Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất do khoa học công nghệ là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác và có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội nghị “Chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào khai thác thủy sản” vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Cà Mau. | |
Bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác (ảnh chụp phường 2, Tp Mỹ Tho, Tiền Giang) |
Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và bà con ngư dân đã góp phần làm cho năng suất và chất lượng sản phẩm của nghề khai thác thủy sản cải thiện đáng kể. Từ một nghề cá thủ công thì nay đã dần chuyển sang nghề cá công nghiệp, khai thác thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu ngư dân ven biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên vùng biển, đảo nước ta. Tuy nhiên, nghề khai thác hải sản vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tàu cá nước ta vẫn còn lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trang bị và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Theo các đại biểu tham gia Hội nghị, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này là do thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ chậm được phổ biến và ít có mô hình thực tiễn để ngư dân làm theo, đối với ngư dân thì còn thận trọng do đầu tư mới phải cần vốn và thời gian đầu tư để thay đổi, còn nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ khai thác thủy sản chưa tiếp cận được đến người dân. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân còn yếu. Do đó, để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản trong thời gian tới, cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng cơ chế gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, chủ tàu, ngân hàng để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao; Tạo liên kết chuỗi trong khai thác để tạo động lực cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc du nhập, nghiên cứu công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn giới thiệu, hướng dẫn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong khai thác hải sản.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Mục tiêu của ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản là nâng cao giá trị gia tăng, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác chọn lọc nhằm phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng, khắc phục tình trạng tổn thất trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Để việc ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác thủy sản đạt hiệu qua cao, Thứ trưởng Vũ Văn tám chỉ đạo: Trong thời gian sớm nhất, Tổng cục Thủy sản cần tập hợp, biên tập các tài liệu về tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản, gửi cho các địa phương và phổ biến, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngư dân có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và tốt nhất… Đồng thời, rà soát các chính sách hiện có như: Nghị định 67, Nghị định 89, Quyết định 68... để giúp ngư dân tiếp cận được chính sách một cách thuận lợi nhất. Rà soát chương trình đào tạo, tập huấn cho ngư dân, phối hợp với các trường bổ sung nội dung về đào tạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khung chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.
Trung tâm khuyến nông quốc gia cần tập trung cho các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học trong khai thác thủy sản. Viện Nghiên cứu Hải sản tổng hợp và cập nhật các ứng dụng tiên tiến trên thế giới, khu vực để có thể chuyển giao, nhân rộng ra các địa phương. Các doanh nghiệp cần cung cấp những thông tin cần thiết như hiệu quả, giá cả của từng ứng dụng công nghệ mới để ngư dân có thể lựa chọn một cách phù hợp, đồng thời phối hợp với các Trung tâm, Viện, Trường để đào tạo, hướng dẫn sử dụng công nghệ mới. Các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng tiến bộ phù hợp địa phương, triển khai tốt các chính sách nhà nước đã ban hành. Các địa phương cần đề xuất những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cập nhật các tiến bộ công nghệ để hướng dẫn cho ngư dân, ưu tiên hướng dẫn trực tiếp trên tàu cá.