Sau khi sáng kiến nhiều phần mềm tin học được ứng dụng hiệu quả vào thực tế như: Phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh, phần mềm duyệt giá và phần mềm quyết toán xây dựng cơ bản, phần mềm quản lý nhân sự… Mới đây, anh Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Châu Thành lại cho ra đời phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo” rất tiện dụng. | |
Anh Tuấn đang thao tác phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo” |
Anh Tuấn cho biết, công tác điều tra, khảo sát, chấm điểm để xác định phân loại hộ nghèo theo chuẩn mới (giai đoạn 2016-2020) hiện tại được thực hiện trên biểu mẫu in sẳn (mẫu điều tra phiếu B của Bộ LĐ-TB&XH). Tuy nhiên, việc kiểm tra số điểm từng tiêu chí, tổng số điểm các chỉ tiêu tổng hợp (B1: chỉ tiêu ước tính thu nhập; B2: chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản, là cơ sở để xác định mức độ nghèo của hộ điều tra, khảo sát: không nghèo, cận nghèo, nghèo…) chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công (cộng tay bằng máy tính cá nhân) nên thời gian thực hiện còn khá chậm và có một số sai sót về số liệu khi tổng hợp điểm các chỉ tiêu B1, B2 để phân loại hộ nghèo. Phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo” do anh Tuấn sáng kiến đã góp phần khắc phục những nhược điểm nói trên, tạo sự công bằng, khách quan trong kiểm tra, đánh giá, phân loại hộ nghèo.
Giao diện phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo”
Phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo” là phần mềm chuyên dùng cho các cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững” (kể cả các điều tra viên) được biên soạn và chạy trên nền phần mềm Microsoft Office Excel.
Phần mềm này cung cấp bảng chấm điểm từng tiêu chí có liên quan đến việc xác định, phân loại hộ nghèo của Bộ LĐ-TB&XH; cung cấp phiếu điều tra mẫu B1 và B2 (có thể in riêng cho từng hộ ở thành thị, nông thôn); tự động cho điểm tương ứng với thông tin do người sử dụng cung cấp; tự động cộng tổng điểm 2 chỉ tiêu B1, B2 (hàm tổng N2 = B1 + B2 sử dụng hàm If trong phần mềm Excel) và cho kết quả phân loại hộ nghèo tương ứng. Ngoài ra, nó còn giúp kiểm tra nhanh (test) đối với phiếu A (hộ nghèo mới phát sinh) khi kiểm tra từ 2-3 tiêu chí theo lời khai của chủ hộ, nếu lọt vô chuẩn nghèo thì chuyển sang phiếu B, nếu không thì dừng lại (loại ra khỏi danh sách hộ nghèo).
Về thao tác, điều tra viên có thể sử dụng máy tính xách tay để nhập thông tin trực tiếp vào máy (biểu mẫu được cài sẵn trong máy) rồi in ra cho chủ hộ ký tên hoặc sử dụng mẫu in sẵn để điền thông tin, sau đó nhập vào máy để kiểm tra lại.
Phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo” do anh Tuấn sáng kiến đã được đưa vào sử dụng tại Phòng LĐ-TB&XH, UBND 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành và đã được tập huấn, hướng dẫn cho hầu hết điều tra viên để áp dụng trong đợt điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới (giai đoạn 2016-2020) của huyện Châu Thành được tiến hành vào đầu năm 2016.
Hiện anh Tuấn đang gửi hồ sơ sáng kiến phần mềm trên tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII, năm 2016 – 2017 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang chủ trì phố hợp các sở, ngành liên quan tổ chức.
“Qua thực tế triển khai áp dụng, phần mềm “kiểm tra, phân loại hộ nghèo” vừa giúp rút ngắn thời gian, vừa đảm bảo tính chính xác trong quá trình điều tra, phân loại hộ nghèo. Đây cũng là công cụ quan trong giúp cho cấp huyện có đủ thời gian để thẩm tra lại kết quả điều tra của cấp xã (thời gian nhập số liệu để kiểm tra mỗi phiếu chỉ mất từ 2,5-3 phút, do đó nếu mỗi xã có từ 200-300 phiếu, thời gian kiểm tra chỉ mất từ 1-2 ngày). Thông tin sau khi kiểm tra, được lưu trữ trên máy, tạo cơ sở khoa học cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến kết quả xác định, phân loại hộ nghèo (với điều kiện thông tin do hộ cung cấp đảm bảo tính chính xác” – anh Tuấn cho biết thêm |