Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng mạng lưới doanh nghiệp tại tình Tiền Giang có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nhiều doanh nghiệp vững bước trên con đường hội nhập với sản phầm chất lượng chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu lao động và cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. | |
Thao tác máy bẻ tai dê tại Doanh nghiệp Chánh Tân Đức |
Theo khảo sát, nếu năm 2008, toàn tỉnh có khoảng 5.640 doanh nghiệp thu hút chưa đầy 90.000 lao động thì đến năm 2015 đã tăng lên 8.500 doanh nghiệp với trên 120.000 lao động, tăng bình quân 6,9%/ năm về số lượng doanh nghiệp và tăng bình quân 4,47% về thu hút lao động. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn lao động nông thôn tham gia sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu. Kết quả trên có được nhờ vào chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh trên địa bàn, đặc biệt là Chương trình khuyến công đang được thực hiện có kết quả, đi vào chiều sâu mang lại hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động trong thời kỳ mới.
Từ năm 2008 đến nay, trong khuôn khổ Chương trình khuyến công, tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều nội dung quan trọng, cần thiết đối với doanh nghiệp và người lao động: Đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; Nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp công nghiệp; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Khuyến công về hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; Hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, phát triển làng nghề, di dời cơ sở công nghiệp, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường.
Nếu tính trong giai đoạn từ 2008 đến 2015, tỉnh đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn trên lĩnh vực khuyến công, giúp doanh nghiệp tại địa phương phát triển một cách bền vững, năm sau cao hơn năm trước. Từ các nguồn huy động, Tiền Giang đầu tư trên 20,6 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công trong đó kinh phí địa phương trên 14,6 tỷ đồng và kinh phí khuyến công quốc gia trên 6,3 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện 23 đề án đào tạo nghề thu hút gần 4.000 lao động, chủ yếu đào tạo các nghề: May công nghiệp, thêu, đan ghế nhựa xuất khẩu, chế biến thủy sản, đan lát, chạm khắc gỗ, sửa chữa máy móc nông ngư cơ,… trong nỗ lực giúp người lao động có điều kiện tìm kiếm việc làm phù hợp khả năng, sở trường, thu nhập ổn định. Qua khảo sát, có 95% số lao động qua đào tạo nghề có công ăn việc làm, chủ yếu tại các doanh nghiệp trong tỉnh.
Tiền Giang cũng đầu tư trên 800 triệu đồng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý thông qua việc mở các lớp tập huấn, hội thảo, tổ chức đoàn tham quan nghiên cứu,… trang bị cho lãnh đạo doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, kinh nghiệm thương trường,… Trong giai đoạn 2008 – 2015, tỉnh triển khai 98 dự án hỗ trợ đầu tư, sau đầu tư và kiểm toán năng lượng với kinh phí trên 10 tỷ đồng; 25 đề án xây dựng mô hình trình diễn, kinh phí trên 1,85 tỷ đồng; 17 đề án hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, kinh phí trên 2,72 tỷ đồng. Nhờ vậy, giúp các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi và hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất; giúp tăng năng suất lao động, nâng chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát huy trong giai đoạn mới: Nghề dệt chiếu ở Châu Thành và Chợ Gạo, nghề đan nón bàng buông xuất khẩu ở Châu Thành, nghề đóng tủ thờ Gò Công ở thị xã Gò Công, nghề làm bún và hủ tiếu ở ven thành phố Mỹ Tho… Nhiều nghề mới phát triển góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động như: Đan lục bình và bẹ chuối, đan ghế nhựa, dệt chiếu cói…
Là đơn vị hưởng lợi từ Chương trình khuyến công của tỉnh, ông Nguyễn Tấn Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Hoan Vinh (xã Tân Lý Tây, Châu Thành) phấn khởi cho biết: Doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ 90 triệu đồng trong 2 năm không tính lãi để đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất. Ngoài ra, còn được giúp mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 400 lao động. Nhờ nền tảng ban đầu đó, đến nay, doanh nghiệp đã phát triển 13 chuyền may công nghiệp, thu hút 700 lao động. Sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước trên khắp thế giới như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc. Thu nhập người lao động cũng tăng từ mức bình quân 3 – 4 triệu đồng/ người/ tháng trước đây lên 5 – 6 triệu đồng/ người/ tháng thời điểm hiện nay.
Tương tự, ông Trần Đức Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Thuận, chuyên sản xuất các mặt hàng chiếu xếp bằng cói, thảm lục bình xuất khẩu rất biểu dương Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, một chương trình thiết thực của hoạt động khuyến công tỉnh Tiền Giang, góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, có nhiều sản phẩm độc đáo khẳng định vị thế trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Theo ông Trần Đức Tuấn, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Tiền Giang tạo điều kiện cho sản phẩm công nghiệp nông thôn địa phương vượt khỏi lũy tre làng, khỏi ao nhà nhỏ hẹp ra biển lớn; được người tiêu dùng biết tiếng, chấp nhận, ưa chuộng. Từ đó, tạo động lực mới cho công nghiệp nông thôn.
Bản thân Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Thuận có sản phẩm chiếu xếp được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tiền Giang. Ngoài chiếu xếp Vĩnh Thuận, các sản phẩm: Bình hoa gỗ sấy ghép Quang Tiền Giang, phân bón RVAC, Trà bưởi Long Thuận, Đồ chơi trẻ em bằng gỗ SD… cũng được bình chọn, vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương.
Từ kết quả đáng phấn khởi vừa qua, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 – 2020. Trong giai đoạn này, tỉnh có kế hoạch mở 20 khóa đào tạo nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp 40 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng những mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ra những sản phẩm mới hoặc áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn cho 15 lượt cơ sở công nghiệp; tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh,…
Mục tiêu nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp, góp phần giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội đồng thời thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế cũng như xây dựng nông thôn mới thành công. Ngoài ra, thông qua các hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp còn thiết thực giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; đồng thời góp phẩn vào sự phát triển công nghiệp – định hướng phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn 2030.