Theo ông Dương Văn Bon, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2016 – 2020, địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ, tích cực đưa khoa học – công nghệ vào đời sống, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. | |
Ông Dương Văn Bon cũng cho biết, tỉnh đề ra các chính sách ưu tiên đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; phát triển tiềm năng khoa học công nghệ; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới; gắn công tác nghiên cứu với thực tiễn và các lĩnh vực cụ thể; phát huy vai trò sáng tạo kỹ thuật của mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là trí thức trẻ, các cá nhân có năng khiếu và đam mê sáng tạo kỹ thuật ứng dụng vào đời sống nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…Trong đổi mới cơ chế quản lý chú trọng phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế đồng thời tăng cường vai trò các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội cũng như hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh trong vai trò tư vấn, phản biện các dự án khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, để phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh nhà, Tiền Giang tạo mọi thuận lợi để cán bộ kỹ thuật và nhà khoa học nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài, giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào đời sống, mang lại lợi ích cộng đồng; gắn các nghiên cứu, để tài khoa học với phương án tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các ngành thế mạnh địa phương. Từ đó, tạo chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa vừa phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh khu vực sông Tiền. Ngoài ra, thông qua các Hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những giải pháp khoa học kỹ thuật có tính mới và tính khả thi cao, có triển vọng ứng dụng tốt trong đời sống mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như lợi ích cộng đồng. Từ đó, góp phần vinh danh, động viên đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nói chung tiếp tục có nhiều cống hiến xuất sắc giai đoạn 2016 – 2020.
Theo thống kê, Tiền Giang hiện có trên 22.000 trí thức trên các lĩnh vực trong đó có trên 1.000 người có trình độ sau đại học. Thời gian qua, nhờ các biện pháp khuyến khích nghiên cứu, phát huy tài năng sáng tạo phụng sự đất nước, các trí thức khoa học và công nghệ Tiền Giang đã có nhiều giải pháp có giá trị, được vinh danh: Công trình “Giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy” của đồng tác giả TS. Nguyễn Văn Khang và TS. Lê Hữu Hải, công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) trong công việc quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh” của Kỹ sư Đặng Thanh Liêm; “Tư vấn sức khỏe cộng đồng qua Tổng đài điện thoại 1088” của TS. Nguyễn Hùng Vĩ,…
Đáng chú ý, qua các Hội thi sáng tại kỹ thuật được tổ chức hàng năm, nhiều nông dân đam mê sáng tạo đã có nhiều đề tài có giá trị ứng dụng trên lĩnh vực thâm canh cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa các khâu sản xuất giúp giảm chi phí, hạ giá thành, nâng chất lượng nông sản hàng hóa phù hợp với lộ trình sản xuất GAP và định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Điển hình như: Mô hình chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị của ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công; Máy cuốn rơm tự động của nông dân Nguyễn Ngọc Thuận (Chợ Gạo); kéo cắt tỉa đa năng, cần bao trái và những dụng cụ tiện ích phục vụ sản xuất nông nghiệp khác của ông Lê Phước Lộc (Cái Bè) – người được vinh danh là “kỹ sư không bằng cấp” tại Tiền Giang…