Ngày 15/8/2016 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp Cục Trồng trọt và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn về “Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL”. | |
Ảnh: Minh họa |
Tham gia diễn đàn có TS. Trần Văn Khởi – Giám đốc TTKNQG, PGS. TS Mai Thành Phụng –Trưởng Bộ phận Thường trực phía Nam – TTKNQG, ông Trịnh Công Minh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Tiền Giang, ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và 190 nông dân cùng tham gia trao đổi, thảo luận tại diễn đàn.
Quang cảnh tại diễn đàn
Theo số liệu thống kê năm 2015, diện tích cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 307.062 ha, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái của cả nước. Diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL tiếp tục có xu hướng tăng chậm, khoảng 1-2% /năm. Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp là những tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở ĐBSCL. Với 10 loại cây chủ lực có diện tích lớn của vùng là chuối, xoài, cam, nhãn, dứa, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt. Sản lượng năm 2015 ước tính đạt trên 3,5 triệu tấn, chiếm 44% sản lượng trái cây của cả nước. Về năng suất và chất lượng trái cây không ngừng tăng lên nhờ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển lựa sử dụng giống mới, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với VietGAP và GlobalGAP cần thiết đối với trái cây xuất khẩu.
Các tỉnh trong khu vực đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây đặc sản hàng hóa tập trung như xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và thành phố Cần Thơ, xoài cát chu ở Đồng Tháp, bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre; quýt hồng Lai Vung ở Đồng Tháp; thanh long ở Tiền Giang, Long An. Theo Cục Trồng trọt, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỷ USD trong đó trái cây chiếm đến 70%. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1.385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, đến hết năm 2016, con số này dự kiến có thể đạt 2 tỷ USD.
Tình hình tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu trong nhiều năm qua còn gặp nhiều khó khăn như: tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, những vườn cây có năng suất, chất lượng thấp còn tỷ lệ khá cao; việc phát triển không theo quy hoạch mà mang tính “phong trào” dẫn đến tình trạng “trồng, chặt”; đầu tư thâm canh chưa sát với quy trình kỹ thuật dẫn đến sản phẩm không đạt về số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều, không đạt được chứng nhận GAP. Điều này vô hình chung ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm tích cực của các ngành, các cấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được cải thiện, được nâng cao hơn; nông dân cũng ngày càng gắn bó quen thuộc với các chương trình, hội thảo khuyến nông, hội thảo chuyển giao kỹ thuật, việc sản xuất cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đã có nhiều tín hiệu tích cực, dần dà chinh phục được những thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,…
Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Hữu Đạt – Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết trong tháng 9/2016, Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu vú sữa sang Mỹ. Ông chia sẻ: “Trái cây Việt Nam muốn tồn tại tại thị trường khó tính như Mỹ thì phải có hàng quanh năm, tức phải trồng trải vụ; để trải vụ được tốt việc quy hoạch phải làm thật tốt; phải có sự liên kết và cam kết giữa nông dân với nhau, vẫn phải theo quy hoạch canh tác chung của địa phương, sau đó liên kết với doanh nghiệp để có chuỗi cung ứng hàng được chặt chẽ, cung cấp hàng quanh năm với mức giá không đổi…”. Ông còn nhấn mạnh: “Nông dân cần chú ý về vệ sinh, an toàn thực phẩm vào cuối vụ thu hoạch vì giai đoạn này vấn đề vệ sinh không được đảm bảo sẽ dẫn đến những lô hàng xuất khẩu trái cây không đạt tiêu chuẩn kiểm duyệt xuất khẩu, dẫn đến thiệt hại rất lớn.”
TS. Trần Văn Khởi cũng có lời phát biểu cuối diễn đàn như sau: "Hiện nay vấn đề liên kết cực kỳ quan trọng, đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Còn nếu không liên kết được thì các mặt hàng nông sản không thể vươn ra thị trường xuất khẩu được. Để liên kết sản xuất hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, tạo ra năng lực quản trị và nội quy đồng thuận cho các hợp tác xã. Chính quyền là trọng tài rất quan trọng để điều khiển các bên giúp tỉ lệ thành công cao”.
Để tháo gỡ được bài toán khó về liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây thì những giải pháp được đưa ra phải dựa trên cơ sở định hướng quy hoạch vùng chuyên canh cho từng loại cây, đặc thù thổ nhưỡng địa phương; hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp cho các xã, nhất là các xã nông thôn mới; tăng cường giải pháp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp song song với đào tạo nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho cán bộ quản lý hợp tác xã. Cục Trồng trọt sẽ tham mưu cùng Bộ, ngành Nông nghiệp điều hành hiệu quả trải vụ, quản lý tốt vấn đề quy hoạch phát triển cây ăn trái vùng ĐBSCL. Hơn nữa, không thể thiếu công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu về giống và cung ứng cây giống khỏe, sạch bệnh cho nông dân. Có như vậy mới có thể tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, dễ dàng nhận được đầu tư, xúc tiến thương mại, góp phần làm cho thương hiệu trái cây Việt Nam ngày càng được nâng cao, tiến xa hơn ra thị trường quốc tế.