Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ thủy sản ở Việt Nam
(Ngày đăng: 01/09/2016)

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT), trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất luôn được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, cốt lõi. Đến nay khai thác và nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã ứng dụng thành công nhiều tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân.
Khai thác thủy sản (ảnh chụp cảng cá Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

 

        Tàu thuyền và trang thiết bị trên tàu


       Thời gian qua, một số cơ sở đóng tàu như: Đại học Nha Trang, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam,... đã bước đầu ứng dụng một số phần mềm trong thiết kế vỏ tàu và một số kỹ thuật mới trong thi công, chế tạo tàu vỏ thép, composite đảm bảo tăng độ bền, tiết kiệm vật liệu. Đã nghiên cứu cải tiến, cải hoán tàu lưới vây mạn sang lưới vây đuôi. Mô hình này đã được thử nghiệm tại tỉnh Tiền Giang và cho kết quả khả quan. Tàu cải hoánhoạt động ổn định, đặc tính kỹ thuật và năng suất khai thác hơn hẳn so với tàu lưới vây mạn truyền thống. Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Đại học Nha Trang đang được đặt hàng đóng mới 01 tàu lưới vây đuôi vỏ composite.


       Các thiết bị điện tử hàng hải như: máy đo sâu – dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc đã được sử dụng phổ biến trên tàu cá trong khu vực. Một số thiết bị điện, điện tử hiện đại như: máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh... đã được lắp đặt trên một số tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ của các tỉnh như: Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu,...


       Các loại máy móc, thiết bị cơ khí tiếp tục được du nhập, chuyển giao cho tàu cá Việt Nam như: máy thu-thả câu trên tàu câu cá ngừ ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; máy thu lưới vây (đứng) ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,...; hệ thống thu-thả lưới chụp đang được chuyển giao cho tàu cá ở Bình Thuận.


       Ngư cụ và công nghệ khai thác


       Sử dụng lưới chụp 4-6 tăng gông giúp tăng diện tích miệng lưới, tăng năng suất khai thác và tăng tính ổn định của tàu trong quá trình hoạt động. Kỹ thuật này đã được phát triển và chuyển giao ở các địa phương như: Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu,…để khai thác mực ống, mực đại dương và cá nổi nhỏ. Ứng dụng công nghệ này, năng suất khai thác mực ống tăng lên từ 2,0 – 2,5 lần; có thể thay thế nghề câu mực đại dương trên thúng rất nguy hiểm ở các tỉnh miền Trung; có thể nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác cá nổi nhỏ. Đây là nghề có tiềm năng phát triển tốt để khai thác cá nổi nhỏ và mực ở các tỉnh trong khu vực;


       Mẫu lưới vây cải tiến khai thác cá ngừ đã được thử nghiệm và chuyển giao cho một số tàu cá ở Tiền Giang, Cà mau, Bình Định,... Mẫu lưới này phù hợp và có thể áp dụng tại các tỉnh trong khu vực để khai thác cá ngừ đại dương (chủ yếu là cá ngừ vằn) ở vùng biển xa bờ;


       Mẫu lưới rê hỗn hợp đang được phát triển và chuyển giao vào sản xuất thực tế ở nhiều địa phương trên cả nước và một số tỉnh trong khu vực như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận,... Lưới này có khả năng khai thác hiệu quả các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phân bố ở các tầng nước khác nhau như: cá dưa, cá đổng, cá song, cá thu, cá ngừ, cá chim,... phù hợp điều kiện ngư trường và nguồn lợi ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ;


        Một số loại lồng bẫy ghẹ, bạch tuộc, cá đáy đã được du nhập và sử dụng ở một số tỉnh trong vùng như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu,... 
Ngư cụ này có thể áp dụng để khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phân bố ở các vùng biển có đáy ghồ ghề, vùng rạn san hô,...


       Nghề câu cá ngừ đại dương đã được du nhập và tiếp tục được cải tiến để nâng cao năng suất khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Công nghệ này đang được áp dụng t ại các tỉnh như: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa;


       Chà tập trung cá đã được sử dụng phổ biến ở các tỉnh trong khu vực như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Chà di động (bọng) – một tấm bạt để tập trung cá ngừ đã được sử dụng để tập trung cá ngừ trên một số tàu lưới vây ở các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi,... Khi phát hiện thấy cá ngừ, ngư dân thả bọng xuống nước, tạo bóng mát cá ngừ sẽ tập trung thành đàn dưới tán của bọng, sau đó ngư dân tiến hành vây bắt. Chà di động đã được thử nghiệm ở khu vực này, nhưng không thành công do đặc điểm dòng chảy không phù hợp.


       Kỹ thuật sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED đã bước đầu được nghiên cứu, thử nghiệm trong khu vực, nhưng kết quả chưa rõ ràng do chất lượng đèn và kỹ thuật sử dụng còn nhiều hạn chế.


        Công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác


       Bộ thiết bị làm chết nhanh, sơ chế cá ngừ đã được áp dụng có hiệu quả,góp phần giảm tổn thất chất lượng sản phẩm trên tàu câu cá ngừ đại dương ở cáctỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Các thiết bị sơ chế khác: dao, cưa, móc,... chuyên dụng cho việc mổ cá, lấy mang, lấy nội tạng,.. đảm bảo sạch sẽ, triệt để nâng cao chất lượng cá khi về bờ;


       Thiết bị làm lạnh nhanh nước biển đã được ứng dụng trên các tàu câu cá ngừ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Thiết bị này giúp thân nhiệt cá giảm về nhiệt độ thấp (khoảng ±10C) trong thời gian ngắn (khoảng 1,0 giờ đối với cá ngừ đại dương nguyên con) để giữ chất lượng thịt cá trước khi đưa vào bảo quản bằng nước đá. Sản phẩm từ các tàu sử dụng thiết bị này có chất lượng tốt hơn hẳn, giá bán cao hơn các tàu không sử dụng;


       Hệ thống làm lạnh thấm được lắp trên tàu cá để làm lạnh không khí trong các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu nhằm hạn chế sự tan chảy của nước đá giúp kéo dài thời gian bảo quản bằng nước đá và giảm tổn thất chất lượng của sản phẩm. Hệ thống này đang được áp dụng trên tàu lưới kéo Bà Rịa-Vũng tàu, tàu câu cá ngừ ở Bình Định,...


       Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) có khả năng giữ nhiệt tốt đã được sử dụng khá phổ biến trên tàu cá của các tỉnh ven biển. Hầm này có khả năng giữ nhiệt tốt, làm cho đá lâu tan hơn,nên có thể bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống;


       Một số tàu câu cá ngừ vỏ thép và composite ở Khánh Hòa, Bình Định,... đã sử dụng hệ thống làm lạnh nước biển (khoảng 00C) để bảo quản cá ngừ đại dương. Hệ thống này giúp giữ chất lượng cá ngừ tốt trong thời gian dài hơn so với cá ngừ bảo quản bằng nước đá. Hệ thống này cũng đang được áp dụng thử nghiệm trên tàu lưới kéo ở Bình Thuận. Gần đây, đã có tàu thu mua và tàu cá ở Khánh Hòa thử nghiệm sử dụng máy sản xuất đá vẩy ngay trên tàu, nhưng hiệu quả chưa cao; hệ thống bảo quản sản phẩm bằng đá sệt trên tàu cũng đang được thử nghiệm tại Khánh Hòa.


        Sản xuất giống thủy sản


       Công nghệ điều kiển giới tính đã được áp dụng tại Việt Nam. Kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi, tôm càng xanh toàn đực đang được sử dụng phổ biến ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, chất lượng đàn giống còn chưa cao vì: tỷ lệ cá thể cái vẫn lớn, tốc độ tăng trưởng chưa cao,... Công nghệ sản xuất hàu đa bội đã bước đầu nghiên cứu thử nghiệm ở Việt Nam, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chuyển giao công nghệ để có đàn giống chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm các đối tượng nhuyễn thể;


       Kỹ thuật lai ghép giữa các đàn bố mẹ có tính trạng (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt,...) ưu việt để tạo ra đàn giống có chất lượng như mong muốn đã được áp dụng tại Việt Nam trên các đối tượng nuôi chủ lực: cá tra, tôm nước lợ, cá rô phi, cá song, cá giò, cá vược,... Kỹ thuật này bước đầu đã tạo ra được các đàn giống chất lượng tốt như: giống cá tra thịt trắng, cá tra kháng bệnh gan thận mủ, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng nhanh, cá rô phi tăng trưởng nhanh, cá rô phi chịu mặn,... Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung các quần đàn bố bẹ có các tính trạng ưu việt để sản xuất được các đàn giống có chất lượng tốt hơn, đặc biệt có tốc độ tăng trưởng nhanh, kháng một số bệnh thường gặp;


       Công nghệ nuôi, trồng thủy sản


       Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) đã được áp dụng tại một số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, cá cảnh của một số công ty như: CP Việt Nam, Việt – Úc, Hải Thanh... và cho kết quả tốt. Hệ thống nuôi tuần hoàncũng đã được thử nghiệm cho nuôi thương phẩm cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, nhưng cho hiệu quả kinh tế chưa cao, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung;


       Công nghê ̣Biofloc đã đươc̣ ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh ven biển để nuôi tôm nước lợ. Công nghệ này cho hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số loại bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường. Công nghệ này cũng đã được thử nghiệm cho nuôi cá rô phi thương phẩm ở một số tỉnh ở miền Bắc và đã có hiệu quả bước đầu;


       Dựa trên đặc điểm sinh học, sinh thái học của các đối tượng nuôi, một số mô hình nuôi ghép như: tôm nước lợ - rong biển, bào ngư – rong biển,... hoặc nuôi kết hợp như: cá – lúa, tôm – lúa,... đã được nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất;


        Công nghệ nuôi cá nước lạnh như: cá tầm, cá hồi vân đã được du nhập và đang được ứng dụng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để nuôi cá tầm và cá hồi vân cho hiệu quả kinh tế cao.


        Thức ăn, chế phẩm và quản lý môi trường, dịch bệnh


       Công nghệ enzym đã bước đầu ứng dụng để sản xuất thực ăn cho cá hồi vân. Công nghệ này cũng được ứng dụng để sản xuất thử nghiệm tolerine phòng chống bệnh đốm trắng trên tôm nước lợ và sản xuất một số chế phẩm xử lý môi trường, chất bổ sung cho nuôi tôm nước lợ ở Cà Mau, Bạc Liêu,... Tuy nhiên, mức độ áp dụng ở qui mô thí nghiệm hoặc sản xuất qui mô nhỏ, chưa thấy hiệu quả rõ rệt;


       Công nghệ sản xuất vaccine cũng đã được ứng dụng để sản xuất vaccine phòng bệnh cho cá biển (cá song, cá giò) nuôi ở vịnh Bắc Bộ. Công nghệ cũng đã được thử nghiệm áp dụng sản xuất vaccine phòng bệnh cho cá tra nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả bước đầu cho thấy các vaccine này có hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh trên cá nuôi.

 

Thành Công
Tin liên quan