng năm từ 2000 - 3000ha.

 

Nguyễn Thị Huỳnh – TT Khuyến nông TG
Tin liên quan