Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để làm giàu cho quê hương Ấp Bắc anh hùng
(Ngày đăng: 13/01/2016)

Xã Tân Phú (thị xã Cai Lậy) vốn miền quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng. Nơi ấy, vào ngày 2/1/1963, trong thế lấy ít địch nhiều, vũ khí kém cỏi phải đối mặt với kẻ thù Mỹ - Ngụy trang bị đến tận răng, đầy đủ máy bay, xe tăng, đại bác hỗ trợ không giới hạn, quân dân ta làm nên Chiến thắng Ấp Bắc “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ông Nguyễn Văn Đức với mô hình công nghệ sinh thái “ruộng lúa, bờ hoa”

 

       Từ truyền thống cách mạng hào hùng ấy, sau 53 năm Chiến thắng Ấp Bắc và gần 41 năm kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Tân Phú tiếp tục giành thêm những thắng lợi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp vì sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp, nông nghiệp – nông thôn thay đổi, tươi vui, thịnh vượng mỗi ngày.


       Tân Phú trước đây là vùng quê thuần nông, tiếp giáp Đồng Tháp Mười lại diện đất hẹp, người đông, cả xã chỉ có vỏn vẹn 540 ha đất trồng lúa. Để phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề xây dựng quê hương giàu đẹp, Đảng bộ và chính quyền Tân Phú đặt ra ưu tiên hàng đầu là ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng vụ gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày một đổi mới.


       Khuyến nông được xác định đóng vai trò quan trọng. Câu lạc bộ khuyến nông xã Tân Phú được thành lập từ năm 1997 với 50 hội viên trong đó có những thành viên hết sức tích cực: Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Ngọc Phấn, đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đặc biệt là Trạm Khuyến nông thị xã Cai Lậy, Trạm Bảo vệ thực vât thị xã Cai lậy, các cơ quan khoa học nông nghiệp trong ngoài tỉnh… chuyển giao những kỹ thuật thâm canh tiên tiến: Ba giảm ba tăng, công nghệ sinh thái, IPM trên lúa, IPM trên màu, nhân rộng những mô hình chuyển đổi sản xuất trên nển đất lúa… nhằm nâng cao hiệu quà sinh lợi, khắc phục tình trạng “trúng mùa, mất giá” ,giúp nông dân an cư lạc nghiệp ngay trên đồng đất quê hương của mình.


       Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, hoạt động khuyến nông tích cực tạo ra những thay đổi hết sức sâu sắc. Nông dân đoạn tuyệt với tập quán canh tác đã lỗi thời, tích cực chuyển từ thói quen sạ dày sang sạ thưa, sạ theo hàng, sử dụng giống lúa xác nhận, cơ giới hóa nông nghiệp, bón phân hợp lý… Đối với rau màu chú trọng chọn giống tốt, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại cho người và môi trường, sản xuất theo qui trình an toàn…


       Một trong những cách làm hay là mô hình chuyển đổi từ trồng lúa thịt (lúa ăn) sang nhân giống lúa xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là nông dân Nguyễn Văn Đức, cư ngụ tại Ấp Bắc, xã Tân Phú. Gia đình ông Nguyễn Văn Đức canh tác 2,2 ha đất. Ông cho biết, sản xuất lúa giống xác nhận đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn so với trồng lúa thịt tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt nghiêm ngặt là các khâu khử lẫn, chăm sóc theo IPM, “Ba giảm ba tăng”, bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” hoặc dựa trên bảng so màu lá lúa... Bù lại, lúa giống tốt do ông sản xuất và cung ứng được Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang ký hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua theo tỉ lệ qui đồi gấp 1,3 đến 1,4 lần lúa thường. Mỗi năm sản xuất ông cung ứng khoảng 35 tấn lúa giống ra thị trường với các giống lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu nông dân: Nàng Hoa 9, OM 4900, OM 6976, OM 5451... Bình quân ông thu khoảng 350 triệu đồng/ năm tiền bán lúa giống, sau khi trừ đi chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng.


       Thấy tính hiệu quả cao của mô hình, bà con xung quanh cùng áp dụng nhân rộng và đều mang lại thành công mỹ mãn. Hiện tại, địa phương thành lập được Tổ Hợp tác nhân giống lúa xác nhận do ông Nguyễn Văn Đức làm tổ trưởng. H àng năm, Tổ Hợp tác nhân giống lúa Tân Phú đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn lúa giống tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong ngoài tỉnh Tiền Giang.


       Tân Phú còn đi đầu trong việc liên kết sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” của thị xã Cai Lậy, Theo lãnh đạo UBND xã, Tân Phú, hiện nay, có gần 70 nông hộ ký hợp đồng với các doanh nghiệp lớn khu vực đồng bằng sông Cửu Long: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” với diện tích hàng trăm ha. Tham gia liên kết sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” bà con được cung ứng giống tốt, vật tư nông nghiệp, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 100 đến 150 đ/kg, nông dân rất an tâm thâm canh để đạt năng suất, sản lượng cao và hiệu quả tốt – ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết.


       Nuôi ba ba cũng là một hướng đi mới mẽ trong phát triển nền nông nghiệp đa canh, đa con trên quê hương Ấp Bắc anh hùng. Đi tiên phong có nông dân Phan Văn Mừng (Ấp Bắc, Tân Phú). Ông đã mạnh dạn cải tạo 2 công đất (2.000 m2) trồng lúa thành ao mương nuôi ba ba. Kỹ thuật làm ao như sau: đắp bờ bao, cải tạo mặt ruộng thành ao nuôi có mực nước sâu bình quân từ 1 m đến 1,2 m và thả 4.000 con ba ba giống. Xung quanh ao ông dùng tole xi măng che chắn để bảo vệ không cho ba ba lớn tìm cách thoát ra ngoài. Thức ăn cho ba ba chủ yếu cá tạp, cá vụn, ốc bươu vàng, cá biển... Sau từ 13 đến 18 tháng, ba ba đã có thể xuất ao bán. Giá bán trung bình từ 200.000 đến 300.000 đ/kg tùy theo loại, mỗi năm gia đình ông Phan Văn Mừng thu lợi nhuận 120 triệu đồng từ nuôi ba ba.


       Ngày nay, con đường thâm canh, tăng vụ với 3 vòng quay lúa năng suất cao/ năm không còn là con đường duy nhất để ổn định cuộc sống của cư dân vùng đất anh hùng. Nông dân Tân Phú đi lên bằng nhiều mô hình làm ăn, nhiều cây – con khác nhau từ chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng – vật nuôi được thực thi triệt để trong thời gian qua. Theo báo cáo của Đảng ủy xã Tân Phú, ngoài khoảng 540 ha đất trồng lúa, năng suất bình quân đạt 199 tạ/ ha/ năm và sản lượng mỗi năm trên 10.000 tấn, nông dân còn mở rộng diện tích màu trồng trên chân ruộng theo mô hình luân canh lúa + màu lên hàng trăm ha, trên 30 ha mặt nước nuôi thủy sản. Nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển với tổng đàn lợn trên 4.300 con, đàn gia càm trên 30.000 con và đàn bò – một vật nuôi mới, gần 130 con. Xã có trên 250 hộ nông dân được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi ba cấp.


       Sản xuất nông nghiệp phát triển đã có tác động tích cực đến đời sống, xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã vào năm 2015 đã nâng lên 24 triệu đồng/ người, vượt 20% so nghị quyết đề ra. Tân Phú đang hướng tới mục tiêu đạt bình quân thu nhập đầu người 50 triệu đồng/ năm vào năm 2020, gấp đôi hiện nay. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,63%, bằng 203% so nghị quyết đề ra, giúp Tân Phú đạt tiêu chí về giảm nghèo nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nâng đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí về nông thôn mới. Tân Phú phấn đấu đến năm 2017 hoàn thành 100% tiêu chí để ra mắt xã nông thôn mới trước thời hạn 3 năm. Rõ ràng, việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hóa cây trồng – vật nuôi đã mở ra những cơ hội lớn cho quê hương Ấp Bắc anh hùng tiếp tục giành thêm những thắng lợi mới trên mặt trận sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

 

Minh Trí
Tin liên quan