Trong những năm qua, nhờ biết phát huy tốt tiềm năng đất đai vùng Đồng Tháp Mười, nhiều nông dân đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng, có của ăn của để và cuộc sống ngày một ổn định. Ông Nguyễn Văn Phụng, cư ngụ tại ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước, Tiền Giang) là một tấm gương lao động sản xuất hiệu quả, có nhiều đóng góp vào sự đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên vùng đất mới Tiền Giang từng một thời hết sức khó khăn. | |
Ông Nguyễn Văn Phụng thu hoạch khoai mỡ |
Ông Nguyễn Văn Phụng vào lập nghiệp ở xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) từ năm 1992. Hiện ông sở hữu 3 ha đất trong đó có 1,5 ha đất trồng dứa (khóm) và 1,5 ha đất còn lại trồng khoai mỡ. Đây là những cây trồng đặc hữu, thích hợp thổ nhưỡng Đồng Tháp Mười, hiệu quả kinh tế cao bởi đầu ra thuận lợi. Ông cho biết, khoai mỡ dễ trồng, trong vụ Đông Xuân năm nay ít bị sâu bệnh tấn công, chi phí thấp. Nhờ chăm sóc tốt, trà khoai đạt năng suất trên 10 tấn/ ha. Khoai mỡ của ông rất tốt, củ to và suôn, được thương lái mua tại ruộng giá 9.000 đến 9.500 đ/kg. Tính ra với 1,5 ha ông đạt sản lượng 15 tấn củ, bán thu khoảng 135 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng.
Đối với cây dứa (khóm), diện tích trồng 1,5 ha. Nếu trước đây, theo tập quán cũ nông dân thường trồng dày, ít đầu tư chăm sóc theo khoa học kỹ thuật, trồng thu hoạch liên tiếp từ 5 đến 6 vụ, khi cây đã quá già cỗi cho năng suất thấp, hiệu quả không cao thì ngày nay những người nông dân như ông Nguyễn Văn Phụng chú tâm áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh khoa học cho hiệu quả cao. Cụ thể, dùng cơ giới để làm đất, trồng không quá dày, áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh khoa học, sau 2 – 3 năm thu hoạch thì cải tạo trồng lại mới… Đây có thể được xem như một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực trồng và thâm canh cây dứa (khóm) – một trong những cây trồng đặc hữu của vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, dứa trồng đạt năng suất bình quân 20 tấn/ ha trở lên. Trong năm qua, giá dứa đạt khá cao, bình quân 5.000 đ/kg, có thời điểm giá vọt lên trên 8.000 đ/kg, nông dân hưởng lợi lớn. Gia đình ông với 1,5 ha dứa, mỗi năm thu hoạch đạt sản lượng trên 30 tấn quả, bán thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Nếu tính chung các nguồn lợi từ khoai mỡ, dứa, hoa màu khác, mỗi năm gia đình ông đạt giá trị sản lượng từ gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi không dưới 160 triệu đồng.
Ông Phụng hết sức vui mừng bày tỏ, từ khi hưởng ứng chủ trương của nhà nước vào khai hoang lập nghiệp tại Thạnh Mỹ, nhờ cần cù, chịu khó lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh các cây trồng đặc sản, gia đình tôi đã có của ăn của. Trong những ngày tới, sau khi thu hoạch khoai mỡ xong, ông triển khai kế hoạch làm đất trồng lại bầu. Trồng bầu trong vụ hè thu này mang lại hai mối lợi lớn: vừa thu hoạch quả vừa thu hoạch ngọn bầu bán cũng được giá rất cao, từ 8.000 đ đến 10.000 đ/kg ngọn bầu, hứa hẹn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể. Ông Phụng cho biết, theo kinh nghiệm của ông, trồng bầu trên đất trồng khoai mỡ vụ trước rất tốt vừa tạo ra cơ cấu luân canh khoai mỡ và màu thực phẩm phù hợp giúp cải tạo, duy trì độ phì nhiêu của đất canh tác. Đây cũng là một trong những bí quyết thành công nhiều năm nay của ông Nguyễn Văn Phụng trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, trong tình hình khô hạn và xâm nhập mặn khắt nghiệt năm nay thì trồng màu trong vụ hè thu ăn chắc, vừa tiết kiệm được nguồn nước bơm tưới, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra – Ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định.
Ông Cao Văn Sáng, chủ tịch hội nông dân xã Thạnh Mỹ đánh giá cao tấm gương lao động sáng tạo của lão “nông tri điển” Đồng Tháp Mười Nguyễn Văn Phụng. Ông Sáng cho biết, mô hình trồng dứa, khoai mỡ trên vùng đất mới mà ông Phụng đeo đuổi nhiều năm nay không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tỏ ra thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn ngày càng gay gắt như hiện nay nhờ không cần nhiều nước tưới tiêu như trồng cây lúa. Đây là một trong những ưu điểm vượt trội.
Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, trong vụ Đông Xuân 2015 – 2016, toàn huyện đã trồng được trên 400 ha khoai mỡ. Năng suất thu hoạch đạt 11 tấn/ ha và sản lượng 4.290 tấn. Nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh cây khoai mỡ mà nhiều nông dân địa phương đã dựng nên cơ nghiệp vựng vàng mà ông Nguyễn Văn Phụng là một nông dân điển hình. Ông Phụng đã nêu tấm gương lao động sản xuất hiệu quả, là nhân tố thúc đẩy vùng Đồng Tháp Mưởi hôm nay đổi mới, giàu có và thịnh vượng hẳn lên, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.