Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi (1 vụ lúa + 2-3 vụ ương cá giống)
(Ngày đăng: 18/03/2016)

Hậu Mỹ Bắc A – huyện Cái Bè được xem là cái nôi của nghề sản xuất và ương cá giống của tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, trước tình hình môi trường ngày càng xấu, giá cả không ổn định, đầu ra ngày càng khó khăn, nông dân ở đây đã rất linh động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả cao.
Mô hình ương cá giống trên ruộng

 

       Một năm đất ruộng ở khu vực này chỉ sản xuất một vụ lúa Đông Xuân, thời gian còn lại trong năm là ương 3-4 vụ cá giống. Khi thu hoạch lúa Đông Xuân xong, nông dân tiến hành cải tạo ruộng để ương cá giống, vụ ương đầu tiên thường nông dân ương cá tra hoặc cá mè vinh ứng dụng chế phẩm sinh học, khi thu hoạch cá này xong, giữ nguyên môi trường nước ao đó thả tiếp bột cá trôi để ương (ương cá trôi 2-3 vụ/năm). Hiệu quả của mô hình này rất nổi bật mang tính bền vững vì khi ương một vụ cá tra hay cá mè vinh xong thì môi trường nước và đáy ao đã dơ và ô nhiễm, nếu xả bỏ nước ra môi trường chung như cách làm trước nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nuôi thủy sản sau này. Nhờ thả cá trôi vào ao ương đã giúp xử lý được môi trường nước và đáy ao của ao vừa ương cá tra hay cá mè vinh xong. Do ương hai loại cá này sử dụng thức ăn có hàm đạm cao nên thức ăn dư thừa và phân cá thải ra có nhiều chất dinh dưỡng vì vậy khi thả cá trôi do đặc tính sinh học của cá trôi nó sẽ ăn những thức ăn dư thừa và mùn bã hữu cơ ở đáy ao giúp làm sạch môi trường ao nuôi, vì thế đã giảm được chi phí thức ăn khoảng 20-30%, do đó giá thành để sản xuất 1kg cá trôi giống nằm ở mức thấp từ 10-15 ngàn đồng/kg nên không cần chi phí đầu tư cao, quy trình kỹ thuật ương cũng đơn giản. Ông Âu Văn On – khuyến nông viên xã cho biết mô hình kết hợp 1 vụ lúa đông xuân và 3-4 vụ ương cá giống lợi nhuận cao khoảng gấp hai lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa và bà con cũng yên tâm sản xuất không phải lo nghĩ nhiều như ương cá tra.


       Điều đặc biệt là cá trôi giống không những cung cấp nguồn cá giống cho nghề nuôi cá thịt mà trong vài năm gần đây thị trường lại rất ưa chuộng con cá trôi giống làm nguồn cung cấp thực phẩm thay thế cá linh tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Lúc đầu việc cá trôi giống được sử dụng làm thực phẩm thay cá linh non tự nhiên đã bị dư luận phản ánh, nhưng nhờ có điểm nổi bật đó đã đưa con cá trôi giống làm nguồn thực phẩm rất được ưa chuộng hiện nay và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng quanh năm, từ thực tế này cho thấy “Sản xuất và cung cấp những gì thị trường cần chứ không phải sản xuất theo ý ta và đưa ra thị trường những gì ta có”, nhờ có đầu ra ổn định mà bà con yên tâm sản xuất. Tuy nhiên khi phát triển ương cá trôi này cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường tránh tình trạng cung vượt cầu sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của mô hình. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững.

 

Mỹ Ngọc
Tin liên quan