Năm 2013, Báo tuổi trẻ cùng Công ty Cổ Phần GreenFeed Việt Nam phối hợp với hội nông dân tỉnh Tiền Giang hỗ trợ nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nguồn vốn "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường". Đến nay, nguồn vốn này đã phát huy được hiệu quả tích cực góp phần tiếp sức cho con, em nông dân được cắp sách đến trường. | |
Tham quan đàn vịt của gia đình ông Mõng |
Như nhiều hộ gia đình khác, năm 2013 ông Ngô Văn Mõng xã Bình Phú, (Gò Công Tây) nhận được số vốn 12 triệu đồng từ chương trình. Có được số vốn, gia đình ông Mõng phát triển việc chăn nuôi gà từ 100 con gà lên 300 con, cứ xoay vòng 5 tháng ông Mõng xuất bán 1 lứa gà thịt, lãi cũng được vài triệu đồng. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Mõng xoay vòng được 2 đợt nuôi gà, mang lại nguồn thu khá khá.
Ngoài ra, dựa vào điều kiện sông nước thuận lợi cho việc chăn nuôi vịt nên ông Mõng không ngần ngại mua thêm 100 vịt về nuôi lấy trứng và tận dụng các loại thức ăn có sẵn và bắt thêm ốc bươu vàng tại các đồng ruộng hoặc các mương sản xuất nông nghiệp hay lấy lúa lép sau khi thu hoạch làm thức ăn cho vịt vừa tiết kiệm được chi phí mua thức ăn công nghiệp vừa đảm bảo vịt mau lớn, khỏe mạnh. Nhờ chăm sóc đúng cách, vịt đẻ say, bán cho các lò ấp vịt giống giá tương đối cao, kinh tế gia đình được nâng lên rõ rệt.
Ngoài ra, ông Mõng còn mua thêm chiếc xuồng và lưới về giăng cá. Cứ chiều ông đi giăng và sáng ông bơi xuồng đi gom lưới. Những khi trúng nước, cá nhiều, ăn không hết, gia đình ông đem ra chợ bán, cũng đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ông Mõng chia sẻ: "Có được nguồn vốn này bà con rất mừng, số tiền tuy không lớn nhưng biết cách sử dụng thì hiệu quả rất cao. Người ta giúp đỡ cho mình cần câu thì mình phải biết cách câu làm sao cho được nhiều cá".
Điều đáng mừng hơn, từ khi được hỗ trợ vốn làm ăn, kinh tế khá giả, gia đình ông Mõng đỡ vất vả, có điều kiện lo cho cháu gái Nguyễn Thị Hồng Huệ ăn học. Đến nay, em Huệ đã học đến lớp 11, liên tục 10 năm liền Huệ đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Em Huệ bộc bạch: "Em rất biết ơn chương trình hỗ trợ vốn Tiếp sức nhà nông cho con đến trường, nhờ nguồn vốn này mà em tiếp tục được cấp sách đến trường. Em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các cô chí đã giúp đỡ cho em và không phụ lòng ông bà đã nuôi cho em ăn học. Em sẽ phát huy hết sức mình để sau này trở thành cô giáo về dạy học cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương mình".
Con bò cũng là nguồn vốn để cháu gái Nguyễn Thị Mộng Bình, đang học sinh lớp 8 của gia đình bà Lê Thị Hồng Mai, xã Bình Phú (Gò Công Tây) có thể bước chân vào giảng đường Đại học. Nếu không có nguồn vốn Tiếp sức nhà nông này thì giấc mơ tà áo trắng của Mộng Bình đã phải khép lại từ 3 năm về trước.
Vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha bỏ đi khi Mộng Bình còn rất nhỏ, mẹ gửi em cho bà ngoại chăm sóc và đi làm thuê. Được hỗ trợ số vốn, gia đình bà Mai bắt đầu nuôi dê, nuôi heo... để có đồng ra, đồng vào. Sau khi hoàn lại vốn, bà Mai chắc chiu số dư mua được 1 con bò, đây sẽ là số vốn để sau này Mộng Bình có điều kiện bước tiếp trên con đường học vấn. Bà Mai nói: "Bây giờ gia đình cố gắng nuôi con bò này để gầy đàn, tích lũy vốn, cho cháu Bình có nguồn vốn tiếp tục bước chân vào giảng đường đại học, nếu xuất chuồng sớm, tôi sẽ tiếp tục mua thêm bò về nuôi, tăng số lượng để cho cháu an tâm, vững tin trên con đường học vấn của mình. Phải cố gắng lo cho cháu để cháu không thua bạn thu bè, bỏ học là bỏ cả tương lai".
Đến với gia đình anh Đinh Văn Dẫn, xã Mỹ Hạnh Trung (TX. Cai Lậy) mới thấy được hiệu quả tích cực của nguồn vốn. Vợ mất, một mình anh Dẫn phải nuôi 3 con gái, đứa lớn nhất học lớp 9, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Nhận được số vốn, anh Dẫn xây chuồng và nuôi heo, từ 1 con ban đầu sau khi gầy đàn anh có được 10 con heo lứa và 2 con heo nái. Sáng sớm, anh Dẫn chăm sóc heo và đưa con đi học rồi đi làm thuê, mẹ anh Dẫn ở nhà tiếp tục chăm sóc heo và chăm sóc các cháu. Biết được hoàn cảnh, các con của anh Dẫn đều chăm ngoan, học giỏi. Anh Dẫn nói: "Nhờ có số vốn để chăn nuôi tôi mới có đủ khả năng nuôi các con ăn học, hiện tại tôi vẫn còn được heo sinh sản và heo thịt, tôi tiếp tục gầy đàn, tích lũy vốn để nuôi các con được tốt hơn, nhưng ngày học càng cao chi phí học tập, tiền sách vở... lại càng nhiều. Tôi cố gắng lo cho các cháu tới đau hay tới đó".
Theo đáng giá của Hội nông dân tại các địa phương khi gia đình nông dân nhận được số vốn làm ăn đều có hiệu quả. Số vốn dù không lớn, nhưng nếu sử dụng đúng mục đích, hiệu quả thì hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Nói về vấn đề này, ông Võ Văn Hữu, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Phú cho biết: "Đến nay những hộ nông dân được hỗ trợ nguồn vốn tại xã Bình Phú đều sử dụng có hiệu quả, sau khi hoàn vốn, gia đình nào cũng còn lại một ít vốn để tiếp tục chăn nuôi, có nguồn vốn xoay sở cho gia đình, yên tâm bám ruộng, bám vườn và có thêm điều kiện để con em của họ được cắp sách đến trường, viết tiếp ước mơ chinh phục đỉnh cao tri thức, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội".
Trước hiệu quả tích cực của nguồn vốn, từ 12 triệu đồng ban đầu, đến nay số vốn được nâng lên 20 triệu đồng cùng nhiều phần thưởng khích lệ cho nhà nông cũng như con em nông dân. Đây sẽ là động lực để nhà nông vươn lên ổn định cuộc sống; tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các em tiếp tục được cắp sách đến trường, chinh phục đỉnh cao tri thức, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.