Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dê cựu chiến binh (CCB) xã Bình Đông (thị xã Gò Công, Tiền Giang) do CCB, cựu quân nhân làm nòng cốt được thành lập vào năm 2014. Nhờ tham gia THT được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra ổn định, nhiều hội viên trở nên khá giả, có nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh La Thanh Tú, ấp Cộng Lạc, xã Bình Đông là một trong những gia đình tiêu biểu, ăn nên làm ra nhờ mô hình chăn nuôi dê này | |
Anh Tú cùng vợ chăm sóc đàn dê |
Đến nay, đàn dê Bách Thảo của gia đình anh La Thanh Tú đã lên đến 48 con, cho nguồn thu nhập ổn định. Về quá trình phát triển mô hình, anh Tú kể: Năm 1993, anh tham gia nghĩa vụ quân sự tại Củ Chi, năm 1995 anh xuất ngũ trở về địa phương, tài sản quý nhất của gia đình anh lúc bấy giờ là số đất do cha mẹ để lại. Do đặc thù đất bị nhiễm phèn, mặn chủ yếu chỉ trồng lúa, năng suất không cao chỉ đủ ăn. Anh bàn với gia đình gom góp vốn đầu tư làm chuồng và tiến hành chăn nuôi dê và dành ra một số ít đất lên liếp trồng cỏ để cung cấp nguồn thức ăn cho dê.
Do chưa có kinh nghiệm, lúc đầu gia đình anh chỉ nuôi 2 con dê giống gầy đàn. Thấy dê bắt đầu sinh sản, anh lựa chọn dê đực nuôi lớn, vỗ béo bán dê thịt, còn dê cái anh giữ lại để gầy đàn. Anh Tú cho biết, lúc mới nuôi dê anh gặp rất nhiều khó khăn do anh chưa có kinh nghiệm, để dê tự giao phối và sinh con tự nhiên dẫn đến dê sinh ra bị cận huyết, sinh sản ít, chậm lớn, dễ mắc bệnh, hiệu quả chăn nuôi không cao. Rút kinh nghiệm, anh tìm hiểu kỹ thuật nuôi dê, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và mua dê đực từ nơi khác về giao phối với đàn dê cái của gia đình. Từ đó, đàn dê bắt đầu sinh sản tốt, dê mau lớn, chất lượng dê con nâng cao rõ rệt.
Anh Tú nhớ lại: "Thời điểm lúc đó, rất ít người nuôi dê, lâu lâu mới có được vài con dê để bán, tôi không tìm được nơi để tiêu thụ ổn định nên giá cả do người mua quyết định, người chăn nuôi phải chịu cảnh bị ép giá. Nhiều lúc chán nản tôi định bỏ chuồng nghỉ chăn nuôi dê, nhưng cuối cùng, tôi quyết thay đổi tình thế, cố gắng tìm đầu ra ổn định cho đàn dê để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và những bà con chăn nuôi tại địa phương mình. Tôi bắt đầu liên hệ một số điểm thu mua dê thịt, thỏa thuận giá cả để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Từ đó, tôi cùng bà con chăn nuôi dê nơi đây không lo ngại đầu ra, cứ dê xuất chuồng là có thương lái đến tận nhà để thu mua mà không bị ép giá như trước đây".
Gắn bó với việc nuôi dê đã khá lâu, anh Tú tích lũy được cho mình khá nhiều kinh nghiệm trong việc làm chuồng cũng như chăm sóc dê. Anh Tú chia sẻ: "Dê là động vật nhai lại, ăn tạp vì thế thức ăn của chúng cũng rất đơn giản như các loại lá, cỏ cây, cỏ voi, so đũa... nên tốn ít chi phí thức ăn. Chi phí đầu tư chuồng trại cũng không cao, chủ yếu làm chuồng cao ráo, thoáng mát để tiện việc vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, dê ít xảy ra dịch bệnh hơn so với các loài vật nuôi khác, chủ yếu mắc một số bệnh thông thường về đường ruột, tiêu hóa,… chỉ cần biết cách phòng trừ đàn dê sẽ khỏe mạnh, an toàn, mau lớn, cho năng suất cao".
Anh Tú cũng trăn trở: "với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, không mất nhiều thời gian chăm sóc và thị trường tiêu thụ rộng lớn... mô hình chăn nuôi này đang là một hướng đi phù hợp giúp bà con nông dân tỉnh Tiền Giang nói chung, xã Bình Đông nói riêng vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì hiện nay việc chăm sóc chỉ nhờ vào những kinh nghiệm dân gian là chính, người dân chưa được trang bị những kiến thức cơ bản. Do vậy, người chăn nuôi cần phải được tập huấn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình chăn nuôi này".
Nhờ chăm chỉ, siêng năng, không ngại khó học hỏi kinh nghiệm, từ vài con dê gầy đàn ban đầu đến nay đàn dê của anh Tú lên đến 48 con dê (bao gồm dê sinh sản, dê thịt và dê con). Anh Tú khoe: "tôi vừa bán được mấy con dê thịt, giá 90.000 đồng/kg, thu về được mấy chục triệu đồng. Những lúc cao điểm đàn dê gia đình tôi có gần 70 con, có năm tôi bán được hơn 30 con dê thịt, những lúc giá dê hơn 100.000 đồng/kg, lợi nhuận còn cao hơn. Bây giờ xuất bán dê thịt cứ điện thoại là có thương lái đến tận nhà thu mua không còn phải lo ngại đầu ra như trước đây nữa". Ngoài đàn dê, anh Tú còn chăn nuôi thêm bò để góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
Với đôi bàn tay cần cù và khối óc linh hoạt cùng với ý chí dám nghĩ, dám làm, đến nay gia đình anh Tú có nguồn thu nhập ổn định. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí mô hình chăn nuôi dê, bò kết hợp với trồng lúa, mang về cho gia đình anh Tú nguồn thu hàng trăm triệu đồng, góp phần ổn định kinh tế gia đình, có điều kiện nuôi các con ăn học và xây dựng được nhà cửa khang trang. Nhiều năm liền, anh Tú được công nhận nông dân sản xuất giỏi các cấp.
Nói về anh La Thanh Tú, ông Phạm Tấn Tài, Tổ phó THT chăn nuôi dê CCB xã Bình Đông, nhận xét: "mô hình chăn nuôi dê của anh Tú là một trong những mô hình kinh tế có hiệu quả của THT chăn nuôi dê CCB xã Bình Đông. Anh cũng là một trong những hội viên thành công trong việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi dê của anh được Hội CCB, Hội Nông dân xã Bình Đông chọn làm mô hình điểm để bà con nhân dân đến tham quan học tập, rút kinh nghiệm. Qua đó, áp dụng vào quá trình chăn nuôi của từng tổ viên".