Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chế tạo thành công máy trục vớt lục bình, cỏ dại
(Ngày đăng: 04/01/2016)

Tình trạng lục bình - cỏ dại (LBCD) hiện nay lan rộng trên các sông, kênh rạch ngày càng trở nên trầm trọng, gây ra ô nhiễm môi trường, là nơi sinh sống của các loài ký sinh gây bệnh, làm cản trở dòng chảy và lưu thông đường thủy. Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo phương tiện thủy chuyên dụng để xử lý LBCD trên sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhằm khơi thông dòng chảy trên sông, kênh rạch phục vụ sản xuất nông nghiệp; lưu thông đường thủy; tránh ô nhiễm nguồn nước là rất cần thiết.
Máy trục vớt LBCD hoạt động trên kênh Trần Văn Dõng, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông

 

       Hiện nay, trong nước có nhiều phương tiện trục vớt LBCD nhưng phần lớn trục vớt bằng thủ công. Mới đây Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ - máy công nghiệp (thuộc Đại học Công nghiệp TP HCM) thiết kế chế tạo máy cắt lục bình nhưng nhược điểm của thiết bị này là khó quay vòng trong phạm vi hẹp, khả năng tạm chứa còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Sở Giao thông vận tải Hải Dương cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị vớt rác và lục bình, thiết bị này phù hợp với các hồ và sông lớn, không có khả năng cơ động trong các kênh, rạch nhỏ.


       Từ những hạn chế của thiết bị trục vớt LBCD hiện có trên thị trường, tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng, trường Đại học Tiền Giang đã nghiên cứu chế tạo thành công máy trục vớt LBCD hoạt động phù hợp với điều kiện sông, kênh rạch nhỏ hẹp, nhiều cầu dân sinh và có độ thông thuyền nhỏ. Máy trục vớt LBCD có kích thước dài 10m, rộng 3m, cao 2m (1,6 m tính từ mặt nước), được truyền động bằng động cơ dầu 40 mã lực và vận hành bằng hệ thống thủy lực.


       Cấu tạo gồm có: thân máy trục vớt LBCD được thiết kế theo dạng ponton hở, 2 cụm dao cắt đứng để phá mảng lớn LBCD với bề rộng làm việc 2m, băng tải trục vớt LBCD (băng tải 1), băng tải chứa LBCD (băng tải 2), máy cán để cán ép làm giảm thể tích và trọng lượng của LBCD, 2 bánh guồng để di chuyển máy trục vớt LBCD.


       Nguyên lý hoạt động: LBCD trên mặt sông, kênh rạch tạo thành mảng lớn chằng chịt sẽ được 2 cụm dao cắt đứng phá mảng LBCD thành mảng nhỏ rồi đưa lên máy trục vớt bằng băng tải 1, LBCD tiếp tục đưa vào máy ép để làm giảm thể tích (ép lục bình xộp xuống), sau khi ép LBCD được đưa qua băng tải 2 để chứa. Khi chứa đầy LBCD thì cho máy trục vớt di chuyển vào bờ để xả LBCD, băng tải 1 và băng tải 2 được nâng lên và đẩy LBCD vào nơi xả.


       Qua 4 lần thử nghiệm, tác giả đã chỉnh sửa máy trục vớt LBCD cơ bản hoàn thiện. Năng suất đạt bình quân 1.134 m2/giờ. Nhiên liệu chạy máy 6 - 8 lít/giờ; vận tốc làm việc 0 ÷ 1,8 km/giờ. Khối lượng không tải 9 tấn, khối lượng toàn tải 11 tấn. Giá ước tính của máy trục vớt LBCD là 800 triệu đồng.


       Tính mới của máy trục vớt LBCD là thiết kế phương tiện thủy gọn, nhẹ phù hợp với đặc điểm kênh, rạch trong tỉnh; có 2 băng chuyền phụ trợ nhau để đưa lục bình, cỏ dại lên bờ (các máy trục vớt LBCD khác có 3 băng chuyền); có máy cán lục bình để làm giảm thể tích và trọng lượng lục bình nhằm tăng sức chức của phương tiện; bánh guồng xoay quanh trục được 900 nên thiết kế giảm được chiều rộng phương tiện mà vẫn chuyển hướng tốt trong điều kiện kênh, rạch nhỏ hẹp.


       Việc chế tạo thành công máy trục vớt LBCD sẽ góp phần giải quyết LBCD trên sông, kênh rạch đang lấn chiếm làm khơi thông dòng chảy phục vụ tốt cho lưu thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp, tránh ô nhiễm môi trường; đồng thời cây lục bình còn dùng làm phân bón, làm giá thể trồng nấm, rễ cây phơi khô làm vật liệu để chèn lót, chiết cành, nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội tại địa phương.

 

Việt Hồng
Tin liên quan