Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang trước mục tiêu đón 2,2 triệu lượt du khách vào năm 2020
(Ngày đăng: 22/11/2016)
Nằm ở cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cách Tp Hồ Chí Minh 70 km, có cảnh trí thiên nhiên, sông nước hữu tình, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh… Trong những năm qua, Tiền Giang là địa phương khai thác khác tốt tiềm năng du lịch sinh thái thông qua việc đầu tư phát triển, mở rộng mạng lưới các tuyến điểm du lịch, nâng cấp cơ sở lưu trú, kiện toàn kiến thiết hạ tầng phục vụ du lịch,… là điểm đến hấp dẫn của du khách trong khuôn khổ các tour du lịch “miệt vườn”.
Theo khảo sát của ngành chức năng địa phương, trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng với tốc độ bình quân 10%/ năm. Năm qua, toàn tỉnh đón trên 1,525 triêu lượt du khách trong đó có trên 517.000 lượt khách quốc tế. Năm 2016, dự kiến đón khoảng 1,63 triệu lượt du khách trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế. Tỉnh đang hướng tới mục tiêu đón trên 2,2 triệu lượt du khách trong đó có khoảng 900.000 khách quốc tế vào năm 2020.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn hiện có 52 đơn vị kinh doanh lữ hành, 24 khu và điểm du lịch chính, 14 làng nghề truyền thống, 423 tàu vận chuyển du lịch, 320 đò chèo, 234 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch… Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh du lịch liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành cung ứng những sản phẩm đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương đáp ứng nhu cầu du khách trong ngoài nước.
Ông Nguyễn Tấn Phong cũng cho biết, Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng hào hùng qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước ở vùng đất phương nam – một trong những tiềm năng và lợi thế có một không hai để phát triển du lịch phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa, xây dựng Tiền Giang giàu đẹp.
Toàn tỉnh có 21 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 125 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền với các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa – lịch sử tầm cở khu vực và cả nước mà du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu: di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút, Chiến thắng Ấp Bắc, lăng mộ và đền thờ Trương Định, lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, di tích khảo cổ Óc Eo – Gò Thành, làng cổ Cái Bè,… Ngoài ra, đón trước những thời cơ và vận hội phát triển du lịch, Tiền Giang đã đầu tư, mở rộng nhiều khu du lịch phục vụ du khách: khu du lịch biển Tân Thành, khu du lịch Thới Sơn, khu du lịch Cái Bè,…
Xét trên phương diện tổng thể, du lịch – ngành công nghiệp không khói của tỉnh Tiền Giang đã được khai thác hết sức mạnh mẽ, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách phục vụ đầu tư phát triển. Theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động du lịch trong những năm qua ở địa phương tăng trưởng mạnh mà một trong những yếu tố quan trọng là xã hội hóa được các nguồn lực đầu tư, huy động được các thành phần kinh tế khai thác du lịch kể cả nông dân tham gia đầu tư và cùng hưởng lợi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Phong cũng thừa nhận, bên cạnh đó, còn những hạn chế nhất định khiến cho tiềm năng du lịch chưa được phát huy một cách tương xứng và bền vững. Dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành ở Tiền Giang đa phần qui mô nhỏ, lẻ; đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu và yếu về trình độ; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đi vào chiều sâu chưa đủ năng lực và điều kiện để tổ chức tour dài ngày hoặc phát triển kinh doanh lữ hành nhất là lữ hành quốc tế trực tiếp với các nước,… Ngoài ra, sự phối hợp phát triển du lịch giữa các ngành và địa phương thiếu tính hặt chẽ; nhiều dịch vụ du lịch tự phát và hiện tượng cò mồi, chèo kéo du khách, ảnh hưởng đến môi trường du lịch cũng như hình ảnh du lịch Tiền Giang.
Về vấn đề tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế để du lịch Tiền Giang phát triển một cách bền vững, đạt mục tiêu phấn đấu đạt 2,2 triệu lượt du khách vào năm 2020, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, cần nỗ lực mời gọi đầu tư 4 dự án du lịch ưu tiên đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt: khu du lịch sinh thái Cồn Ngang (Tân Phú Đông), Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành – Hàng Dương (Gò Công Đông), Khu nghỉ dưỡng – Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tân Phước).
Đối với Khu du lịch cù lao Thới Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là một trong 4 Khu du lịch sinh thái cấp quốc gia của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Cường kiến nghị cần ban hành Quy chế quản lý cụ thể, khắc phục tình trạng chèo kéo, đeo bám, cò mồi du khách, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tuyến điểm và các đơn vị du lịch lữ hành, nâng cao chất lượng phục vụ du khách gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa, môi trường du lịch,… Từ đó, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Liên quan đến phát triển du lịch trên cù lao Thới Sơn – nơi chiếm đến 50% lượng du khách về Tiền Giang hàng năm, nói riêng và du lịch Tiền Giang nói chung, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thiên Niên Kỷ (TNK Travel) nhấn mạnh các yếu tố mà các ngành chức năng cần quan tâm nhằm thu hút lượng du khách tăng đều qua từng năm. Đó là tích cực mời gọi hợp tác, đầu tư; triển khai thêm các tuyến điểm du lịch cũng như nhiều dịch vụ mới, hấp dẫn; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; liên kết với Bến Tre nhằm triển khai thêm tuyến du lịch Mỹ Tho – Hàm Luông và các dịch vụ, điểm tham quan hấp dẫn để có thể hình thành tour Mỹ Tho 2 ngày – một đêm…
Mới đây, tại Hội thảo tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Tiền Giang tổ chức vào cuối quí 1/2016 tại Tp Mỹ Tho, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật cho biết, qua thực tế hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn Tiền Giang nhiều năm, ông góp ý những vấn đề ngành chức năng nên lưu ý. Đó là Quy hoạch lại các điểm tham quan tại Khu du lịch Thới Sơn; xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; chú ý vệ sinh môi trường trong các Khu du lịch; phát triển thêm các sản phẩm du lịch; xây dựng công trình lịch sử gắn liền với con người, vùng đất Mỹ Tho hào hùng để hấp dẫn du khách.
Mục tiêu đón 2,2 triệu lượt du khách vào năm 2020 đối với Tiền Giang, xét về thế và lực không phải quá sức nhưng đàng sau đó, để ngành công nghiệp không khói tăng trưởng một cách bền vững thì cần thực thi nhiều giải pháp trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Tấn Phong, trên cơ sở “dâng mưu, hiến kế” của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Tiền Giang tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đẩu tư vào các dự án du lịch nhất là dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng; huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực du lịch, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng các khu du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Đặc biệt, tỉnh coi trọng vai trò liên kết vùng, liên kết tiểu vùng trong phát triển du lịch nhất là hợp tác chặt chẽ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh khu vực sông Tiền, vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Từ đó, giúp ngành công nghiệp không khói của tỉnh thăng hóa, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quê hương Tiền Giang giàu mạnh và để lại những hình ảnh đẹp trong lòng du khách, bạn bè năm châu.
Minh Trí
Tin liên quan