LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BAN TỔ CHỨC HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 02/TL-HTSTKT Tiền Giang, ngày 27 tháng 01 năm 2016
THỂ LỆ
HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG
LẦN THỨ XII (2016 - 2017)
Thực hiện Công văn số 4588/UBND-NC, ngày 25/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc thành lập Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016-2017), Ban Tổ chức Hội thi thống nhất ban hành Thể lệ Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016 - 2017), bao gồm những điều, khoản sau:
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
1. Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (sau đây gọi tắt là Hội thi) được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Hội thi nhằm tuyển chọn các giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
3. Các giải pháp kỹ thuật đoạt giải cao trong Hội thi được làm cơ sở để xét tôn vinh tác giả là “Trí thức khoa học – công nghệ tiêu biểu” của tỉnh.
Điều 2. Cơ quan tổ chức
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang phối hợp tổ chức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang là cơ quan thường trực tổ chức Hội thi.
Điều 3. Lĩnh vực thi
Tất cả các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng đều có quyền tham dự Hội thi. Các giải pháp dự thi đăng ký theo 6 lĩnh vực sau đây:
1. Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử, Viễn thông;
2. Cơ khí - Tự động hoá, Xây dựng, Giao thông vận tải;
3. Nông lâm ngư nghiệp, Tài nguyên - Môi trường;
4. Y dược;
5. Giáo dục - đào tạo;
6. Các lĩnh vực khác (Công nghệ sinh học, vật liệu, năng lượng, an ninh-quốc phòng…).
Điều 4. Đối tượng dự thi
1. Mọi cá nhân không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp, có các giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh tế - xã hội được tạo ra và áp dụng tại tỉnh Tiền Giang đều được tham dự Hội thi.
2. Mọi tổ chức đã đầu tư để tạo ra giải pháp kỹ thuật đều được đứng tên tham dự Hội thi. Trong trường hợp này, những người trực tiếp tham gia sáng tạo ra giải pháp kỹ thuật được tổ chức đứng tên dự thi đăng ký là tác giả hoặc nhóm tác giả của giải pháp kỹ thuật dự thi.
Điều 5. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi
1. Tính mới, tính sáng tạo so với các giải pháp đã có ở Tiền Giang (hệ số 3): Giải pháp dự thi không trùng với giải pháp đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào có ở Việt Nam hoặc đã được áp dụng ở Tiền Giang trước ngày nộp hồ sơ.
2. Khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của Việt Nam (hệ số 3): Giải pháp dự thi đã được áp dụng hoặc đã được thử nghiệm, sản xuất thử và được chứng minh khả năng áp dụng có hiệu quả.
3. Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - xã hội (hệ số 4): Giải pháp mang lại lợi ích kinh tế - kỹ thuật - xã hội cao hơn so với giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội.
Điều 6. Hồ sơ dự thi (trình bày trên khổ giấy A4)
Hồ sơ dự thi gồm hai bộ, bao gồm phiếu đăng ký dự thi, bản mô tả giải pháp dự thi và toàn văn giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật ghi tại Điều 3 của Thể lệ này.
1. Phiếu đăng ký dự thi (ghi theo mẫu – có dán ảnh 3x4) gồm các nội dung sau:
- Họ và tên người dự thi hoặc tên tổ chức dự thi;
- Địa chỉ nơi làm việc hoặc nơi cư trú, điện thoại liên hệ;
- Nghề nghiệp của tác giả hoặc nhóm tác giả (ghi riêng từng cá nhân);
- Tên giải pháp dự thi;
- Lĩnh vực dự thi;
- Thời điểm tạo ra giải pháp (ghi ngày, tháng, năm);
- Văn bản thỏa thuận của các đồng tác giả về phần trăm đóng góp và ủy quyền cho 01 (một) người đứng ra làm đại diện dự thi nếu giải pháp do nhóm tác giả tạo ra;
- Cam đoan của người dự thi về những điều ghi trong hồ sơ dự thi là đúng sự thật;
- Xác nhận của tổ chức cho phép dự thi nếu tác giả dự thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể nêu tại Điều 4, hoặc xác nhận của địa phương nơi tác giả cư trú.
2. Bản mô tả giải pháp dự thi:
- Tên giải pháp dự thi: ghi như tên đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi;
- Mô tả giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có): mô tả ngắn gọn các giải pháp kỹ thuật đã biết trước ngày tạo ra giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của các giải pháp đó;
- Mục đích của giải pháp: nhằm khắc phục những nhược điểm, hạn chế nào? tính năng, khả năng ứng dụng, triển khai;
- Mô tả giải pháp dự thi:
+ Thuyết minh tính mới của giải pháp dự thi: Giải pháp không trùng và khác với giải pháp đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào có ở Việt Nam hoặc đã được áp dụng ở Tiền Giang trước ngày nộp hồ sơ;
+ Mô tả giải pháp kỹ thuật: ngắn gọn, nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp dự thi. Đặc biệt, cần nêu rõ đã khắc phục những nhược điểm nào, sáng kiến cải tiến những chỉ tiêu nào của giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có) hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới; bản mô tả giải pháp có kèm theo bản vẽ, sơ đồ, hình ảnh, các tính toán minh họa;
- Khả năng áp dụng: được chứng minh thông qua sản xuất thử, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng bán hàng hoặc hóa đơn bán hàng;
- Lợi ích kinh tế - kỹ thuật - xã hội: được đánh giá bằng cách so sánh với những giải pháp tương tự đã biết. Cần nêu rõ những chỉ tiêu kinh tế mà giải pháp dự thi mang lại cao hơn giải pháp đã biết hoặc nêu rõ những khiếm khuyết đã được khắc phục của những giải pháp đã biết mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, trật tự an ninh xã hội. Cụ thể như sau:
+ Hiệu quả kinh tế: của giải pháp dự thi là lợi ích trực tiếp có thể thu được do áp dụng giải pháp mới vào sản xuất. Có bảng tính toán kinh tế so với giải pháp cũ hoặc so với những giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam;
+ Hiệu quả kỹ thuật: thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó;
+ Hiệu quả xã hội: cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động...;
- Bản nhận xét hoặc tự đánh giá giải pháp, hoặc biên bản ghi kết quả ứng dụng, thực nghiệm, hoặc giấy xác nhận của cộng đồng (có ký tên và đóng dấu xác nhận).
3. Toàn văn giải pháp dự thi: Cần nêu cụ thể quá trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi hoàn thành giải pháp. Tác giả gửi kèm theo mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, ảnh chụp từ các góc độ khác nhau, hợp đồng kinh tế, hợp đồng triển khai và các tài liệu có liên quan khác (nếu thấy cần thiết). Các tài liệu cần được trình bày rõ ràng, không tẩy xóa.
Điều 7. Nộp, nhận hồ sơ dự thi
1. Các huyện, thị, thành: nộp hồ sơ dự thi tại Ban Tổ chức Hội thi (Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy; Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện).
2. Ban Tổ chức Hội thi các huyện, thị, thành xét chọn, nộp hồ sơ dự thi cho Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh theo địa chỉ:
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang
Số 27/9, Nguyễn An Ninh, phường 8, TP Mỹ Tho
Điện thoại: 073.3970171, Fax: 073. 3970313
Email: lienhiephoikhkt@tiengiang.gov.vn , Website: www.tusta.com.vn
3. Thời hạn nhận, xét duyệt giải pháp và trao giải thưởng Hội thi:
- Thời hạn nhận hồ sơ dự thi chia làm hai đợt: Đợt 1 bắt đầu từ khi công bố Hội thi đến hết ngày 30/11/2016 và đợt 2 từ ngày 01/12/2016 đến hết ngày 30/6/2017 ;
- Sơ kết Hội thi đợt 1 tháng 12/2016;
- Chấm các giải pháp dự thi 2 đợt tháng 07/2017;
- Công bố giải pháp được chọn vào chung khảo và xét giải tháng 8/2017;
- Lễ tổng kết trao giải thưởng tháng 10/2017.
4. Hồ sơ được tiếp nhận và lưu trữ cho tới ngày công bố kết quả Hội thi.
5. Hồ sơ dự thi sẽ không trả lại. Riêng sản phẩm hoặc mô hình được trả lại sau khi Hội thi kết thúc nếu người dự thi yêu cầu.
Điều 8. Đánh giá giải pháp dự thi
Mọi giải pháp dự thi đều qua sơ tuyển để xác định danh sách chính thức được chấp thuận đưa vào chấm điểm và xét giải.
Ban Giám khảo do Ban Tổ chức Hội thi thành lập. Việc đánh giá được thực hiện bằng cách cho điểm từng tiêu chuẩn theo thang điểm do Ban Tổ chức Hội thi quy định.
Điều 9. Giải thưởng
- 03 Giải nhất, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng
- 03 Giải nhì, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng
- 03 Giải ba, mỗi giải trị giá 07 triệu đồng
- 21 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 03 triệu đồng
- 05 giải tập thể, mỗi giải trị giá 01 triệu đồng
Các tác giả đoạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba) được Ban Tổ chức Hội thi đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động, phổ biến Hội thi được Liên hiệp Hội tặng Giấy khen.
Các tác giả đoạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba) trong lứa tuổi thanh niên sẽ được Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang tặng Giấy khen.
Các tác giả đoạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba) trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang tặng Giấy khen.
Các giải pháp kỹ thuật đoạt giải sẽ được tuyển chọn tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Điều 10. Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Ban Giám khảo
1. Ban Tổ chức Hội thi bao gồm đại diện Lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang và một số Sở, ngành hữu quan. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức Hội thi thay mặt bốn cơ quan phối hợp tổ chức Hội thi ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Hội thi, Thể lệ Hội thi, Ban Thư ký, Tổ Công tác Hội thi, Ban Giám khảo và Quy định về chấm điểm, đánh giá các giải pháp dự thi.
2. Ban Thư ký Hội thi giúp Ban Tổ chức Hội thi triển khai các hoạt động của Hội thi trên phạm vi toàn tỉnh.
3. Ban Giám khảo gồm các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực dự thi giúp Ban Tổ chức Hội thi trong việc xem xét, đánh giá các giải pháp dự thi.
Điều 11. Tài chính
1. Kinh phí dành cho Hội thi gồm các nguồn sau:
- Ngân sách nhà nước của tỉnh;
- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân (nếu có).
2. Kinh phí dành cho Hội thi được chi cho các nội dung sau
- Chi thưởng cho các giải pháp đoạt giải thưởng, các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động, tổ chức và tham gia Hội thi;
- Tổ chức triển khai các hoạt động Hội thi.
Điều 12. Bảo hộ sở hữu công nghiệp
Việc tham gia Hội thi không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Khi phát hiện thấy giải pháp cần được bảo hộ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp…), Ban Tổ chức sẽ thông báo cho người dự thi lập hồ sơ yêu cầu được bảo hộ. Các giải pháp đủ điều kiện bảo hộ sở hữu công nghiệp sẽ được hướng dẫn đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Tại các cơ quan tỉnh:
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động và các Sở, ngành là thành viên Ban Tổ chức Hội thi có công văn chỉ đạo ngành mình tích cực tham gia Hội thi. Việc chỉ đạo này cần cụ thể để Hội thi được phổ biến sâu rộng và có nhiều giải pháp tham dự Hội thi.
2. Tại các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chủ trì cùng với các tổ chức như Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động và các ban ngành có liên quan thành lập Ban Tổ chức Hội thi ở địa phương. Ban Tổ chức Hội thi có trách nhiệm tuyên truyền vận động tham dự Hội thi, hướng dẫn viết hồ sơ dự thi, tiếp nhận các hồ sơ (giải pháp sáng tạo kỹ thuật) để lựa chọn giải pháp tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh.
Điều 14. Điều khoản thi hành
Bản Thể lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa hợp lý, thường trực Ban thư ký Hội thi tổng hợp và trình Ban Tổ chức Hội thi xem xét, sửa đổi cho phù hợp thực tế.
TM. BAN TỔ CHỨC HỘI THI LẦN THỨ XII
TRƯỞNG BAN
(Đã ký)
Trần Hoàng Diệu
Chủ tịch, Liên hiệp các Hội KH & KT