Căn cứ Kế hoạch 5050/KH-STNMT ngày 14/12/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tổng kết đánh giá Chương trình Liên tịch giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các sở, ban, ngành, đoàn thể về bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2015 và rút kinh nghiệm phối hợp thực hiện trong năm 2016. | |
Hội nghị tổng kết Chương trình liên tịch |
Ngày 14/01/2016, tại Hội trường Bưu điện tỉnh Tiền Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Liên tịch; đồng thời khen thưởng 08 tập thể và 10 cá nhân điển hình có tinh thần tích cực và đạt nhiều thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đến dự Hội Nghị có Bà Nguyễn Hồng Thủy - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường - Chủ trì; cùng tham dự Hội nghị có Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách đại diện 14 Sở, ngành và đoàn thể tỉnh đã ký kết liên tịch như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương, Công an tỉnh (Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người Cao tuổi và Liên minh Hợp tác xã tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên phụ trách môi trường Phòng Tài nguyên và Môi trường và đại diện các phòng, ban, hội đoàn thể của 11 huyện, thị xã, thành; cán bộ phụ trách môi trường cấp xã; các tập thể và cá nhân được khen thưởng.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, hiệu quả đạt được trong công tác phối hợp liên tịch thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường; đặc biệt là kinh nghiệm phát động và xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện các hoạt động liên tịch về bảo vệ môi trường trong năm 2016.
Trong buổi Hội nghị Bà Nguyễn Hồng Thủy - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị trong năm 2016 các sở, ban, ngành và hội đoàn thể cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã cùng xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Trong đó chú trọng các nội dung sau:
1. Cần có sự phối hợp chặt chẽ theo ngành dọc giữa ngành Tài nguyên và Môi trường 3 cấp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, cán bộ phụ trách môi trường cấp xã; phối hợp giữa các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cũng có thể phối hợp với cơ quan chuyên môn về môi trường trong các hoạt động như: ở cấp tỉnh có Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Tài nguyên, cấp huyện có phòng Tài nguyên và Môi trường, cấp xã có cán bộ phụ trách môi trường.
2. Công tác tuyên truyền phải gắn với vận động, vừa “Phát” vừa “Động”, “Nghe hiểu” rồi “Làm” và kết quả đạt được phải thay đổi được hành vi (ví dụ: không còn xả rác bừa bãi ra đường; không còn vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh mương; thực hiện phân loại rác, tập trung rác đúng nơi quy định; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi,…), kết quả phải nhìn thấy được như: mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, mô hình sáng-xanh-sạch-đẹp… như vậy phải quan tâm nhân rộng mô hình ngày càng nhiều địa phương, nhiều hộ gia đình cùng làm theo.
3. Ngoài sự phối hợp tổ chức phát động và tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong cộng đồng nhân các sự kiện môi trường như: Ngày Môi trường thế giới 05/6, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn,… cần có sự phối hợp toàn diện, thường xuyên giữa ngành tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, huyện, xã với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của 3 cấp tỉnh, huyện, xã để duy trì và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường và tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương nghiên cứu xây dựng phát động thêm những mô hình mới về bảo vệ môi trường.
4. Việc đánh giá hiệu quả của công tác phối hợp ngoài việc kể ra là đã tổ chức bao nhiêu cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội thi, hội thảo, có bao nhiêu lượt người tham dự mà cần phải đánh giá sự thay đổi trên hành vi, nhận thức của con người, hộ gia đình (ví dụ: có bao nhiêu km đường và ngõ xóm sạch sẽ; có bao nhiêu hộ gia đình đã thực hiện mô hình “3 sạch”, bao nhiêu hộ chăn nuôi xây dựng hầm ủ biogas, sử dụng đệm lót sinh học).
5. Lồng ghép tiêu chí môi trường và duy trì, nhân rộng, phát động xây dựng các mô hình mới về bảo vệ môi trường vào các phong trào thi đua trong ngành của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể (ví dụ: đưa các chỉ tiêu môi trường của tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới vào xét công nhận gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã văn hóa; toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,...).
6. Trong công tác truyền thông cần đổi mới phương pháp tiếp cận (cần nghiên cứu từng đối tượng có cách tiếp cận khác nhau); xây dựng tài liệu ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, có hình ảnh trực quan sinh động để cộng đồng dễ làm theo. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cần nghiên cứu đưa ra những ý tưởng và cách thức hoạt động mới trong công tác phối hợp liên tịch về bảo vệ môi trường để có sức hấp hẫn lôi kéo cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường.
7. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác tổ chức Cuộc thi “Giải thưởng Sáng tạo xanh” lần thứ nhất do Tổng Cục Môi trường phát động trên toàn quốc.
8. Phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường (tỉnh, huyện, xã) báo cáo công tác phối hợp thực hiện kế hoạch liên tịch năm 2016, đồng thời rà soát và đề nghị các cá nhân và tập thể có thành tích tiêu biểu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là những điển hình nhân rộng và xây dựng các mô hình mới về bảo vệ môi trường ở địa phương gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11/2016 để Sở tổng hợp khen thưởng nhân dịp tổng kết cuối năm 2016.
9. Định hướng nội dung tuyên truyền trong năm 2016:
9.1. Đối với các Sở, ngành:
- Sở Giáo dục và Đào tạo: tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp”; tăng cường lồng ghép tuyên truyền các nội dung như: biến đổi khí hậu, bảo tồn da dạng sinh học, thu gom và phân loại rác, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường vào các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc sinh hoạt ngoại khóa; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh về môi trường; tổ chức hội thi hái hoa dân chủ em yêu môi trường,...
- Sở Công thương: mở thêm các khóa tập huấn về áp dụng sản xuất sạch hơn; tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn cho các Công ty trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, các bước sản xuất sạch hơn để các Công ty chủ động triển khai thực hiện tại đơn vị mình; giúp các doanh nghiệp tìm ra nguyên nhân phát sinh các tổn thất nguyên nhiên vật liệu.
- Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường): tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
9.2. Đối với các hội, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã:
- Tập trung tuyên truyền và vận động tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hồ sơ môi trường (đối tượng phải thực hiện được quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường); vận động người dân thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để không bị xử phạt vi phạm hành chính do không lập hồ sơ môi trường, không thực hiện biện pháp quản lý rác thải, nước thải sản xuất…(Các hành vi vi phạm và mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường).
- Tập trung tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, không thực hiện các hoạt động văn hóa, kinh doanh văn hóa gây tiếng ồn, gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư (đặc biệt về tiếng ồn do hát karaoke di động, hát nhạc sống).
- Xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình như xây dựng hầm ủ hoặc túi ủ biogas, sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân chuồng bằng các chế phẩm vi sinh,…
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong việc triển khai Phương án thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Phương án số 3810/PA-STNMT ngày 11/9/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường): tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nông thôn đúng quy định; trong đó nòng cốt là cán bộ phụ trách môi trường cấp xã, trưởng các ấp và các tổ chức thành viên Mặt trận tại ấp.