Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
“Vét, mót” từng giọt nước cứu lúa đông xuân
(Ngày đăng: 18/03/2016)

Đó là thực tế tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) nằm tiếp giáp với biển Đông. Hiện nay, nhiều tuyến kênh trục, kênh sườn: Kênh Trần Văn Dõng, kênh Champeaux, kênh Xóm Gồng… đóng vai trò quan trọng tiếp nước cho những xã “vựa lúa” của huyện: Tân Điền, Tân Phước, Tân Thành… đã gần như cạn trơ đáy, nếu như còn thì mực nước không quá 2 – 3 tấc (0,2 đến 0,3 m) trong khi trên đồng, nhiều thửa ruộng đã bị chết rụi do khô hạn thời gian vừa qua.
Bơm nước từ kênh trục Trần Văn Dõng đưa vào nội đồng vùng hạn mặn (xã Tân Điền, Gò Công Đông

 

       Ông Bùi Thanh Hùng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh huyện Gò Công Đông trong chuyến đi thị sát cùng phóng viên phải lắc đầu ngao ngán trước thực trạng con kênh Trần Văn Dõng trước đây vốn rộng và sâu là thế, tuyến cấp nước sản xuất chính cho xã cuối nguồn vùng ngọt hóa Gò Công là Tân Điền nay còn là một con lạch nhỏ và cạn sợt, có đoạn không còn nước chảy qua “Tôi công tác ở Gò Công Đông hơn hai mươi năm nay nhưng chưa từng chứng kiến mùa khô hạn nào dữ dội như mùa khô hạn 2016 này”.


       Trong vụ đông xuân 2015 – 2016, toàn huyện Gò Công Đông xuống giống được trên 11.000 ha. Đến ngày 10/3, theo ghi nhận, đã có trên 1.000 ha lúa đã bị thiệt hại do thiên tai gây ra với mức độ từ 70% trở lên. Đây là địa phương chịu thiệt hại năng nề nhất tỉnh Tiền Giang bởi thiên tai trong mấy ngày qua. Để ứng cứu, tỉnh đã hỗ trợ địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Triển khai thi công các công trình thủy lợi nội đồng, tổ chức bơm chuyền hai cấp đưa nước vào đồng ruộng chống hạn mặn…. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, đến nay, toàn huyện đã huy động 685 máy bơm phục vụ bơm chuyền hai cấp chống hạn cứu lúa đông xuân. Có tổng cộng 234 điểm bơm chuyền hai cấp và ba cấp ứng cứu cho gần 10.000 ha lúa đang bị thiếu nước trầm trọng. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, các điểm bơm đã thực hiện gần 150.000 giờ bơm.


        Về huyện ven biển Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang trong những ngày này, ai cũng xót xa trước hình ảnh những con kênh cạn nước, những cánh đồng lúa bị khô hạn gây chết xác xơ, đỏ bầm như màu máu. Còn dưới kênh, tiếng máy bơm nước giòn giả kéo dài và vang xa tạo nên những âm thanh đau xé lòng người. Có thể nói, cả huyện Gò Công Đông như một công trường lớn. Nơi ấy, toàn quân, toàn dân dồn sức “vét, mót” từng giọt nước hiếm hoi bơm lên đồng để cứu lúa. Bao nhiêu công sức, tiền của, tình cảm tương thân tương ái đều dồn vào một mục đích: cứu lúa đông xuân bằng mọi cách.


       Anh Nguyễn Văn Hòa, một cán bộ của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang phụ trách địa bàn huyện Gò Công Đông cho biết, chỉ tính trên đoạn kênh Trần Văn Dõng chừng hơn 3 km đã có trên 20 điểm bơm chuyền hai cấp. Mỗi điểm tối thiểu cũng 5 – 6 máy bơm, điểm lớn nhất huy động trên 20 máy bơm bơm liên tục 24/24 giờ để đưa nước lên đồng càng nhiều càng tốt.


       Gò Công Đông có đặc thù là huyện nằm xa nguồn nước của các con kênh trục dẫn ngọt thuộc dự án ngọt hóa Gò Công, nên thiệt hại nặng nề do hạn mặn trong mùa khô 2016. Tại điểm bơm chuyền hai cấp đầu con kênh Cùng (ấp Bắc, xã Tân Điền), tôi đếm có tổng cộng 20 máy bơm nước túc trực để bơm đưa nước từ kênh Trần Văn Dõng lên kênh Cùng cứu hàng trăm ha lúa đông xuân cùa cánh đồng ấp Bắc giáp biển Đông. Thế nhưng chỉ một phần ba trong số trên hoạt động bởi nước dưới kênh Trần Văn Dõng còn rất ít, mức nước chỉ vài ba tấc, không thể bơm đồng loạt 20 máy được.


       Anh Võ Thanh Hùng, canh tác 0,5 ha lúa đông xuân tại xã Tân Điền cho biết, mấy hôm nay nhờ bơm liên tục nên phần lớn diện tích trên cánh đồng đã được cứu. Số bị chết vừa qua bởi gieo sạ quá trễ, lúa non ngày tháng không chồng chịu được thời tiết khô hạn khắt nghiệt. Tuy vậy, năng suất lúa bị giảm mạnh, chất lượng lúa cũng kém, bà con thua thiệt đủ mọi bề. Theo anh Hùng, trà lúa của anh hơn tuần lễ nữa thu hoạch nhưng năng suất chừng 45 đến 50 tạ mà thôi, chỉ bằng phân nửa so với vụ đông xuân năm trước.


       Tương tự, ở gần cống Long Uông thuộc địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông cũng có một điểm bơm chuyền hai cấp. Tại đây, bà con đặt 7 máy bơm song song bơm nước từ rạch Long Uông chuyền thẳng qua lộ đưa về chống hạn cứu gần 140 ha lúa cùa ấp Tân Xuân, xã Phước Trung. Ông Nguyễn Văn Tài, phó trưởng ấp Tân Xuân, người đang trực bơm nước cho chúng tôi biết, do gieo sạ trễ, nên từ đầu mùa khô hạn đã có gần 40 ha lúa bị chết. Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo phải khẩn cấp tổ chức ngay điểm bơm chuyền hai cấp ứng cứu, không để thiệt hại thêm cho bà con. Hơn một tháng trời ròng rã, 7 máy bơm trên bơm liên tục 24/24 giờ trong ngày. Nhờ vậy, đã ứng cứu được toàn bộ diện tích lúa còn lại.


       Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh ấp Tân Xuân, xã Phước Trung, cùng trực bơm nước với ông Tài cho biết thêm: “Cánh đồng ấp Tân Xuân còn chừng 20 ngày nữa mới thu hoạch dứt điểm, chúng tôi mong mỏi lãnh đạo tỉnh, huyện đồng ý cho kéo dài thời gian bơm thêm càng lâu càng tốt bởi giai đoạn hiện thời lúa đang rất cần nước, nhất là trong tình hình thời tiết, thủy văn phức tạp như hiện nay”.


       Cùng với bơm chuyền hai, ba cấp, toàn huyện đã khẩn cấp ra quân thực hiện 10 công trình thủy lợi nội đồng nhằm đưa nước về phục vụ bơm tát chống hạn tại các địa bàn khó khăn. Cái khó là nguồn cấp nước hiện nay hết sức hạn chế, thậm chí hiếm hoi bởi các cống đập trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công mà địa phương đang hưởng lợi đã phải đóng ngăn mặn triệt để. Riêng cống Xuân Hòa còn hoạt động nhưng cũng chỉ có thể lấy gạn và thuyền bơm lưu động đặt ở cống bơm tiếp nước cầm hơi thời gian ngắn ngủi trong ngày khi bên ngoài sông Tiền có nước ngọt. Để lấy gạn và bơm bổ cấp như thế, lực lượng cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, đơn vị quản lý vận hành dự án ngọt hóa Gò Công, trực 24/24 và phải quan trắc mỗi 15 phút/ lần – Ông Trần Minh Quan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cho biết.


       Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, đến đầu tháng 3/2016, toàn huyện đã thu hoạch được trên 400 ha lúa đông xuân ở vùng canh tác 2 vụ/ năm thuộc các xã Tân Điền và Tân Thành, năng suất đạt 60 tạ/ ha. Hiện nay, trà lúa có 980 ha đang chín tới, sắp thu hoạch không đáng lo ngại, còn lại trên 8.700 ha lúa đang ở giai đoạn trổ. Theo đánh giá, nhờ sự hậu thuẩn của tỉnh và huyện kịp thời với những giải pháp phù hợp, số thiệt hại đã dừng lại ở mức trên 1.000 ha, trong những ngày qua không có thiệt hại thêm. Tuy vậy, để đảm bảo diện tích đang trổ cho thu hoạch an toàn trong tình hình nguồn cấp nước ngọt cho nội đồng cơ hồ không còn, kênh mương cạn kiệt thì địa phương đang phải cố hết sức “vét, mót” từng giọt nước ngọt hiếm hoi ứng cứu, đối phó thiên tai.

 

Minh Trí
Tin liên quan