Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi – Nhu cầu bức bách để thích ứng biến đổi khí hậu
(Ngày đăng: 04/05/2016)
Tiền Giang có 83.000ha diện tích canh tác lúa, năng suất bình quân 5,98 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1.340.000 tấn lương thực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ trông cậy vào cây lúa nông dân thật khó làm giàu. Nhất là trong tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn ngày càng bất lợi, thiên tai khó lường. Chỉ tính trong vụ Đông Xuân 2015 – 2016, hạn mặn đã khiến trên 3.500 ha lúa bị thiệt hại chưa kể các loại hoa màu và cây trồng khác.

 

       Vì vậy, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng vừa thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa cần được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trước mắt cũng như lâu dài.


       Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa để khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn; cây trồng vật nuôi chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Mặt khác, còn phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người dân. Từ đó giúp họ làm giàu trên mảnh đất của mình một cách bền vững.


       Chủ trương đúng, chính sách hay được các cấp, các ngành chung tay thực hiện và nhân dân hưởng lợi nhiệt tình hưởng ứng, đi vào đời sống, tạo chuyển biến mới trên lĩnh vực sản xuất vừa đưa diện mạo nông nghiệp – nông thôn – nông dân Tiền Giang ngày một khởi sắc. Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang là một trong những đơn vị đã có nhiều nỗ lực vượt khó xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua tuyên truyền khuyến nông, tập huấn, hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn….


       Trong năm 2015 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức trên 550 cuộc tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật thu hút trên 16.500 lượt nông dân trong đó riêng lĩnh vực trồng màu có 52 cuộc với 1.590 nông dân đồng thời xây dựng 7 mô hình trình diễn kỹ thuật về trồng rau VietGAP với 141 hộ nông dân tham gia trên diện tích 38 ha. Hiệu quả mang lại rất tốt. Hiện nay, có 3 cơ sở sản xuất rau có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định. Cụ thể, HTX rau an toàn Gò Công tiêu thụ 3 - 3,5 tấn sản phẩm ngày; HTX rau an toàn Tân Đông và Tổ hợp tác rau an toàn Thạnh Hòa (Gò Công Tây) tiêu thụ bình quân 1 đến 2 tấn/ ngày với giá sàn cao hơn thị trường 500 - 1.000 đ/kg. Nông dân xã viên rất phấn khởi. Đây cũng là ba đơn vị kinh tế hợp tác trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng màu, tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu, giảm nhẹ được thiên tai hạn mặn trong thời gian qua.


       Thực tế cho thấy, trong năm 2015, diện tích trồng màu luân canh trên nền đất lúa toàn tỉnh đạt hơn 10.000 ha với nhiều loại rau màu gồm: Dưa leo, cà chua, đậu bắp, đậu que, bắp và rau các loại. Thông thường, bà con trồng lồng ghép trong các mô hình: 2 lúa + 1 màu, 1 lúa + 2 màu; chuyên rau, màu dưới chân ruộng…Ngoài ra còn kết hợp trồng lúa và ương nuôi thủy sản theo cơ cấu mùa vụ: Lúa + 3-4 vụ ương thủy sản/ năm; lúa kết hợp nuôi thủy sản/ năm. Mô hình giúp tăng lợi nhuận từ 2-3 lần trở lên so với trồng độc canh cây lúa truyền thống.


       Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì lợi nhuận tăng thêm là do giảm thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại; luân canh cây trồng góp phần cắt đứt nguồn lây lan của sâu bệnh trên lúa, giảm sự cạnh tranh của cỏ dại và cải tạo các đặc tính sinh hóa đất trong hệ thống luân canh, bồi dưỡng đất, gia tăng năng suất cây lúa vụ sau. Ngoài ra, luân canh màu trên nền đất lúa còn rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo cơ cấu và lịch thời vụ, giúp nông dân vượt qua khó khăn do thời tiết, biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả cao.


       Tùy theo địa bàn và thổ nhưỡng, mỗi địa phương, mỗi vùng và tiểu vùng chọn những mô hình và cây trồng vật nuôi phù hợp đưa xuống chân ruộng. Huyện Cai Lậy chọn cây dưa hấu là một trong những cây màu chủ lực; huyện Tân Phước trồng khoai mỡ; huyện Chợ Gạo trồng bắp và rau màu; huyện Tân Phú Đông hàng năm đối mặt với khô hạn và nhiễm mặn đã hình thành được vùng trồng sả và áp dụng mô hình tôm + lúa…


       Thành công với mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ dưa hấu có anh Nguyễn Văn Lành, xã Thạnh Lộc (Cai Lậy). Anh chia sẽ: Trước đây, trồng lúa 3 vụ/ năm chi phí lớn, công cán bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao. Từ khi đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng theo cơ cấu 2 lúa + 1 dưa hấu, kinh tế khá lên thấy rõ. Cụ thể, mô hình có lợi nhuận khoảng 90 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi trồng 3 vụ lúa. Tương tự, mô hình luân canh cây bắp trên nền đất lúa tại xã Bình Nhì (Gò Công Tây) có lợi nhuận gấp 1,5 lần trồng lúa, khoảng 23 triệu đồng/ha/1 vụ.


       Ở xã Tân Hòa Đông (Tân Phước), nhiều năm nay có anh Lê Việt Hà nổi tiếng giỏi trồng khoai mỡ trên đất phèn. Gia đình anh có 2 ha đất ruộng nhiễm phèn, trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh. Hưởng ứng chủ trương nhà nước đồng thời thấy khả năng phát huy tiềm năng đất đai nơi đây để trồng khoai mỡ, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo cơ cấu 1 vụ khoai mỡ + luân vụ đậu phộng, ớt hoặc hoa màu khác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao. Mỗi năm, anh thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng, trở thành một trong những nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu nhiều năm liền trên miền đất mới.


       Tân Phú Đông là huyện cù lao tiếp giáp với biển Đông. Tùy địa bàn, có nơi mỗi năm phải chịu đựng từ 6 đến 9 tháng xâm nhập mặn còn hạn hán và thiếu nước sinh hoạt, sản xuất là câu chuyện thường xuyên. Trong “cái khó ló cái khôn”, nhiều năm nay, được sự khuyến khích của ngành nông nghiệp, nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sả tại những địa bàn đặc biệt khó khăn. Vậy mà thành công lớn. Nhiều nông hộ từ chỗ chạy ăn từng bữa đã trở nên khấm khá, trở thành điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi. Nói chung là đổi đời.


       Theo khảo sát, diện tích sả tại Tân Phú Đông đã mở rộng lên gần 700 ha, trở thành vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang, sản lượng mỗi năm hàng chục tấn sản phẩm cung ứng thị trường. Cán bộ kỹ thuật đánh giá, giá thành trồng sả khoảng 1.500-2.000 đồng/kg, nếu giá bán dao động khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg thì người trồng sả lãi rất cao, khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ, gấp 5-6 lần trồng một vụ lúa.


       Mô hình lúa kết hợp thủy sản đã khẳng định được hiệu quả vượt trội tại những vùng đất khó như: huyện đầu nguồn vùng lũ Cái Bè hoặc huyện giáp biển nhiễm mặn triền miên Tân Phú Đông cùng nhiều nơi khác. Cụ thể: ở xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) có 100ha sản xuất 1vụ lúa Đông Xuân + 3 - 4 vụ ương cá giống lợi nhuận cao gấp hai đến ba lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa.


       Ông Âu Văn On chủ tịch Chi hội nghề cá xã nói: thông qua Chi hội nghề cá xã mà bà con yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định, hàng năm cung ứng cho thị trường gần 900 triệu con cá bột, trên 400 tấn cá giống các loại, định hình được cánh đồng 100 triệu đồng/ha trên vùng ngập lũ Tiền Giang.


       Rõ ràng, nông dân sản xuất nông nghiệp trên vùng đất nghèo khó ngày nào giờ đã được thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn được đổi mới, đường sá được bê tông hóa để thuận tiện giao thương buôn bán, những căn nhà lá trước đây được thay bằng những căn nhà kiên cố, khang trang. Đời sống nông dân sung túc đầy đủ hơn.


        Hay mô hình kết hợp 3 vụ lúa và 1 vụ nuôi cá thịt có lợi nhuận gấp đôi so với trồng 3 vụ lúa từ 80-100 triệu đồng/ha, đến nay có khoảng 45 ha thực hiện mô hình này. Ông Huỳnh Văn Bích xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) khẳng định mô hình này đã giúp bảo vệ môi trường do ít sử dụng phân thuốc, tạo ra sản phẩm cá và lúa an toàn, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.


       Mô hình tôm + 1vụ lúa (vụ thu đông) có nhiều triển vọng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất nghèo khó Tân Phú Đông. Anh Nguyễn Văn Hải, xã Phú Tân đi tiên phong áp dụng mô hình chia sẽ: sau một năm sản xuất anh thu được 85 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi gần 60 triệu đồng/ha cao gấp 3 lần trồng lúa; trên bờ ruộng anh còn tận dụng trồng rau màu, sả, cỏ chăn nuôi đã góp phần tăng thu nhập khoảng 10-20 triệu đồng/năm. Thời gian qua mô hình này đã góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh cũng như người dân ở đây.


       Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, diện tích tôm + lúa tại địa phương đã mở rộng lên gần 600 ha, tại các xã ven biển: Phú Đông, Phú Tân. Nhờ áp dụng mô hình mới, hiệu quả, nông thôn Tân Phú Đông đổi thay mạnh mẽ.


       Mặc dù đạt một số kết quả khả quan nhưng phải nhìn chung, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn hạn chế: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung; trình độ nông dân không đồng đều giữa các vùng; trong quy hoạch phát triển các loại cây trồng vật nuôi còn bị phá vỡ, thiếu tính bền vững do thị trường đầu ra nông sản không ổn định; liên kết thị trường và tính cạnh tranh sản phẩm còn hạn chế, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng một thời điểm; nhiều mặt hàng có nhu cầu cao có thể sản xuất như bắp, đậu, rau,… nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ và chất lượng chưa cao nên chậm thay thế hàng nhập khẩu (như nhập bắp làm thức ăn chăn nuôi…). Do đó, tuy năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi có tăng hàng năm nhưng hiệu quả và lợi nhuận đem lại cho người nông dân vẫn chưa tương xứng.


       Vì lẽ đó, để việc chuyển đổi này được hiệu quả, ổn định, bền vững cần quan tâm những vấn đề sau:


       - Cần tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo qui hoạch, kế hoạch, qui mô diện tích của từng địa phương theo lộ trình, để địa phương có căn cứ triển khai; chuyển nhanh, chuyển mạnh diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và nuôi thủy sản.


       - Chuyển đổi cần bố trí mùa vụ hợp lý, nhóm cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái, cây trồng chuyển đổi có sức cạnh tranh cao, thay thế dần nhập khẩu như bắp, đậu phộng, khoai lang…


       - Đặc biệt chú trọng đến tác động của biến đổi khí hậu với quy hoạch, bố trí phát triển sản xuất trong điều kiện diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp như chọn cây trồng ít sử dụng nước hơn, chịu đựng được hạn mặn phèn, đồng thời cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp với mô hình chuyển đổi.


       - Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cơ sở đầu tư mạnh về: giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo GAP, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo hiểm nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân.


       - Tăng cường công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ, năng lực đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp.


       - Hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất để tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


       - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập cao.


       - Nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất giỏi trên lĩnh vực chuyển đổi này.


       - Đặc biệt là chuyển đổi phải phù hợp với chủ trương của nhà nước theo Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT ngày 08/11/2013 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế - xã hội trên cùng một diện tích đất và đây là mô hình sinh thái bền vững giúp giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn.


       Thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa và từng bước góp phần giảm áp lực xuất khẩu lúa gạo, giảm áp lực nhập khẩu bắp, đậu. Đặc biệt, năm 2016, thiên tai hạn mặn diễn ra trên diện rộng và gây thiệt hại lớn không chỉ riêng các tỉnh Nam bộ trong đó có Tiền Giang mà còn nhiều địa phương trên cả nước chưa kể các nước trong khu vực Đông Nam Á. Biến đổi khí hậu nhanh, phức tạp, thiên tai hoành hành ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân nhưng đồng thời cũng cho thấy việc chuyển dịch sản xuất để thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt đã trở nên hết sức bức bách.


       Những thành tựu thu lượm được từ việc xây dựng và nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa là vốn quí để Tiền Giang tiếp tục triển khai ra diện rộng trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, việc nhân rộng các mô hình, mở rộng diện tích cây trồng vật nuôi trên nền đất lúa gắn với tiêu thụ theo quy mô cánh đồng lớn sẽ giúp bà con yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, góp phần làm giàu cho nông hộ nói riêng và quê hương Tiền Giang nói chung.

 

Nguyễn Thị Phương Dung
Tin liên quan