Nuôi thủy sản được coi là ngành sản xuất thực phẩm quan trọng trong việc cung cấp protein động vật cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Tuy nhiên, việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh và các chất hóa học dẫn đến việc kháng thuốc và tồn dư thuốc trong các sản phẩm thủy sản gây ảnh hưởng đến môi trường nước, sức khỏe con người và hoạt động xuất khẩu tôm. Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản được xem là cách tiếp sinh học, thân thiện với môi trường để giải quyết các tồn tại của nghề này. | |
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản (ảnh chụp phường Tân Long, tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) |
Tác động của vi sinh vật trong thủy sản
Trong môi trường nước ao nuôi, các vi sinh vật tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, với hệ hô hấp và với thức ăn của vật nuôi, do vậy các vi sinh vật này dễ dàng xâm nhập vào hệ tiêu hóa của vật nuôi. Trong số các vi sinh vật hiện diện trong môi trường nước bao gồm cả các vi sinh vật mang mầm bệnh. Chúng là những kẻ cơ hội, lợi dụng đúng lúc vật nuôi bị stress do mật độ nuôi cao hay do thiếu chất dinh dưỡng, tấn công gây bệnh, thậm chí còn làm cho vật nuôi bị chết. Do vậy, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng không chỉ có lợi trực tiếp đối với loài thủy sản nuôi mà còn tác động đến cả môi trường nước.
Sự tương tác giữa môi trường xung quanh và vật chủ trong môi trường nước là rất phức tạp. Các vi sinh vật có mặt trong môi trường nước ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của vật chủ và ngược lại. Sự thay đổi về độ mặn, nhiệt độ và oxy hòa tan sẽ tác động khác nhau đến các loài vi sinh vật khác nhau, do vậy dẫn đến sự thay đổi về loài vi sinh vật lấn át và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của chế phẩm sinh học. Như vậy, việc lựa chọn chế phẩm sinh học để bổ sung vào môi trường nước trong các ao nuôi trồng thủy sản cần phải nhất quán bởi vì các điều kiện về môi trường sẽ thay đổi theo từng thời kỳ.
Trong các hệ thống nuôi thâm canh, mật độ thả giống thường rất cao, cùng với các yếu tố khác sẽ gây ra stress cho vật nuôi và thường dẫn đến kết quả là vật nuôi chậm lớn và hiệu quả thức ăn giảm, hệ thống miễn dịch kém, do vậy vật nuôi dễ bị tổn thương đối với các vi sinh vật gây bệnh có mặt trong ao. Xét về khía cạnh này, chế phẩm sinh học đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt đối với sức khỏe của vật nuôi. Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn được sử đụng để thúc đẩy sự phát triển của vật nuôi.
Trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học được sử nhiều nhất là các dòng Bacillus spp. (B. subtilis, B. licheniformis và B. circulans), Bifidobacterium spp. (B. bifidum, B. lactis, và B. thermophilum), axit Lactic (Lactobacillus spp) và Saccharomyces cerevisiae. Trong các nghiên cứu gần đây, hiệu quả của chế phẩm sinh học đã được chứng minh qua việc nuôi các loài thủy sản như cá, tôm, sò,…
Một khía cạnh khác của việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng là cải thiện chất lượng nước trong các trại ương giống. Hiện nay, việc gia tăng chất hữu cơ, nồng độ photpho và các hợp chất nitơ là mối lo ngại đối với người nuôi. Chế phẩm sinh học có vai trò quan trọng trong việc làm phân hủy chất hữu cơ, giảm nồng độ phốt pho và các hợp chất nitơ.
Các vi khuẩn ưa khí cũng góp phần làm giảm ni trát hay chuyển hóa nitrit thành nitơ trong môi trường ao nuôi. Để thực hiện điều này, một số vi khuẩn được phân lập trong các bể nuôi tôm. Các vi khuẩn như Acinetobacter, Arthrobacter, Bacillus, Cellulosimicrobium,Halomonas, Microbacterium, Paracoccus, Pseudomonas, Sphingobacterium và Stenotrophomas có có vai trò quan trọng trong quá trình nitrit hóa. Một số sản phẩm chế phẩm sinh học khi được thả xuống môi trường ao nuôi đã chứng minh có hiệu quả trong việc giảm nồng độ phốt pho và hợp chất nitơ trong ao nuôi tôm chân trắng.
Ứng dụng chế phẩm sinh học là hướng đi tất yếu
Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, cho đến nay việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản mang lại nhiều triển vọng cho ngành nuôi. Nhìn chung, việc sử dụng chế phẩm sinh học được chứng minh là có hiệu quả nhất trong các điều kiện stress, khi hệ vi khuẩn chưa cân bằng, đặc biệt là ở các loài nuôi chưa trưởng thành. Trong số các yếu tố này, yếu tố phổ biến nhất là nhiệt độ, sự hiện diện của mầm bệnh, nồng độ muối thấp, quản lý stress, thay đổi dinh dưỡng, vận chuyển, mật độ thả giống cao, sau khi điều trị kháng sinh, thay đổi môi trường đột ngột.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế tối đa khả năng sử dụng kháng sinh trong việc phòng và trị bệnh thủy sản là khuynh hướng đúng nhằm tránh khả năng tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và con người. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm sinh học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tính năng của các dòng vi khuẩn trong chế phẩm là yếu tố quan trọng nhất.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu về chế phẩm sinh học, chúng ta có thể thấy các dòng chế phẩm sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản và các nghiên cứu về chế phẩm sinh học hứa hẹn nhiều triển vọng. Hiện tại, chế phẩm sinh học đã được áp dụng rộng rãi ở Mỹ, Nhật, các nước châu Âu, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Chế phẩm sinh học sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn và việc ứng dụng chế phẩm sinh học sẽ trở thành một lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai.