Cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển không ngừng, con người là nguồn lực có vai trò thúc đẩy tiến trình phát triển nhân loại và trí tuệ là bộ phận tiêu biểu nhất, quan trọng nhất trong thành tố của nền văn minh. Điều này cho thấy, vai trò trí thức ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng trong mọi nguồn lực của sự phát triển xã hội. | |
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước và trong bối cảnh toàn cầu hóa thì trí thức Việt Nam càng trở nên quan trọng, thực sự đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế tri thức. Trí thức Việt Nam nói chung, trí thức Tiền Giang nói riêng là hạt nhân để “tri thức hoá” đội ngũ lao động trong khối liên minh “Công - Nông - Trí” nhằm đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
Trong thời gian qua, trí thức Tiền Giang có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Đây là đội ngũ trực tiếp thứ nhất, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.
Cùng với dân tộc, trí thức Tiền Giang đã thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, có bản lĩnh vững vàng, có năng lực, tri thức tốt, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng góp phần giải quyết những khó khăn của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Luôn phát triển về số lượng và chất lượng trí tuệ không ngừng tăng lên ngày càng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển tỉnh nhà.
Theo số liệu điều tra, thống kê, tính đến tháng 12 năm 2015, Tiền Giang có trên 22.000 trí thức. Trong đó, 1.054 trí thức có trình độ sau đại học, bao gồm: 41 tiến sĩ (năm 2015 có 07 tiến sĩ tốt nghiệp), 580 thạc sĩ, 350 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I: 381 người. Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II: 52 người, được đào tạo từ nhiều nguồn. Đội ngũ cán bộ khoa học này có mặt ở tất cả các ngành kinh tế và các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự trưởng thành về số lượng của đội ngũ trí thức có trình độ cao ở tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Phần lớn, trí thức sau khi đào tạo đã được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, phát huy được trí tuệ, đã tạo được phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo, có nhiều công trình khoa học được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong các ngành kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục,…; đồng thời hằng năm có hàng chục công trình, hàng trăm sáng kiến trong quá trình lao động sản xuất được ứng dụng có hiệu quả.
Trong hai năm 2014 - 2015, tỉnh nhà có trên 250 đề tài, sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật được công bố, nghiệm thu đưa vào ứng dụng, đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, Hội đồng xét chọn đã chọn 10 công trình khoa học của 10 trí thức để xét tặng danh hiệu “Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu” của tỉnh Tiền Giang năm 2015.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để tập hợp, phát huy vai trò của trí thức trong nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo và cống hiến. Công tác trí thức được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức hoạt động và phát triển.
Hiện tại, Đội ngũ trí thức Tiền Giang tuy số lượng và chất lượng hàng năm có phát triển nhưng so với thực tiễn của sự phát triển về kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện ở địa phương có tính đột phá theo xu thế hội nhập quốc tế vẫn còn chưa đạt. Trí thức nghiên cứu khoa học cơ bản và chuyên gia đầu ngành còn ít; sự đóng góp của trí thức khoa học ứng dụng chưa mạnh nhất là những chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của địa phương, chưa ngang tầm với yêu cầu chiến lược phát triển bền vững.
Trí thức tỉnh nhà và điều kiện giao lưu trong nước và quốc tế chưa nhiều trong việc nghiên cứu, học tập nên chưa có nhiều công trình sáng tạo lớn, có khả năng thực hành và ứng dụng rộng rãi, các chương trình chưa tương xứng với nhu cầu phát triển trong đời sống, nhất là phục vụ sản xuất và dịch vụ theo chuẩn quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
Các công trình nghiên cứu khoa học trong tỉnh chưa có sự liên kết chặt chẽ với thế mạnh của đội ngũ trí thức trong tỉnh, trong khu vực nhằm quy tụ đội ngũ trí thức rộng rãi hơn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long hay cả nước hoặc quốc tế. Công tác tổ chức, quản lý, nhất là việc đánh giá, sử dụng đội ngũ trí thức ở địa phương cần cải tiến hợp lý để có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức đầu tư nghiên cứu, cống hiến, sáng tạo có kết quả tốt trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp.
Từ tình hình hoạt động thực tiễn về đội ngũ trí thức và trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết theo Hội nghị Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ X với xu thế hội nhập quốc tế, để tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức tỉnh nhà tiếp tục có nhiều cống hiến, đáp ứng những đòi hỏi trong công cuộc đổi mới hiện nay tại địa phương, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Câu lạc bộ trí thức tỉnh nhận thấy việc nâng cao trình độ nhận thức của xã hội về trí thức và vai trò của trí thức, chính là tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong đời sống xã hội. Bởi, khi nhận thức của xã hội được nâng lên đã thấy được vai trò của đội ngũ trí thức, là chúng ta đã tạo ra được một môi trường xã hội thuận lợi. Đây cũng chính là động lực tinh thần to lớn để phát huy mọi tiềm lực của xã hội trong việc đào tạo, phát triển, quy tụ đội ngũ trí thức. Nâng cao nhận thức của xã hội với trách nhiệm đào tạo, quy tụ đội ngũ trí thức đông về số lượng, mạnh về chất lượng, cần phải chú ý đến vai trò của các tổ chức chính trị và các nhóm xã hội, nhất là nhận thức trong cán bộ lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH địa phương và nâng cao nhận thức của chính bản thân đội ngũ trí thức.
Cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với đội ngũ trí thức là tất yếu, là nhân tố quyết định, động lực thúc đẩy lao động sáng tạo của trí thức.
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và quàn lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức cần được thể hiện rõ qua các biện pháp sau đây:
Một là, các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước và cán bộ quản lý các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng đối với trí thức theo nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hai là, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các hội xã hội - nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết, bảo vệ lợi ích và là diễn đàn dân chủ của đội ngũ trí thức trong điều kiện trí thức khoa học - công nghệ hoạt động tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau.
Ba là, vai trò của từng cá nhân và đội ngũ trí thức: bản thân trí thức phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong trao dồi, nâng cao năng lực của bản thân và tích cực tham gia đóng góp trí tuệ và công sức vào công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước, biến quá trình nhận thức của đội ngũ trí thức thành quá trình hoạt động tự giác, tích cực và sáng tạo. Đội ngũ trí thức phải gắn bó với nhân dân, giàu lòng yêu nước, có ý chí, hoài bão khoa học lớn làm giàu đất nước.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức họp mặt trí thức, vinh danh tiến sĩ và hai năm một lần, tổ chức tôn vinh những trí thức có những công trình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tiêu biểu góp phần cho sự phát triển tỉnh nhà. Đây là sự khẳng định, sự ghi nhận của Đảng, của nhà nước. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ cho hơn 22 ngàn trí thức của tỉnh, những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.