Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hội thảo giới thiệu và khuyến khích thúc đẩy sử dụng giống lúa mới của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Hè Thu 2016
(Ngày đăng: 19/09/2016)

Ngày 12/9/2016, tại xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã kết hợp cùng Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo nhằm giới thiệu và khuyến khích thúc đẩy nông dân sử dụng giống lúa mới phù hợp với các vùng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu do Viện sản xuất trong vụ Hè Thu 2016.
Cán bộ nông nghiệp khảo nghiệm giống lúa mới trên đồng ruộng

 

Theo Thạc sĩ Đặng Thị Tho (Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long), trong vụ Hè Thu, Viện đã đưa vào sản xuất khảo nghiệm trên đồng ruộng xã Phước Lập, Tân Phước 25 giống lúa mới do Viện sản xuất, lai tạo, có nhiều ưu điểm về thời gian sinh trưởng, năng suất, chất lượng và khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu. Trong đó, có 18 giống khảo nghiệm về khả năng thích nghi với môi trường sinh thái, 7 giống khảo nghiệm về khả năng sản xuất. Trao đổi tại Hội thảo, kỹ sư Nguyễn Thị Thảo, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Phước cho rằng các giống lúa mới, ngắn ngày do Viện đưa vào trồng khảo nghiệm tỏ ra thích ứng với điều kiện nhiễm phèn, nhiễm mặn và chịu hạn, phù hợp với những địa bàn sản xuất khó khăn của địa phương. Kỹ sư Thảo cũng mong muốn, Viện tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thêm nhiều giống mới, ngắn ngày, chất lượng tốt, năng suất cao đáp ứng nhu cầu về giống sản xuất của bà con. Còn nông dân Phan Văn Truyền, xã Phước Lập, huyện Tân Phước cho rằng các giống mới Viện đưa ra trồng khảo nghiệm: OM 426, OM 427, OM 344… có nhiều ưu điểm vượt trội như: Thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu phèn và chịu mặn đồng thời chống chịu tốt với sâu bệnh….


Tại cuộc Hội thảo, lãnh đạo Viện đã công bố 4 giống được nông dân, các nhà khoa học qua tham quan, trao đổi, nghiên cứu tại ruộng, đánh giá vượt trội nhất trong tổng số 25 giống đưa ra trồng khảo nghiệm trong vụ Hè Thu 2016. Đó là các giống: OM 426, OM 427, OM 344, OM 425, OM 403. Cùng với khảo nghiệm các giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu mặn, chịu phèn và những điều kiện canh tác khó khăn, khắt nghiệt, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng giới thiệu những biện pháp kỹ thuật canh tác khoa học mà đơn vị đúc kết được trong thời gian qua nhằm giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thâm canh lúa thắng lợi. Tiến sĩ Vũ Tiến Khang, Bộ môn Kỹ thuật canh tác, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, khuyến cáo nông dân, để sản xuất thắng lợi trước tình hình xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng gay gắt đặc biệt thời tiết bất lợi trong vụ Hè Thu 2016, bà con cần chú ý các giải pháp hết sức quan trọng: Thủy lợi phục vụ sản xuất, chọn giống tốt, có biện pháp kỹ thuật thâm canh phù hợp như: Một phải, năm giảm; bón phân theo bảng so màu lá lúa hoặc nguyên tắc “5 đúng”, quản lý tốt dịch hại tổng hợp...


Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu về giống lúa các tỉnh, thành phía Nam. Từ khi thành lập đơn vị vào năm 1977 đến nay, Viện đã phóng thích khoảng 170 giống lúa mới phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trung bình mỗi năm, Viện sản xuất từ 12 đến 15 tấn giống lúa gốc, 10 đến 45 tấn giống lúa siêu nguyên chủng, 550 đến 600 tấn giống lúa nguyên chủng và từ 1.200 đến 1.500 tấn giống lúa xác nhận. Nhờ vậy, đóng góp rất lớn vào sự thành công trong sản xuất của nông dân vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có khoảng 3,8 triệu ha đất canh tác.

 

Minh Trí
Tin liên quan