Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Người nông dân sáng tạo trên vùng ngập lũ Tiền Giang
(Ngày đăng: 31/10/2016)
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng khắt nghiệt mang lại nhiều hệ lụy không tốt, rồi hàng năm, lũ lụt từ thượng nguồn không về khiến những vùng sản xuất đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) gặp không ít khó khăn. Trước tính hình trên, nhiều nông dân đã có những cách tháo gỡ sáng tạo, xây dựng các mô hình làm ăn kinh tế trên đất thuần nông hiệu quả, cuộc sống ổn định và an cư lạc nghiệp. Ông Bùi Văn Thanh, nông dân cư ngụ tại ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy đã thành công với mô hình chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang mô hình luân canh lúa + dưa hấu theo cơ cấu mùa vụ 2 vụ lúa + 1 vụ dưa hấu mỗi năm.
Ông Thanh cho biết, gia đình canh tác 1 ha đất trồng lúa năng suất cao. Mỹ Thành Bắc, quê ông là nơi điển hình cho địa bàn ngập lũ thượng lưu sông Tiền (Tiền Giang) tiếp giáp với Đồng Tháp Mười có truyền thống canh tác lúa từ ngàn xưa. Trong quá trình sản xuất, ông Thanh nhận thấy không thể cứ dựa mãi vào tập quán canh tác cũ và kinh nghiệm bao đời cha ông truyền lại trong khi điều kiện thiên nhiên ngày càng khắt nghiệt, khó khăn, không thuận lợi như trước. Được tiếp thu kiến thức khoa học từ các cuộc tập huấn, hội thảo khuyến nông cũng như chính sách chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa của nhà nước, ông quyết định chuyển đổi từ trồng lúa mỗi năm 3 vụ sang trồng 2 vụ lúa kết hợp 1 vụ dưa hấu. Bố trí mùa vụ như sau: Đông Xuân trồng lúa, vụ Hè Thu sớm trồng dưa hấu và vụ Hè Thu chính vụ trở lại trồng lúa năng suất cao. Theo ông Thanh, cách bố trí luân vụ lúa + dưa trong năm như thế giúp cải tạo hệ sinh thái, nâng độ phì nhiêu của đất, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào cung ứng theo nhu cầu thị trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn sản xuất lúa độc canh trước đây.
Theo ông Thanh, trong quá trình canh tác, cần chú trọng áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học nhằm mục tiêu đảm bảo tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản vừa giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế từ đất đai. Cụ thể đối với trồng lúa, cần sản xuất theo qui trình ba giảm ba tăng, IPM, phòng chống sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Quan trọng nhất là sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống, chú trọng khâu làm đất, sử dụng công cụ sạ hàng và cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch,… Nếu trước đây, theo tập quán cũ, nông dân thường sử dụng đến 200 kg lúa giống/ ha thì theo qui trình canh tác mới, tiết giảm phân nửa, chỉ dùng khoảng 100 kg giống mà thôi. Nhờ vậy, giảm được đáng kể chi phí trong khi năng suất, sản lượng vẫn đảm bảo và sâu bệnh ít có nguy cơ bùng phát. Về chế độ phân bón, ông Bùi Văn Thanh thường sử dụng các loại phân đơn như: Đạm, lân, kali… về pha trộn theo công thức thích hợp, không dùng những loại phân bón hỗn hợp lưu hành trên thị trường giá đắt đỏ. Từ đó, giảm thêm đáng kể chi phí cần thiết.
          Đối với dưa hấu, ông chọn trồng trong vụ Hè Thu sớm vốn trồng lúa khó khăn, thường xuyên đối mặt với hạn hán, chi phí bơm tát rất cao trong khi trồng dưa lại tiết kiệm được nguồn nước. Dưa hấu mang lại nguồn thu gấp ba lần cây lúa năng suất cao, thời vụ rất ngắn, chỉ từ 55 đến 57 ngày mà thôi. Thế nhưng để thành công với cây dưa hấu trên đất ngập lũ trước đây, cần tuân thủ qui trình canh tác khoa học, khắt khe. Theo ông Thanh, những công đoạn cần chú ý gồm: lên líp dưa đúng kỹ thuật và phân bố mật độ trồng phù hợp, xử lý đất canh tác trước khi xuống giống, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và đúng cách. Dưa hấu thường bị các đối tượng sâu bệnh gây hại tấn công: bọ trĩ đỏ, bệnh sương mai, thán thư, cháy lá, dựng đầu lân… mà nếu không phòng trị hiệu quả gây thiệt hại rất lớn cho người sản xuất.
Hàng chục năm qua, nhờ áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được qua quá trình thâm canh, ông Bùi Văn Thanh luôn gặt hái thành công với mô hình lúa + dưa hấu. Ông Thanh cho biết, về cây lúa, trong vụ Đông Xuân luôn đạt năng suất 100 tạ/ ha, giá bán lúa tại ruộng khoảng 4.600 đ – 4.700 đ/kg tùy thời điểm; vụ Hè Thu chính vụ năng suất từ 76 đến 80 tạ/ ha, bán với giá 4.300 đ đến 4.500 đ/kg tùy theo thời điểm. Còn dưa hấu trong vụ Hè Thu sớm, ông đạt năng suất đến 30 tấn/ ha, giá bán tại ruộng từ 5.500 đến 6.000 đ/kg. Ước tổng giá trị sản xuất mỗi năm ông Thanh đạt khoảng 230 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn thu lãi ròng khoảng 150 triệu đồng.
Ông Trần Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc đánh giá cao mô hình sản xuất luân vụ lúa + dưa hấu của ông Bùi Văn Thanh. Ông Biên cho biết, không chỉ áp dụng mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và điều kiện canh tác khó khăn khi thiếu lũ lụt và nguồn phù sa bồi bổ hàng năm, ông Thanh còn tích cực tham gia mạn đàm, trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con trong xóm ấp cùng áp dụng thành công. Hiện nay, xã Mỹ Thành Bắc mỗi năm có hàng trăm ha đất sản xuất theo mô hình luân vụ lúa + màu hoặc lúa + dưa mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá, hơn hẵn cách trồng lúa độc canh trước đây. Ngoài ra, ông Thanh còn là mạnh thường quân tại địa phương, tích cực ủng hộ tiền bạc, vật chất tu sửa đường sá, cầu cống giao thông nông thôn, giúp đỡ hộ nghèo, neo đơn trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Với những thành tích tiên phong trong chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và tích cực tham gia công tác xã hội, vừa qua, ông Bùi Văn Thanh vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - một phần thưởng hết sức xứng đáng cho một nông dân giỏi và giàu từ tâm trên vùng ngập lũ tỉnh Tiền Giang.
Minh Trí
Tin liên quan