Tài nguyên nước được sử dụng trong nhiều cách khác nhau bao gồm tiêu thụ trực tiếp của con người (tắm, giặt, vệ sinh, chế biến thực phẩm…), tưới tiêu nông nghiệp, thủy sản, thủy điện, sản xuất công nghiệp, giải trí, giao thông, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và chất thải công nghiệp. | |
Sông Tiền đoạn qua thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang |
97% nước trên trái đất là nước muối và có khoảng 3% là nước ngọt. Nếu không có nước ngọt, chúng ta sẽ không có không khí trong sạch, lương thực, nước uống và nhiều lợi ích khác. Do vậy, chúng ta cần phải quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ sản xuất và đời sống phát triển một cách bền vững. Nước là một động lực chính của sự phát triển kinh tế và xã hội trong khi nó cũng có một chức năng cơ bản trong việc duy trì sự toàn vẹn của môi trường tự nhiên và cần thiết cho sự sống tồn tại.
Trên thế giới, việc sử dụng nước lớn nhất là để làm thủy lợi 70%, trong khi ngành công nghiệp sử dụng 20%, và số còn lại 10% được sử dụng cho tiêu dùng trực tiếp. Tỷ lệ có thể thay đổi rất nhiều từ vùng này sang vùng khác tùy thuộc vào lượng mưa tự nhiên và mức độ phát triển, cùng dân số con người trong khu vực.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, cả về số lượng và chất lượng nguồn nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa nhiều hơn hoặc ít hơn trong các khu vực khác nhau và các sự kiện thời tiết cực đoan hơn. Ngoài vấn đề về số lượng nước, còn có những vấn đề về chất lượng nước; ô nhiễm nguồn nước đang đặt ra vấn đề lớn cho người sử dụng nước cũng như cho việc duy trì các hệ sinh thái tự nhiên.
Hiện trạng về tài nguyên nước ở Việt Nam cũng giống như một số nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức lớn về nạn ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp và đô thị. Hiện nay, chất lượng nước ở vùng thượng lưu của các con sông chính còn tương đối tốt; tuy nhiên ở các vùng hạ lưu đã và đang có nhiều vùng bị ô nhiễm nặng nề. Đặc biệt mức độ ô nhiễm tại các con sông tăng cao vào mùa khô khi lượng nước đổ về các con sông giảm; chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như: oxy sinh hóa BOD5 (Biochemical Oxygen Demand), oxy hóa học COD (Chemical Oxygen Demand), amoni NH4+, Nitrat NO3-, Phosphat PO43- cao hơn tiêu chuẩn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt nhiều lần. Nguồn nước dưới đất (nước ngầm) cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác...; đồng thời việc khai thác nước dưới đất quá mức và thiếu quy hoạch đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp; ở các vùng ven biển khai thác nước dưới đất quá mức cũng sẽ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở các tầng nước ngầm.
Ở Tiền Giang nước sông Tiền đoạn qua khu, cụm công nghiệp cũng bị ô nhiễm nguồn nước do một vài doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ, sợ tốn kém chi phí xử lý nước thải, không xử lý đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, đã lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý một phần ra sông Tiền nên gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngày nay, với sự gia tăng nhanh về dân số, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng đã làm tăng sự ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Nguyên nhân là do sự xả rác thải, nước thải, chất thải bừa bãi từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), công nghiệp, giao thông vận tải, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người ngày càng tăng mà không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách gây ô nhiễm đến nguồn nước và môi trường. Nước cần thiết cho cuộc sống nhưng cũng là phương tiện làm lan truyền bệnh, làm cho sức khỏe suy yếu và có thể dẫn đến tử vong. Theo tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường.
Giải pháp tránh lãng phí và gây ô nhiễm tài nguyên nước
1/ Một số giải pháp xử lý nước đơn giản như: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái, phát triển cây xanh đô thị.
2/ Các giải pháp trong nông nghiệp như: quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho từng tiểu vùng cần phải xét đến tính phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác, nguồn nước cấp, mức tăng trưởng dân số trong những năm tiếp theo. Chú ý hạn chế việc xuống cấp của các hệ thống thủy lợi và lãng phí nước trong tưới tiêu.
3/ Các ngành sử dụng nước cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… cũng cần có chương trình sử dụng nước tiết kiệm. Đối với thủy điện thì cần có quy trình vận hành hợp lý để vừa đảm bảo yêu cầu ngành điện, đồng thời phục vụ các yêu cầu sử dụng nước ở hạ lưu, cũng như duy trì dòng chảy sinh thái.
4/ Việc xử lý rác thải và nước thải không đúng cách là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường, chúng ta cần có những giải pháp xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước và môi trường như:
- Đối với hộ gia đình: Quét dọn nhà cửa hàng ngày, đổ rác đúng nơi quy định, phân loại và thu gom vào nơi quy định để tái chế hoặc đem đi xử lý. Ở nông thôn có thể xử lý rác bằng cách chôn, đốt, ủ làm phân bón.
- Đối với nơi công cộng: Phải chứa rác vào các thùng rác công cộng, hàng ngày có xe lấy rác tập trung đem đi xử lý. Cách xử lý rác: cách thủ công có thể chở đi đổ ở các bãi rác tập trung hoặc có thể phân loại rác thành 2 loại để có hướng xử lý khác nhau: rác hữu cơ được nghiền xử lý thành phân, chất đốt công nghiệp; rác vô cơ tái sản xuất thành nguyên liệu công nghiệp.
- Đối với phân người: chúng ta nên sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Các nhà tiêu được đánh giá là hợp vệ sinh phải đảm bảo các tiêu chuẩn xây dựng và sử dụng bảo quản phải đạt các tiêu chuẩn chung:
+ Cô lập được phân người, làm cho phân tươi hoặc chưa an toàn không thể tiếp xúc với người và động vật.
+ Tiêu diệt được các tác nhân gây bệnh có trong phân (virut, vi khuẩn, giun sán…) và không ô nhiễm môi trường xung quanh.
- Đối với chất thải chăn nuôi: Cần phải được thu gom hàng ngày, đưa đi ủ hoặc xử lý. Cách xử lý có thể dùng hố ủ phân sử dụng các chất độn (vôi bột, tro, trấu…) hoặc xây dựng hệ thống biogas để xử lý phân, tận dụng tạo ra nguồn khí đốt.
- Rác thải y tế là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu lên sức khoẻ con người. Việc xử lý chất thải y tế phải thực hiện nghiêm túc theo nguyên tắc: phân loại ngay tại nguồn, phân loại đúng (nếu phân loại nhầm thì xử lý như chất thải y tế nguy hại), không để chất thải nguy hại chung với chất thải sinh hoạt. Việc thu gom được thực hiện ít nhất 1 lần/ ngày. Các phương pháp tiêu hủy: thiêu đốt; chôn lấp hợp vệ sinh, diệt khuẩn bằng hơi nóng, hóa chất, chiếu bức xạ vi sóng. Có nhiều mô hình như lò đốt rác ở cơ sở y tế tỉnh (hoặc thiêu đốt cho cụm bệnh viện), đốt, chôn lấp, khử khuẩn ở cơ sở y tế tuyến huyện, xã.
- Đối với khu, cụm công nghiệp cần có khu xử lý nước thải tập trung; xử lý nước đạt tiêu chuẩn cho phép mới được xả ra môi trường.
5/ Hệ thống sông, kinh rạch có vai trò quan trọng đối với đời sống của con người, nó vừa cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, còn giúp tiêu thoát nước cũng như phục vụ giao thông đường thủy. Nếu thực hiện quản lý kinh rạch tốt, không để xảy ra các trường hợp lấn chiếm lòng sông, kinh rạch, xả rác bừa bãi, duy trì công tác nạo vét, luôn đảm bảo dòng chảy thông thoáng thì vấn đề ngập, ô nhiễm trên địa bàn đô thị sẽ cơ bản được giải quyết; đồng thời giải quyết tốt nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…
Nhân ngày Nước thế giới 22/3, chúng ta hãy hành động bằng việc làm thiết thực như sử dụng nước tiết kiệm, chống lãng phí và gây ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sức khỏe của chúng ta!.