Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) giúp nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quản lý hiệu quả bệnh chổi rồng hại nhãn
(Ngày đăng: 31/10/2016)
Hiện nay, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) có trụ sở tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đang tích cực hỗ trợ nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quản lý hiệu quả bệnh chổi rồng, bảo vệ các vùng trồng nhãn chuyên canh. | |
Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trung tâm đã xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình, tuyên truyền các biện pháp quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn ở một số tinh đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hưng Yên”. Tiến hành trong giai đoạn 2014 – 2016 với 8 địa phương có diện tích nhãn chuyên canh tập trung lớn được hưởng lợi trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long có 7 tỉnh và tỉnh Hưng Yên thuộc đồng bằng sông Hồng.
Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm đã triển khai, chuyển giao đến nông dân vùng chuyên canh nhãn đang bị bệnh chổi rồng tấn công với nhiều nội dung quan trọng: Tập huấn nông dân về các biện pháp quản lý bệnh chổi rồng, tổ chức thông tin tuyên truyền và quảng bá trong nông dân các phương pháp phòng trừ hiệu quả; xây dựng các mô hình trình diễn, quy trình canh tác và biện pháp phòng trừ nhện lông nhung – đối tượng gây hại,…
Lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, trong khuôn khổ dự án, Trung tâm đã tỗ chức trên 30 lớp tập huấn thu hút hàng ngàn nông dân vùng chuyên canh nhãn về các biện pháp quản lý bền vững bệnh chổi rồng. Mặt khác, đơn vị cũng đã biên soạn, in ấn và phát trên 2.000 tờ thông tin bướm liên quan đến phòng chống bệnh chổi rồng nhằm tạo sức lan tỏa, giúp nông dân cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ canh tác và quản lý có hiệu quả bệnh chổi rồng.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả phòng chống và ngăn chận sự lây lan, khống chế dịch chổi rồng, Trung tâm xây dựng 16 mô hình trình diễn những biện pháp quản lý chổi rồng tại các địa bàn trọng điểm với tổng diện tích 48 ha. Bình quân 3 ha/ mô hình. Đối tượng được chọn tham gia là những nông dân có vườn nhãn bị nhiễm bệnh thừ 50 – 70%. Khi tham gia, bà con được hỗ trợ theo Định mức hỗ trợ mô hình quản lý bệnh chỗi rồng hại nhãn tại Quyết định số 5549/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Định mức tạm thời chương trình, dự án khuyến nông mô hình quản lý tổng hợp dịch hại nhãn”. Trong mô hình, các cán bộ Trung tâm hướng nông dân đồng thời áp dụng biện pháp thâm canh khoa học vừa phòng trừ nhện lông nhung theo khuyến cáo. Trong đó, tập trung tiến hành vệ sinh vườn, tỉa cành, tạo tán sau khi thu hoạch, loại bỏ các cành và nhành bị nhiễm bệnh… Chăm sóc cây, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trị nhện lông nhung phù hợp và hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”,… Ngoài ra, Trung tâm cũng phổ biến đến tận nông hộ công thức bón phân tiêu chuẩn; xử lý ra hoa và đánh giá hiệu quả những mô hình mang lại để đúc kết nhân rộng.
Đáng mừng là các biện pháp tổng hợp đã mang lại kết quả tốt trên các mặt: kinh tế, kỹ thuật, xã hội, bảo vệ môi trường… Tại 8 tỉnh trọng điểm lúc công bố dịch có đến trên 27.000 ha trong tổng diện tích 33.000 ha nhãn toàn vùng bị nhiễm bệnh thì đến tháng 7/2016 vừa qua diện tích nhiễm bệnh đã giảm xuống chỉ còn trên 12.500 ha. Tỉ lệ nhiễm ở những vườn tham gia từ mức 50 – 70% đã giảm xuống mức 10,5%. Do quản lý bệnh chổi rồng tốt nên năng suất đạt bình quân 13,25 tấn/ ha so với mức 9,69 tấn/ ha vườn đối chứng. Lợi nhuận vườn tham gia mô hình đạt gần 119 triệu đồng/ ha so với mức chỉ khoảng 81 triệu đồng/ ha vườn đối chứng.
Từ kết quả trên, Trung tâm Bảo vệ thực vật cũng kiến nghị các ngành chức năng có chính sách đầu tư kinh phí nhân rộng mô hình cũng như chú trọng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho trái nhãn nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông hộ vùng chuyên canh. Đối với đơn vị, tiếp tục đúc kết và quảng bá rộng rãi những biện pháp kỹ thuật hiệu quả, tổ chức cho nông dân tham quan, học tập để ứng dụng nhằm ngăn chận bệnh chổi rồng đang tấn công một trong những loại cây ăn trái chủ lực tại đồng bằng sông Cửu Long. Cũng cần nói thêm, khởi phát gây hại từ năm 2001, bệnh chổi rồng là một trong những căn bệnh đáng sợ tấn công các vườn nhãn gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Trong hai năm 2011 và 2012, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 7 tỉnh công bố dịch chổi rồng hại nhãn. Với những nỗ lực phòng chống và tiến bộ kỹ thuật hiện nay, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đang thiết thực giúp bà con khống chế và đẩy lùi căn bệnh này trên cây nhãn.
Minh Trí
Tin liên quan
Sáng chế thiết bị lột vỏ quả dừa khô tiện dụng (27/06/2023)