Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang, việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần không nhỏ để thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng đời sống người dân. | |
Mô hình kết hợp nuôi cá - lúa |
Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM) đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có sự tham gia của công tác khuyến nông. Nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp trong quá trình thực hiện CTMTQG XDNTM, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Tiền Giang nói chung và Trung tâm Khuyến nông nói riêng, đã và đang chú trọng xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn.
Một trong những mục tiêu quan trọng của hoạt động khuyến nông là tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Đây là 2 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở nước ta, được xem là 2 tiêu chí quan trọng, cốt lõi nhất vì nó thể hiện mục đích cuối cùng của phong trào xây dựng nông thôn mới là giúp cho người nông dân thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu, có cuộc sống tốt hơn về vật chất và tinh thần.
Với cơ chế hoạt động lấy nông thôn làm địa bàn, các ngành nghề trong nông nghiệp là lĩnh vực phát triển, người nông dân được xác định là trung tâm; năm 2015 tại các xã nông thôn mới Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã xây dựng 17 loại mô hình trình diễn ở 17 xã như mô hình Sản xuất lúa 1phải 5giảm và trồng hoa sinh thái; Máy sấy lúa; Sản xuất sầu riêng được chứng nhận GlobalGAP; Sản xuất xoài theo GAP; Trồng gừng dưới tán dừa; Sản xuất hành lá theo VietGAP; Sản xuất củ hành tím theo GAP; Chăn nuôi heo, gà trên nền đệm lót sinh học; Cải tạo tầm vóc đàn bò, đàn dê bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo; Nuôi ếch thịt an toàn sinh học; Nhân rộng mô hình kết hợp nuôi cá – lúa; Ương cá tra giống theo VietGAP...
Nhìn chung, các tiến bộ công nghệ chuyển giao được nông dân mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt, phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của các địa phương, làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập, bước đầu đã gắn với liên kết tiêu thụ như mô hình sản xuất lúa tập trung theo cánh đồng lớn với quy mô 50ha/1 mô hình, Công ty Lương thực Tiền Giang đã bao tiêu sản phẩm lúa được 188/430ha, chiếm tỉ lệ 43,7% với giá cao hơn bên ngoài 50 - 100đ/kg, tăng lợi nhuận từ 3,8 - 5 triệu đồng/ha. Đặc biệt trong năm 2015 đã chứng nhận GlobalG.A.P cho 84.46ha/70 hộ tham gia, trong đó có sầu riêng 21.21ha/35 hộ, thanh long 63.25ha/35 hộ. Khi tham gia mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học tiết kiệm được 2 - 3 triệu đồng/20 con heo thịt và 2 – 2,5 triệu đồng/2.000 con gà thịt sau 4 tháng nuôi. Mô hình kết hợp nuôi cá – lúa thu lợi nhuận 75 - 80 triệu đồng/ha/năm, cao gần gấp 2 lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa...
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất đã có tác động tích cực cho người dân, giúp người dân kịp thời tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao nhằm từng bước nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù cho từng vùng sinh thái, thích ứng dần với biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các mô hình nông nghiệp, để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ các mô hình. Trung tâm đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học – công nghệ, đã tổ chức 120 cuộc tập huấn có 3.850 lượt nông dân dự; 143 cuộc sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông có 3.340 lượt nông dân dự; thực hiện 11 lớp dạy nghề có 335 học viên được cấp chứng chỉ nghề, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng khuyến nông cho các nhân viên khuyến nông xã nông thôn mới. Thông qua các hình thức trên, những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cùng nhiều tiến bộ công nghệ mới và kinh nghiệm hay trong nông nghiệp đã đến với nông dân các địa phương trong tỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh giao.
Để phát huy hơn nữa vai trò của khuyến nông trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển kinh tế của vùng, của địa phương như thực hiện Cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ; sản xuất theo GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; nội dung hoạt động gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tăng cường phối hợp với các Viện, Trường để cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới; đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để công tác triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Thực hiện được những vấn đề trên, tin rằng khuyến nông Tiền Giang sẽ có điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới như kế hoạch của tỉnh đã đề ra.