Trong vụ đông xuân 2015 – 2016, vùng dự án ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã xuống giống được gần 30.000 ha. Tuy nhiên, do thiên tai hạn mặn trong những ngày qua diễn biến phức tạp nên mặc dù đã có nhiều nỗ lực chủ động ứng cứu nhưng toàn vùng đã có gần 1.000 ha lúa đông xuân bị thiệt hại mất trắng. Trong đó, huyện Gò Công Đông nằm ven biển Gò Công bị thiệt hại nặng nhất, trên 860 ha. Diện tích còn lại thuộc các huyện Gò Công Tây và thị xã Gò Công. | |
Một điểm bơm chuyền hai cấp ứng cứu lúa ở xã Tăng Hòa, Gò Công Đông |
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tình Tiền Giang, diện tích bị thiệt hại chủ yếu do nguyên nhân do xuống giống trễ lại nằm trong địa bàn đặc biệt khó khăn về nguồn nước, tiếp giáp biển Đông trong khi mặn năm nay đến sớm hơn cùng kỳ khoảng 2 tháng… Để đối phó hạn mặn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ trà lúa đông xuân trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, tỉnh đã khẩn cấp hỗ trợ 1,6 tỉ đồng giúp các huyện thị trong vùng mua máy bơm phục vụ chống hạn, đầu tư khoảng 12 tỉ đồng tổ chức 401 điểm bơm chuyền hai cấp khẩn cấp bơm ứng cứu chống hạn phục vụ gần 14.000 ha lúa đông xuân ở những địa bàn khó khăn.
Đáng chú ý, để tăng nguồn cung cấp nước phục vụ bơm tát chống hạn khẩn cấp, Tiền Giang đầu tư thêm 4 tỉ đồng trang bị 16 thuyền bơm lưu động với 32 máy bơm công suất thiết kế 32.000 m3/ giờ lắp đặt tại cống Xuân Hòa bơm bổ cấp nguồn nước cho trục kênh Xuân Hòa tăng cường đưa vào nội đồng. Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2016, các huyện, thị trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công đã triển khai thi công 27 công trình thủy lợi nội đồng có tổng chiều dài trên 44.000 m và khối lượng đất đào đắp trên 174.000 m3, kinh phí trên 4,5 tỉ đồng. Các công trình trên đang phát huy hiệu quả trong việc bơm tát, chống hạn bảo vệ trà lúa đông xuân 2015 – 2016 trong vùng.