Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nghề khai thác nghêu ở Tiền Giang
(Ngày đăng: 13/09/2016)
Nghề nuôi, khai thác nghêu ở tỉnh Tiền Giang đã có cách nay trên 40 năm. Nghề này do ngư dân tự phát với hình thức tận dụng khai thác nguồn nghêu có sẵn tại địa phương làm thực phẩm.

 

       Từ những năm 1985, nghề nuôi nghêu tại huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang bắt đầu có sự quản lý của những hộ cá thể theo mô hình quản canh cải tiến. Đến năm 1990, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông quản lý, phân lô cho người địa phương thuê với quy mô 0,3 ha/lô/hộ, thời hạn 5 năm, người dân chỉ thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê đất, thuế tài nguyên (từ năm 2012 thuế tài nguyên được miễn). Tuy nhiên, nhiều hộ khai thác tiếp tục sang nhượng cho nhau, mở rộng diện tích liền canh nhằm thực hiện thuận lợi trong chăm sóc, quản lý.


       Nghề nuôi, khai thác nghêu ở Tiền Giang cũng qua nhiều thăng trầm, do kỹ thuật canh tác kém, tác động xấu của biến đổi khí hậu..., từ năm 1996 đến nay đã phục hồi và phát triển.


       Hiện nay, nghề nuôi, khai thác nghêu vùng ven biển tỉnh Tiền Giang (huyện Gò Công Đông) phát triển khá mạnh. Theo kết quả điều tra năm 2012, toàn tỉnh có 530 hộ được Nhà nước cho thuê đất để khai thác nghêu với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông đang thực hiện tiêu chuẩn MSC, có 184 hộ khai thác nghêu với diện tích 1.800 ha (diện tích tiềm năng 2.300ha). diện tích có khả năng khai thác nghêu của tỉnh Tiền Giang hơn 5.000 ha. Hiện nay, đang khai thác hơn 2.300 ha (cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, cồn Ngang, cồn Vượt)


Bảng 1: Diện tích tiềm năng bãi bồi, cồn khai thác thủy sản (nghêu, sò huyết)

 

 

STT Tên xã Diện tích tiềm năng (ha) Diện tích khả năng (ha)
01 xã Tân Điền - Cồn Vạn Liễu 600 400
02 xã Tân Thành - Cồn Ông Mão 4.055 2.600
03 xã Phú Tân - cồn Ngang 1.300 800
04 xã Phú Tân - Cồn Vượt 3.500 1.200
Tổng cộng 9.450 5.000

 

       Đánh giá về trữ lượng, mật độ, xu hướng biến động nguồn lợi nghêu của tỉnh, cho thấy:


       Trữ lượng nghêu bố mẹ và nghêu giống, đối với vùng ven biển của tỉnh có diện tích khoảng 414 ha, mật độ nghêu giống trung bình tại các vị trí thu mẫu, thấp nhất là 120 con/m2, cao nhất 3.262 con/m2 trong mùa xuất hiện nghêu giống.


       Trữ lượng nghêu thương phẩm, theo kết quả khảo sát tháng 5 năm 2015, khối lượng trung bình qua kết quả khảo sát 3 ô mẫu (3m x 3m), chia theo trung bình thì khối lượng nghêu là 1,748 kg/m2; với diện tích thực tế đang khai thác 1.800 ha, sản lượng khai thác là 31.464 tấn.


       Mật độ nghêu phụ thuộc vào điều kiện từng vùng, từng bãi, chất lượng nước, nguồn gốc giống. Tại Tiền Giang, theo kết quả điều tra tháng 5 năm 2915, mật độ trung bình nghêu là 120 con/m2, so sánh với kinh nghiệm của cộng đồng, mật độ thích hợp là 200 con/m2 (theo Phân viện Quy hoạch thủy sản phía Nam, tỉ lệ phù hợp cho sinh trưởng và phát triển nghêu thương phẩm tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh tối thiểu là 50 con/m2, tối đa 500 con/m2, phổ biến trong khoảng 150 con/m2 - 200 con/m2).


        Xu hướng biến động và nguồn lợi nghêu tại Tiền Giang bị chi phối bởi diện tích và sản lượng khai thác theo thời gian.

 

Bảng 2: Diện tích và sản lượng khai thác nghêu tại Tiền Giang từ năm 2010 - 2015 (nguồn: Phân viện Quy hoạch thủy sản phía Nam - 2015)

 

Chỉ tiêu 2010 2011
2012 2013 2014 2015
Diện tích nghêu (ha) 2.000 2.000 2.000 2.000 2.000 2.000
Sản lượng nghêu (tấn) 19.430 18.000 19.000 19.200 19.950 15.000
Năng suất tấn/ha 9.71 9.00 9.50 9.51 9.97 7.50


       Phương thức khai thác nghêu ở Tiền Giang là thủ công, với ngư cụ tác động không đáng kể đến hệ sinh thái. Các ngư cụ tác động đến độ sâu không quá 10 cm, do tác động của sóng biển, nền đáy cát được phục hồi nhanh chóng chỉ sau một lần thủy triều. Các ngư cụ chọn lọc để khai thác hiện nay gồm có: cào liềm, cào răng, cào lưới, cào lưới mùn.


       Việc sử dụng các ngư cụ này khai thác không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của ngêu cũng như hệ sinh thái. Hoạt động khai thác theo khu vực, thực hiện không đồng loạt và chỉ khai thác khi nước biển rút, không làm ảnh hưởng đến sinh cảnh hoặc hoạt động sống của các loài khác.


       Chuỗi thức ăn của nghêu, giai đoạn ấu trùng là vi khuẩn, tảo silic, mùn bã hữu cơ, nguyên sinh động vật có kích thước nhỏ khoảng 10µm hoặc nhỏ hơn; giai đoạn trưởng thành là vụn hữu cơ lơ lững trong nước và phiêu sinh thực vật. Nguồn thức ăn của nghêu chủ yếu phụ thuộc vào thủy triều, chế độ dòng chảy. Nguồn thức ăn cảu nghêu tăng trong mùa mưa bão, giảm trong mùa khô. Vùng ven biển huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang có điều kiện tốt về nguồn thức ăn cho nghêu. Tuy nhiên, nghêu cũng là con mồi của các loài ốc (ốc bông, ốc cao, ốc rằn, ốc nhọn, ốc mỡ), một số loài chim. Các loài này mật độ cư trú không cao, ảnh hương không lớn đến đời sống của nghêu.


       Để quản lý nghề khai thác nghêu được phát triển bền vững, Tiền Giang áp dụng nhiều chính sách và quy định quản lý của quốc tế, Chính phủ Việt Nam và địa phương; đồng thời thực hiện một số biện pháp bắt đầu đã đạt được kết quả khả quan.


       Các quy định, Hiệp định và Công ước quốc tế, như: CCRF, WTO, IUCN, RAMSAR;


       Các Nghị định của Chính phủ Việt Nam;


       Các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang có liên quan đến quản lý nghề nghêu, trong đó đáng chú ý đến một số văn bản:


       Quyết định phê duyệt dự án Hỗ trợ xây dựng 2.300 ha nghêu Gò Công theo tiêu chuẩn MSC;


       Quyết định 5168-QĐ/2009/UBND về “Phê duyệt Chương trình khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020”;


       Quy chế phối hợp liên ngành 459/QCPH-LN về xây dựng và thực hiện chiến lược quản lý khai thác, phát triển bền vững 2.300 ha nghêu tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đạt chứng nhận tiêu chuẩn MSC của Hội đồng biển quốc tế;


       03 văn bản của cộng đồng (Quy chế quản lý của cộng đồng nghề nghêu xã Tân Thành, Quy chế bảo tồn nghêu mẹ và bảo vệ nghêu giống của Ban Quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông, Quy chế phối hợp tuần tra kiểm soát của Tổ quản lý cộng đồng và các bên liên quan).


       Các biện pháp phát triển vùng nghêu tại Tiền Giang:


       Biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi nghêu giống và nghêu bố mẹ tự nhiện theo Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND tỉnh ngày 15/9/2015.


       Biện pháp quản lý và quan trắc môi trường thực hiện theo các nội dung sau:


       Chi cục thủy sản lấy mẫu nước phục vụ giám sát các chỉ tiêu về môi trường, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản lấy mẫu nước và nghêu thương phẩm giám sát các chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm, thực hiên định kỳ hàng tháng và khi có sự cố xảy ra.


       Chương trình giám sát chất lượng nước phục vụ khai thác trồng thủy sản.


       Chi cục Bảo vệ Môi trường thực hiện chương trình quan trắc chất lượng nước ven bờ với hơn 20 chỉ tiêu, định kỳ 3 tháng quan trắc 1 lần (đây sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để dự báo).


       Biện pháp, có cơ chế kiểm soát thu hoạch, bao gồm:


       Cơ chế kiểm soát đầu vào (nghêu giống) theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang về xuất xứ, nguồn gốc, các chỉ tiêu khác có liên quan.


      Cơ chế kiểm soát đầu ra (nghêu thương phẩm) theo chương trình giám sát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho nghêu thương phẩm xuất khẩu.


       Cơ chế kiểm soát sản phẩm chế biến, theo quy trình HACCP tại các nhà máy chế bến xuất khẩu; kiểm soát chất lượng của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD)


       Biện pháp ghi chép cho các đối tượng khai thác nghêu đầy đủ các thông tin trong sổ tay thống kê về tình hình sản xuất, thả giống, chăm sóc, thu hoạch; nguồn gốc giống, tỉ lệ chết từ giai đoạn giống đến khi thu hoạch. Tổ quản lý cộng đồng, Ủy ban nhân dân xã cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn.


       Biện pháp an ninh vùng nghêu và giải quyết tranh chấp từng bước giải quyết được tốt hơn. Công tác bảo vệ nguồn lợi vùng ven biển được duy trì thường xuyên. Vấn nạn cào trộn nguồn nghêu giống được giảm đáng kể trong thời gian qua do có sự tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ giữa Tổ tự quản cộng đồng, chính quyền xã và lực lượng Công an Biên phòng.


       Mô hình quản lý nghề nuôi nghêu ở Tiền Giang:


       Mô hình tổ chức quản lý nghêu tại Gò Công Đông, Tiền Giang theo cơ chế đồng quản lý phù hợp với điều kiện tự nhiên và đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất và tập quán của cộng đồng ngư dân. Mô hình quản lý được thể hiện qua sơ đồ sau:

 

S. Ánh
Tin liên quan