Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bà con nuôi tôm, cá cần sử dụng vôi đúng kỹ thuật
(Ngày đăng: 04/01/2016)

Trong nuôi trồng thủy sản, vôi thường xuyên được sử dụng để cải tạo ao, đầm trước mỗi vụ nuôi, cũng như dùng để điều chỉnh, cải thiện chất lượng nước trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, không ít bà con nuôi thủy sản chưa hiểu rõ bản chất của vôi và sử dụng vôi chưa đúng kỹ thuật nên việc sử dụng vôi chưa mang lại hiệu quả cao. Do đó, việc tìm hiểu các loại vôi cũng như cách sử dụng vôi đúng cách là vô cùng cần thiết góp phần mang lại vụ mùa thắng lợi cho người nuôi thủy sản.
Bón vôi tạo ao

 

       Nhiều loại vôi sử dụng trong thủy sản


       Vôi sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có rất nhiều loại, trong đó có 4 loại vôi sử dụng cơ bản là đá vôi (CaCO3), vôi đen (CaMg(CO3)2), vôi tôi (Ca(OH)2) và vôi sống (CaO); trong đó đá vôi đen, vôi nông nghiệp, đá vôi, bột vỏ sò còn được gọi là vôi chứa can-xi. Các loại vôi này có tác dụng cơ bản làm tăng hệ đệm và làm tăng pH nước. Việc phân biệt các loại vôi này ngoài việc quan sát hình dạng, màu sát bên ngoài còn có thể phân biệt bằng cách hòa vôi vào nước cất với liều lượng 10% và đo pH nước.


       Vôi nông nghiệp (hay còn gọi đá vôi) hoặc vỏ sò xay đó là vôi được khai thác từ các núi đá vôi hay từ vỏ sò nghiền với chất lượng cũng khác nhau. Tuy nhiên, vôi sử dụng có hiệu quả tốt nhất là loại vôi có hàm lượng CaCO3 từ 75% trở lên. Loại vôi này được sử dụng để làm tăng khả năng đệm của nước và có thể được sử dụng với số lượng lớn vì nó không gây ảnh hưởng nhiều đến pH của nước (pH dung dịch vôi 10% khoảng 9). Liều lượng sử dụng vôi nông nghiệp được khuyến cáo khoảng 100-300 kg/ha tùy theo pH nước. Trong nuôi tôm, đá vôi mịn là thích hợp nhất cho việc tăng hệ đệm của nước ao nuôi.


       Đá vôi đen là loại vôi nghiền có màu đen và trong thành phần có chứa ma-giê (Mg). Loại vôi này cũng giống như vôi nông nghiệp có tác dụng chủ yếu là tăng hệ đệm của nước và đặc biệt là cung cấp thêm ma-giê cho ao nuôi (pH dung dịch vôi 10% khoảng từ 9-10). Do vôi đen có độ kiềm tương đương với vôi nông nghiệp nên liều lượng vôi sử dụng trong quá trình nuôi cũng khoảng 100-300 kg/ha.


       Vôi tôi hay vôi ngậm nước là loại vôi được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao 800-9000C. Sau khi nung đá vôi thì cho nước vào khi đá vôi còn nóng để vôi mịn ra. Vôi tôi (pH dung dịch vôi tôi 10% cao hơn 11) được dùng để làm tăng pH nước hoặc pH đất. Tuy nhiên, pH của vôi tôi cao nên khi bón vôi vào ao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến pH của nước ao nên tránh sử dụng vôi tôi vào buổi chiều (lúc pH nước cao nhất trong ngày). Liều lượng vôi được khuyến cáo sử dụng là 50-100 kg/lần tùy theo pH nước muốn nâng lên.


       Vôi sống, vôi nung hay vỏ sò nung là loại vôi được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao nhưng không cho nước vào nên loại vôi này có hoạt tính rất cao, ảnh hưởng lớn đến pH nước (pH dung dịch vôi sống 10% khoảng 12). Do vậy, vôi sống thường không sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản (nhất là nuôi tôm) mà chỉ sử dụng để điều chỉnh pH đất lúc chuẩn bị ao.


       Cách sử dụng vôi hiệu quả


       Trong khâu cải tạo ao nuôi, bà con nuôi thủy sản cần dọn sạch chất thải, đồng thời cho nước vào ao nuôi từ 10-15 cm, sau đó để qua đêm rồi tháo cạn. Lượng nước này có tác dụng rửa sạch chất thải còn lại dưới đáy ao và để kiểm tra pH đất. Tùy theo pH đất có thể thực hiện một lần hoặc nhiều lần để pH đất ổn định ở mức trên 7.


       Sau khi đã tháo rửa phèn cho ao xong, người nuôi thủy sản cần sử dụng vôi nông nghiệp hay đá vôi đen với liều lượng thích hợp để tạo pH và độ kiềm thích hợp nhất cho nước ao nuôi. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nên hạn chế lượng vôi bón cho ao, bởi vôi sẽ được bón thêm trong quá trình nuôi. Nếu nước ao có độ kiềm cao hơn 80 mg CaCO3/l và pH cao >8 thì không cần phải bón vôi trong giai đoạn này. Trong trường hợp đất quá phèn (pH<5), người nuôi thủy sản có thể sử dụng vôi tôi hay vôi sống để bón cho đất nhưng chú ý pH nước sẽ tăng lên đáng kể sau khi lấy nước vào ao, nhất là ở những ao có hệ đệm trong nước kém.


       Tùy theo pH đất mà người nuôi thủy sản sử dụng vôi với liều lượng thích hợp. Đối với đất có pH thấp hơn 6, khuyến cáo người nuôi thủy sản sử dụng 700-1.000 kg/ha vôi nông nghiệp hay 300-500 kg/ha vôi tôi. Nếu pH của đất từ 5-6 thì lượng vôi nông nghiệp bón cho đất từ 1.000-2.000 kg/ha, hoặc sử dụng vôi tôi với liều lượng ít hơn 1.000 kg/ha. Nếu pH của đất thấp hơn 5 thì lượng vôi nông nghiệp bón cho đất từ 2.000 - 3.000 kg/ha hoặc bón vôi tôi với lượng ít hơn 1.500 kg/ha. Chú ý, vôi cần được rải đều khắp đáy ao kể cả bờ ao, một phần lớn vôi nên rải ở khu vực cho tôm, cá ăn và các chỗ còn ướt của đáy ao.


       Trong quá trình nuôi tôm, nếu pH thấp hơn 7,5 cần bón vôi nông nghiệp hoặc đá vôi đen với liều 10 - 20kg/1000 m3 nước. Trong nuôi tôm, để điều chỉnh pH nằm trong khoảng thích hợp, định kỳ bón vôi nông nghiệp 10 ngày/lần vào lúc 20-21 giờ với liều lượng dao động từ 10-20 kg/1.000 m3 tùy theo độ mặn để điều chỉnh pH thích hợp (tùy tình hình thực tế môi trường ao nuôi mà điều chỉnh và bón lượng vôi cho phù hợp).

 

Thành Công
Tin liên quan