Ngày 24/12, Công ty Lương thực Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai phương án xây dựng Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu tại Tiền Giang giai đoạn 2015 – 2020. | |
Quang cảnh Hội nghị |
Mục tiêu nhằm hình thành chuỗi giá trị lúa gạo góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như gắn sản xuất lúa gạo với chế biến và tiêu thụ, gắn sản xuất với thị trường, trong giai đoạn 2015 – 2020, doanh nghiệp liên kết với các địa phương mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn lên 66.200 ha và sản lượng thu hoạch trên 397.000 tấn lúa hàng hóa. Chỉ tiêu thực hiện trong từng năm như sau: Năm 2015: 2.000 ha, năm 2016 nâng lên 4.000 ha, năm 2017: 8.100 ha, năm 2018: 12.600 ha, năm 2019: 17.500 ha và năm 2020 nâng lên 22.000 ha.
Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Quyết định
phê duyệt phương án của UBND tỉnh Tiền Giang cho ông Nguyễn Quốc Trực (bên phải),
Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang
Theo Quyết định số 3274/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt về phương án xây dựng Cánh đồng lớn của Công ty Lương thực Tiền Giang, địa bàn triển khai thực hiện tại 55 xã trọng điểm về sản xuất lúa chất lượng cao trong toàn tỉnh. Có ba phương thức liên kết sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn của Công ty Lương thực Tiền Giang đưa ra cho các đối tác lựa chọn: Phương thức hợp đồng sản xuất có đầu tư đồng bộ đầu vào về giống lúa xác nhận, vật tư nông nghiệp, qui trình sản xuất đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm; phương thức hợp đồng sản xuất đầu tư một phần lúa giống xác nhận hoặc vật tư nông nghiệp và phương thức hợp đồng sản xuất và bao tiêu nhưng không đầu tư giống hoặc vật tư nông nghiệp.
Chủng loại giống sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn: Jamine 85, Nàng Hoa 9, ST 20, bộ giống OM…có ưu điểm về phẩm chất gạo ngon, được ưa chuộng trên thị trường xuất khẩu. Nông dân tham gia vào mô hình được tập huấn chuyển giao kỹ thuật và qui trình sản xuất khoa học tiên tiến, sử dụng giống lúa xác nhận, được hướng dẫn sản xuất theo qui trình VietGAP nhằm giảm giá thành 10%, giảm thất thoát sau thu hoạch 7% và tăng thu nhập từ 10 đến 15% so với sản xuất theo tập quán truyền thống. Qua đó, giúp doanh nghiệp quản lý tốt chất lượng đầu vào, gạo thành phẩm có độ thuần cao, chất lượng ổn định và truy xuất được nguồn gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu đồng thời nâng tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm 20% trong tổng số gạo bán ra của Công ty vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu và yêu cầu của phương án, Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ liên kết với các đối tác chuyên ngành cùng hỗ trợ đầu tư cho nông dân, trả chậm sau 4 tháng. Đến cuối vụ thu hoạch, doanh nghiệp thu mua lúa hàng hóa khấu trừ tiền ứng trước và thanh toán lại cho đơn vị cung ứng. Định mức hỗ trợ bình quân 1 ha từ 120 đến 130 kg lúa giống xác nhận và 350 kg phân bón các loại.
Ngay trong vụ đông xuân 2015 – 2016, Công ty Lương thực Tiền Giang đã ký hợp đồng liên kết với 2 hợp tác xã nông nghiệp, 37 tổ hợp tác sản xuất, có 3.146 nông dân tham gia sản xuất theo mô hình Cánh đổng lớn trên tổng diện tích 2.566 ha, vượt 31,86% kế hoạch đề ra. Qua đó, cho thấy mô hình Cánh đồng lớn tại Tiền Giang đang được triển khai mạnh mẽ mà Công ty Lương thực Tiền Giang là doanh nghiệp đi đầu, tích cực tác động để chủ trương của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới.