Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Vai trò “4 nhà” trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang (vùng Đồng bằng sông Cửu Long)
(Ngày đăng: 27/11/2015)
Hiện nay, ở nước ta, cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Tiền Giang, xét cơ cấu ngành kinh tế, nông nghiệp luôn có xu hướng giảm về tỷ trọng so với hai ngành công nghiệp và ngành dịch vụ. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, hai ngành trồng trọt và chăn nuôi, cơ cấu cũng có tỷ trọng thích ứng, phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

 

       Tái cơ cấu nông nghiệp hàm chứa sự chuyển dịch lại cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) có sự thay đổi, tỷ trọng cân đối phù hợp nhằm sản xuất các nông sản vừa có số lượng và chất lượng theo lợi thế của địa phương và theo yêu cầu thị trường.


       Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng có nghĩa là phải tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu lao động, cơ cấu lại công nghệ sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp theo tỷ trọng cơ cấu nông nghiệp tương ứng và yêu cầu thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là thị trường quốc tế. Chính vì thế, vai trò của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông “4 nhà” trong tái cơ cấu nông nghiệp ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững của địa phương luôn là vấn đề bức bách, được mọi người quan tâm.


       Trước hết, Nhà nước có vai trò ở tầm vĩ mô, thể hiện ở các mặt: tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua việc ký kết hiệp định với các quốc gia, các tổ chức thương mại quốc tế…; định hướng chiến lược thị trường, đưa ra dự báo, dài hạn về cung - cầu thị trường, nhất là thị trường thế giới của từng loại nông sản. Với các yếu tố trên, Nhà nước định hướng chuyển dịch tỷ trọng nội bộ ngành nông nghiệp tương ứng, phù hợp trong tái cơ cấu nông nghiệp về trồng trọt và chăn nuôi cho từng vùng; đưa ra những quy hoạch sản xuất ổn định để nông dân được biết; từ cơ cấu tỷ trọng trong nội bộ ngành nông nghiệp, có chính sách đầu tư vốn bằng tiền (thực hiện chương trình vay vốn sản xuất); cung cấp các dịch vụ tư vấn khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất…; có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực như cán bộ quản lý nhà nước, nông dân có trình độ theo chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi một cách thiết thực.


       Thứ hai, Nhà khoa học có vai trò: nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt; nghiên cứu những công nghệ cao trong canh tác, sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất; có công nghệ bảo quản sau thu hoạch để tăng giá trị hàng hóa.


       Thứ ba, Nhà doanh nghiệp có vai trò hỗ trợ đầu vào: cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất, nguyên liệu như giống, phân bón, thuốc trừ sâu…; tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; dự báo, định hướng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đến người tiêu dùng, cụ thể cho từng nông sản.


       Thứ tư, Nhà nông là người trực tiếp sản xuất ra nông sản, cần phải có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn đủ để tiếp cận các thông tin về thị trường nông sản; tiếp cận, áp dụng khoa học – công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.


       Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, có số lượng lớn, giá rẻ và chiến lược thị trường tốt. Đạt được yêu cầu này trong mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh rất cần đến sự liên kết 4 nhà và giải quyết những vấn đề đặc ra.


       Đối với nhà nông, đa phần còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, chậm tiếp cận thông tin thị trường, kỹ thuật canh tác kém, công nghệ sản xuất chưa cao, cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong định hướng thị trường tiêu thụ, định hướng chuyển dịch tái cơ cấu theo hướng trồng trọt hoặc chăn nuôi theo tỷ trọng thích ứng; đào tạo nguồn lao động chuyên ngành trong cơ cấu lao động cho nông dân về trồng trọt (lúa, cây ăn trái, hoa màu…) hoặc chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy hải sản…)


       Đối với doanh nghiệp, là "đầu tàu", là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết "3 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh các nông sản do vốn đầu tư lớn nhưng lại rủi ro cao và thu hồi chậm. Khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác, nông dân không trả được nợ cho doanh nghiệp, vốn vay của các doanh nghiệp phải kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng lãi suất vốn vay, giá thành sản phẩm chế biến tăng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động và tài chính. Mặt khác khi xảy ra tranh chấp, chưa có hành lang pháp lý phù hợp để giải quyết, phân minh trách nhiệm và quyền lợi cần có giải pháp tốt mặt này.


       Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo "đầu vào" có chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất nhờ công nghệ nhưng hiện nay việc liên kết với các nhà hiệu quả chưa cao. Nhất là việc liên kết với nhà nông để "xã hội hóa" các công nghệ đạt hiệu quả; đồng thời, nhà khoa học lẽ ra phải được coi là then chốt trong mối liên kết nhưng trong thực tiễn nhà khoa học lại thiếu các chính sách hỗ trợ, các nhà khoa học không được hưởng lợi tương ứng và hợp lý trong mối liên kết đó, chỉ có ý nghĩa phục vụ hoạt động khoa học – công nghệ trong nông nghiệp mang nặng tình công ích, bao cấp. Chẳng hạn như các cán bộ khoa học làm công tác khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật tại các trạm, trại ở cơ sở.


       Nhà nước cần có các chính sách miễn thuế kết hợp lồng ghép các dự án, chương trình phát triển hoặc cho vay vốn với nhiều ưu đãi; đào tạo cán bộ nguồn có chất lượng, sản xuất nông nghiệp hướng tới ứng dụng công nghệ cao; là nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết 3 nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả. Cần có những cơ chế hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, nhất là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Cần có một chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp và nhà nông. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết.


       Hiện nay, nông sản nếu có sự liên kết tốt, sản phẩm bán thô dưới dạng nguyên liệu sẽ hạn chế, cần chế biến và bảo quản để tạo thế quân bình giữa cung - cầu; đồng thời điều chỉnh được giá bán. Ngược lại, khi cầu giảm, phải có những biện pháp tiếp thị để kích cầu thị trường. Để mô hình liên kết giữa “4 nhà” hiệu quả thời gian tới cần có chính sách miễn thuế kết hợp lòng ghép các dự án, chương trình phát triển hoặc vay vốn nhiều ưu đãi, đào tạo cán bộ nguồn có chất lượng, sản xuất nông nghiệp hướng tới công nghệ cao.


       Có thể khẳng định: bốn điều kiện tiên quyết để làm nên cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: thứ nhất, doanh nghiệp có đủ ba yếu tố tâm - trí - lực, không tối ưu hóa lợi nhuận, phải hợp lý hóa lợi ích; thứ hai, phải có nguồn lực đất đai có quy mô sản xuất đủ lớn trong trồng trọt; thứ ba, phải lựa chọn công nghệ đúng; thứ tư, phải có sự tham gia tích cực của nông dân.


       Như vậy, xu thế tất yếu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững của Tiền Giang là xây dựng thành công mô hình liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và nhà doanh nghiệp".

 

Ngọc Ánh-Liên hiệp Hội Tiền Giang
Tin liên quan