Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tháng hành động vì người cao tuổi
(Ngày đăng: 27/10/2016)

Luật Người cao tuổi đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 23/11/2009, trong đó quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên) và của Hội người cao tuổi Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.
Khám mắt cho người cao tuổi

 

       Tại Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 11/6/2013 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tổng quát là phát huy vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Sở Y tế cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 của ngành y tế Tiền Giang.

 

 

Khám mắt cho người cao tuổi tại Phường 7, Thành phố Mỹ Tho năm 2016


      
Ngày 25/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg về Tháng hành động vì người cao tuổi, qua đó, lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Ngày 22/9/2016, Tỉnh ủy Tiền Giang có Công văn số 383-CV/TU về việc tổ chức tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2016, qua đó chỉ đạo các Ủy viên ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể tỉnh cũng như Ban công tác người cao tuổi và Hội Người cao tuổi tỉnh quan tâm triển khai một số hoạt động thiết thực trong tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2016.


       Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng, nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi gắn với thực hiện các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Bên cạnh đó, các cấp Hội Người cao tuổi đã phát huy truyền thống Diên Hồng và kế thừa Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, có nhiều đóng góp quan trọng đối với gia đình và xã hội, nêu cao tinh thần “Tuổi cao – gương sáng”, làm trụ cột về đời sống tinh thần, giáo dục, động viên con cháu hăng hái lao động, học tập, sáng tạo cũng như phải tuân thủ pháp luật… đóng góp nhiều công sức, thành quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, số lượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ngày càng gia tăng, rất cần sự chung tay, giúp đỡ, góp sức của toàn xã hội chăm lo cho đời sống, sức khỏe, tinh thần người cao tuổi.


       Tại Tiền Giang, cùng với sự phát triển về kinh tế và mức sống tăng cao, lối sống hiện đại, ở người cao tuổi, ngoài những bệnh thường gặp nhất như thính lực, thị giá, xương khớp, hô hấp và tiêu hóa thì những căn bệnh như tiểu đường, huyết áp, tim mạch đang có xu hướng phát triển mạnh. Bệnh của người cao tuổi thường phát triển âm thầm, triệu chứng khó phát hiện và khi mắc bệnh thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, gây suy giảm sức khỏe rất nhanh chóng. Thống kê cho thấy, trong số những người 65 tuổi thì có gần 33% bị suy giảm chức năng, mất khả năng lao động và ở độ tuổi trên 80 thì tỷ lệ này là 64%. Ngoài ra, tỷ lệ người mắc bệnh tăng lên theo tuổi và trong độ tuổi 60 trở lên thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 1,7 – 2 lần so với độ tuổi dưới 40.


       Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, tỷ lệ dân số ngày càng già đi, tuy nhiên cùng với nó là sự xuất hiện của rất nhiều bệnh tật như: đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, béo phì, mỡ trong máu cao,… Người cao tuổi thường hay bệnh tật do ít vận động, có sức đề kháng và sức khỏe hạn chế hơn chính vì vậy khả năng thích nghi với các thay đổi trong môi trường sống cũng kém hơn. Từ đó, người cao tuổi rất dễ bị bệnh khi thời tiết hay môi trường sống thay đổi. Bên cạnh đó, các cơ quan trong cơ thể của người cao tuổi dần dần bị suy thoái, hoạt động kém hiệu quả, hệ tiêu hóa yếu, dịch vị không được tiết đầy đủ do đó khả năng tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng kém. Cho nên, để duy trì tuổi thọ và sức khỏe cho người cao tuổi, cần quan tâm đến một số yếu sau:


      
1. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý:


       - Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít cho dễ tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Đặc biệt phải chú trọng ăn nhiều vào buổi sáng.


       - Trong chế độ ăn đảm bảo tính đa dạng, hợp lý các loại thực phẩm và dinh dưỡng, đủ về số lượng, đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng. Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, người cao tuổi cần được cung cấp 1.800kcal/ngày để cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động đồng thời duy trì và nâng cao tuổi thọ.


       - Trong 1 bữa ăn của người cao tuổi cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm để nâng cao giá trị dinh dưỡng bao gồm: Chất bột đường (gạo, ngô, khoai, mỳ, bắp, các loại ngũ cốc), chất đạm (nguồn thực phẩm động vật, thịt, cá, trứng, sữa,..) , chất béo (Có nhiều trong dầu, mỡ, vừng,…), chất xơ vitamin và khoáng chất (có nhiều trong các loại rau, củ và trái cây tươi,…). Trong đó, ăn giảm các loại tinh bột như gạo, ngô, khoai, ngũ cốc,… trung bình không quá 300g/người/ngày; ăn ít đường: Dưới 15g/ngày; ăn đủ các loại rau, củ, tái cây tươi, ưu tiên các loại chứa nhiều chất xơ, trung bình khoảng 300g/người/ngày; ăn vừa phải thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt: Mỗi tuần tối thiểu 3 bữa cá, ăn không quá 1,5kg thịt/tháng; ăn có mức độ các chất béo, ăn thêm dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật; hạn chế ăn muối, dưới 8g/ngày.


       - Nên uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là 1,5-2 lít/ngày dù người cao tuổi thường rất ít khi có cảm giác khát. Uống sữa, nên chọn loại ít béo, ít đường, uống nhiều sữa đậu nành. Vì sữa vừa bổ dưỡng lại có đầy đủ các dưỡng chất bổ sung canxi để phòng chống loãng xương.


       - Có thể bổ sung thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng khi cần thiết.


       - Phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn bằng xà phòng diệt khuẩn để ngăn chặn các căn bệnh lây qua đường tiêu hóa.


       - Không nên nhịn ăn sáng, ăn quá no vào buổi tối trước khi đi ngủ, uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ăn quá mặn bởi đó là những nguyên nhân gây nên các căn bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi.


  
     2. Duy trì một tinh thần khỏe mạnh:


       - Người cao tuổi nên tạo cho mình một cuộc sống tốt với những suy nghĩ tích cực, luôn vui vẻ yêu đời, yêu thương mái ấm gia đình, tham gia các hoạt động xã hội và luôn cập nhật kiến thức cho mình;


       - Người cao tuổi cần có một cuộc sống an nhàn, tĩnh lặng với những suy nghĩ lành mạnh, hạn chế những lo âu, căng thẳng, phiền muộn.


      
3. Giữ môi trường sống trong sạch với những hoạt động lành mạnh


       - Môi trường trong sạch giúp con người giảm được nhiều bệnh tật, nâng cao sức đề kháng, tăng tuổi thọ.


       - Thường xuyên vận động như: tập thể dục, đi bộ những nơi có cây xanh, không khí trong lành, thoáng mát, giúp máu lưu thông một cách dễ dàng.

BS CKII Trần Thanh Thảo
Tin liên quan