Từ hàng chục năm qua, các loài thủy sinh vật ngoại lai du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường với những mục đích khác nhau, trong đó có một số loài có hiệu quả kinh tế và không gây hại. Bên cạnh đó, một số loài ngoại lai xâm hại có thể gây mất tính đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Do đó, để tránh những thủy sinh vật ngoại lai xâm hại được đưa vào Việt Nam trong thời gian tới, nhà nước cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ đối tượng này. | |
Cá lau kiếng bắt được tại ao nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang |
Cá lau kiếng phát triển mạnh
Cách đây hơn 20 năm, thông qua những người nuôi cá cảnh, cá lau kiếng (cá Tỳ bà) có nguồn gốc từ Nam Mỹ (thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại đã biết ở Việt Nam) đã được du nhập vào Việt Nam và được người chơi cá kiểng khá ưa chuộng do tác dụng làm sạch bể. Trong quá trình nuôi cá cảnh, một vài cá thể cá lau kiếng đã thoát ra ngoài tự nhiên và hiện nay đang phát triển mạnh trong các hệ thống sông ngòi, kênh rạch tự nhiên.
Ốc bưu vàng tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, Tiền Giang
Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), ngư dân sinh sống bằng nghề chày lưới, đóng đáy trên sông Bảo Định cho biết, những năm gần đây nguồn lợi tự nhiên ngày càng suy giảm, kích thướt cá ngày càng nhỏ nhưng cá lau kiếng thì ngày càng nhiều. Hầu như mẻ lưới nào cất lên cũng “thu hoạch” được vài kg cá lau kiếng. Nhiều người dân trước đây vốn sống bằng nghề chài lưới thì nay cũng bỏ nghề vì hiệu quả khai thác ngày càng kém nhưng lại xuất hiện nhiều cá lau kiếng làm rách cả chài, lưới.
Chẳng những sinh sôi, phát triển nhanh chóng ngoài thủy vực tự nhiên, cá lau kiếng còn xuất hiện và lấn át cả sự phát triển của các loại cá trong ao nuôi của nông dân gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể. Ông Trần Văn Năm, xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, đầu năm 2015, gia đình ông thả 8.000 con cá giống các loại (cá tai tượng, cá sắc rằn) vào ao nuôi để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tăng thu thu nhập cho gia đình. Những vụ cá trước, anh thu hoạch được hơn 01 tấn cá thương phẩm nhưng vụ cá vừa rồi chỉ thu được có 300 kg cá, còn lại là mấy chục kí cá Tỳ bà.
Ông Phạm Quốc Đạt, nhân viên kỹ thuật trại nuôi cá tra của Công ty thủy sản Đại Thành (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, mỗi ao cá tra sau khi thu hoạch có thể bắt được vài chục đến cả trăm kg cá lau kiếng do cá đi theo dòng nước từ ngoài sông vào ao nuôi. Những ao nào thu được lượng cá lau kiếng nhiều thì đồng nghĩa với năng suất cá tra thấp hơn các ao khác. Cá lau kiếng có kích thướt trên 1 kg được chia cho các nhân viên trong trại nuôi để làm thịt (cá lau kiếng nếu biết chế biến thì thịt rất ngon), còn cá nhỏ thì giết đào hố chôn để cá không có điều kiện vào tự nhiên tiếp tục sinh sản.
Gây thiệt hại lớn về kinh tế
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ lâu các loài thủy sinh vật ngoại lai đã được đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau với mục đích làm thực phẩm và giải trí. Đến nay, đã có khoảng 50 loài thủy sinh vật ngoại lai được nhập vào Việt Nam với mục đích nuôi thương phẩm và khoảng 190 loài cá cảnh được nhập để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.
Thực tế cho thấy, đối với những trường hợp đưa thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam một cách vô thức (do thấy đó là loài nuôi đẹp, lạ, độc ở Việt Nam) nên đem về nuôi làm cảnh trong gia đình thì rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam một cách có chủ ý với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng một số loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề, lâu dài.
Trường hợp thủy sinh vật ngoại lai xâm hại du nhập vào nước ta và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất có thể kể ra là ốc bưu vàng. Đây là đối tượng nuôi đã được nhập khẩu vào nước ta cách đây khoảng 25 năm trước với mục đích làm thực phẩm. Khi loài ốc này được nuôi đại trà trong dân thì chúng đã có cơ hội phát tán vào môi trường tự nhiên và đã nhanh chóng phát triển tràn lan, phá hoại nghiêm trọng lúa, hoa màu của các địa phương từ ĐBSCL ra tận miền Bắc. Để tiêu diệt loài ốc này, nhà nước phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn.
Theo Trung tâm sinh vật ngoại lai, Đại học Stellenbosch (Nam Phi), tác hại của sinh vật ngoại lai trên toàn thế giới là vô cùng nặng nề. Hàng năm, sinh vật ngoại lai có thể gây thiệt hại khoảng 1.400 tỷ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu. Một nghiên cứu khác cho biết, các loài động vật và thực vật hoang dã được mang từ nhiều nơi trên thế giới đến Châu Âu là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người và môi trường, gây thiệt hại ít nhất 16 tỷ USD mỗi năm.
Cần tăng cường quản lý thủy sinh vật ngoại lai
Việc quản lý đa dạng sinh học, trong đó có thủy sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật đa dạng sinh học năm 2008. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, Ngành trong việc quản lý sinh vật ngoại lai vẫn chưa được phân công rõ ràng và phân tán. Cụ thể, cơ quan quản lý sinh vật ngoại lai cấp Trung ương gồm có: Tổng cục môi trường - Cục bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ tài nguyên và môi trường); Tổng cục lâm nghiệp (Vụ bảo tồn thiên nhiên, Văn phòng CITES), Tổng cục thủy sản, Vụ khoa học và công nghệ, Cục trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật… (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Tổng cục hải quan (Bộ Tài chính); Cục quản lý thị trường (Bộ công thương). Về địa phương có các sở Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Y tế và các chi cục.
Hiện nay, việc quản lý sinh vật ngoại lai do ngành tài nguyên và môi trường, ngành nông nghiệp chủ trì; trong đó, ngành nông nghiệp có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, còn việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do cả ngành tài nguyên và môi trường, ngành nông nghiệp thực hiện. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát đối với các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại.
Bên cạnh đó, nhu cầu chơi cá cảnh ngày càng tăng cao theo sự phát triển kinh tế dẫn đến tình trạng nhập khẩu cá cảnh vào Việt Nam ngày càng nhiều về chủng loại cũng như số lượng. Các loài cá cảnh có nguồn gốc nhập khẩu cũng được sản xuất, ương dưỡng và bày bán công khai, rộng rãi tại các cửa hàng trên cả nước. Song thời gian qua, việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán cá cảnh còn lỏng lẻo.
Theo một chuyên gia Ngành Nông nghiệp, mặc dù thủy sinh vật ngoại lai là đối tượng quản lý của Luật đa dạng sinh học năm 2008 nhưng nhiều vấn đề quy định trong Luật này cần phải có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện thì vẫn chưa được ban hành hoặc ban hành chưa đầy đủ. Do đó, cần phải nhanh chóng xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí cần phải luật hóa để việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai hữu hiệu hơn.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường phối hợp, thống nhất trong quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường với các nhà khoa học để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các loài sinh vật ngoại lai. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Nâng cao năng lực và sự phối hợp của các đơn vị kiểm định, khảo nghiệm, các chi cục hải quan. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ phòng ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Tránh các trường hợp khi cho phép nhập khẩu không đánh giá hết các nguy cơ có thể xảy ra, đến khi mất kiểm soát mới tìm biện pháp khắc phục thì thiệt hại rất lớn như trường hợp đối với ốc bưu vàng, cá lau kiếng…
Ngày 17/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Đề án đề ra nhiệm vụ kiểm soát, quản lý hiệu quả việc nhập khẩu, nuôi trồng và phát triển các loài ngoại lai ở Việt Nam nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực đến môi trường và đa dạng sinh học. Đồng thời, kiểm soát và lập danh mục, hồ sơ theo dõi các loài ngoại lai nhập khẩu vào Việt Nam.