Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giải pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu
(Ngày đăng: 20/05/2016)

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình của trái đất trong thế kỷ qua đã tăng thêm 1 độ C do việc tích lũy các chất dioxit carbon (CO2) từ khói sinh ra trong việc đốt nhiên liệu hóa thạch (dầu, than, khí) trong các nhà máy, phương tiện giao thông, sản xuất điện và các hoạt động công nghiệp; mêtan (CH4) sinh ra từ các bãi rác, đầm lầy, hệ thống khí, dầu mỏ tự nhiên và khai thác than; và các khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính như:
Trồng rừng và bảo vệ rừng góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu

 

       Oxit nitơ ( N2O) phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp, hydrofluor carbon (HFCs) đặc biệt là khí HFC-23 chính là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất loại hóa chất mới HCFC-22 để thay thế cho khí CFC dùng chủ yếu trong điều hòa không khí và làm lạnh, perfluor carbon (PFCs) sinh ra từ quá trình sản xuất nhôm, hexafluoride lưu huỳnh (SF6) sử dụng trong vật liệu cách điện và trong quá trình sản xuất magiê. Với diện tích rừng đang ngày một bị thu hẹp, cộng với quá trình khai thác rừng không hợp lý chính là cơ hội để lượng carbon tích tụ ngày càng nhiều, lượng carbon tích trữ trong hệ sinh thái rừng thấp dẫn đến CO2 trong khí quyển tăng nhanh hơn và quá trình nóng lên toàn cầu diễn ra cũng nhanh hơn.

 
       Vị trí địa lý của Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, khoảng 1 triệu km2 lãnh hải, gần 3.000 hòn đảo gần bờ và 2 quần đảo xa bờ (Hoàng sa và Trường Sa) nên dễ bị ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu; nhiều vùng thấp hàng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô làm giảm diện tích đất nông nghiệp. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam đã tăng 0,70C, mực nước biển tăng 20 cm, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, hạn hán ngày càng diễn biến bất thường hơn trước. Nếu không có những giải pháp phù hợp và hiệu quả để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu thì hậu quả sẽ khó lường.


       Các giải pháp nhằm góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính như:


       - Tăng cường nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu thông qua công tác truyền thông, thông tin công cộng và giáo dục để thay đổi hành vi của cộng đồng, có ý thức góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.


       - Hạn chế khói thải các phương tiện giao thông, vận tải bằng cách quy định bắt buộc tiêu chuẩn xả khói thải của các phương tiện này. Khuyến khích thay đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) bằng xăng sinh học E5, nhiên liệu gas thân thiện với môi trường.


       - Trồng nhiều cây xanh (những cây hấp thụ nhiều khí CO2 trong quá trình quang hợp), trồng rừng và bảo vệ rừng nhằm giảm khí CO2 trong bầu khí quyển, giảm thiểu được phát thải khí nhà kính CO2.


       - Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, giảm bớt khí thải nhà máy, sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng bằng cách tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng đèn tiết kiệm điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện…) nhằm giảm bớt điện năng được sản xuất từ nhà máy nhiệt điện sử dụng các nhiên liệu hóa thạch thải ra khí CO2 lớn.


       - Khuyến khích sử dụng xe đạp, xe đạp điện nếu đi gần; sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho đi xe gắn máy sẽ giảm bớt khí thải ra môi trường.


       - Sử dụng khí sinh học biogas, bếp gas đun nấu thay cho bếp dầu, than đá, củi…

 

 

Việt Hồng
Tin liên quan